Kết nối sản xuất và tiêu thụ sản phẩm miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo
Kết quả khả quan từ hoạt động kết nối cung cầu, tiêu thụ sản phẩm tiềm năng
Tiếp nối cho giai đoạn 2015 – 2020, nhằm thúc đẩy hoạt động thương mại tại vùng núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo, ngày 13/7/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1162/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2021 – 2025.
Hội nghị Kết nối sản xuất và tiêu thụ sản phẩm miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo. Ảnh: BTC |
Triển khai quyết định đó, Bộ Công Thương đã, phối hợp với các địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan bám sát mục tiêu của Chương trình triển khai rất nhiều các đề án, nhiệm vụ như: Xây dựng mô hình phát triển các mặt hàng tiềm năng lợi thế; Các hoạt động khuyến khích, thúc đẩy phát triển các mặt hàng là tiềm năng, lợi thế của địa phương; Phát triển thương mại hàng hóa và dịch vụ của khu vực gắn với hoạt động du lịch biển đảo…
Bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) - cho biết, việc triển khai và thực hiện chương trình đã đem lại kết quả tích cực cho các khu vực còn nhiều khó khăn và hoạt động thương mại nói chung.
Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: BTC |
“Giá trị của tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ trên các địa bàn khó khăn có kết quả khả quan về mức tăng trưởng hàng năm. Thúc đẩy các sản phẩm tiềm năng của miền núi, biên giới, vùng sâu, vùng xa và hải đảo để đưa vào hệ thống phân phối trong cả nước và phục vụ xuất khẩu”, bà Nga nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, chương trình đã tạo được hệ thống cơ sở dữ liệu, thông tin phục vụ cho phát triển hoạt động thương mại, đặc biệt là cho việc quảng bá, giới thiệu, kết nối giao thương phát triển thị trường cho sản phẩm hàng hóa
Cần thêm các chính sách để sản phẩm phát triển mạnh mẽ
Thời gian qua, Bộ Công Thương đã phối hợp với các địa phương, cơ quan, đơn vị triển khai các đề án, nhiệm vụ bám sát mục tiêu của Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2021 – 2025.
Trong đó, chú trọng vào hoạt động kết nối cung cầu như: Hỗ trợ triển khai kết nối và thu hút được các thương nhân, doanh nghiệp đầu tư; tổ chức các hội nghị, hội thảo, hội chợ trưng bày, quảng bá, giới thiệu các sản phẩm đặc trưng.
Lễ ký kết thỏa thuận kết nối sản xuất và tiêu thụ sản phẩm miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo. Ảnh: BTC |
Hướng tới mục tiêu đưa tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo đạt mức tăng trưởng 9 - 11% hàng năm, Bộ Công Thương đã và sẽ tiếp tục triển khai nhiều giải pháp mà Bộ đã ban hành trong thời gian qua.
Một số giải pháp được đưa ra trong Hội nghị gồm: xây dựng mô hình thí điểm về hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa cho đồng bào miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo; đào tạo nguồn nhân lực; đẩy mạnh các chương trình, đề án đã có hiệu quả… Đặc biệt, đẩy mạnh việc tuyên truyền, quảng bá sản phẩm cho người tiêu dùng trong nước và quảng bá qua kênh thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, tiếp tục hoạt động xúc tiến thương mại của Việt Nam tại nước ngoài.
Trong bối cảnh đất nước đổi mới và ngày càng hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới, Đảng và Nhà nước luôn dành sự quan tâm lớn cho phát triển nông nghiệp, nông thôn nói chung. Đặc biệt là khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo – những khu vực có vị trí chiến lược trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nước ta. Hội nghị “Kết nối sản xuất và tiêu thụ sản phẩm miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo” hôm nay là một trong những hoạt động của Bộ Công Thương triển khai Chương trình năm 2023. Hội nghị nhằm chia sẻ thực tiễn và những vấn đề đặt ra trong triển khai thực hiện Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo trong giai đoạn 2021-2025; thảo luận các giải pháp về chính sách, hỗ trợ sản xuất, chế biến, kết nối tiêu thụ, xúc tiến thương mại cho các sản phẩm thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo. |