Hàng giả, lo thật!
Sản phẩm mới ra mắt, tháng sau đã có hàng giả
Vấn nạn sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ... đã trở thành vấn nạn tại thị trường Việt Nam. Hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ thuộc đủ chủng loại từ hàng tiêu dùng, gia dụng, điện tử tới thực phẩm, dược phẩm...
Gần một năm trở lại đây, Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương đã liên tiếp nhận được yêu cầu của các doanh nghiệp, Tập đoàn sản xuất kinh doanh lớn trên thế giới hoặc có nhà máy sản xuất ở Việt Nam, đề nghị phối hợp ngăn chặn hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Ông Đỗ Việt Tùng - Trưởng ban Đối ngoại, Tập đoàn Lego tại Việt Nam - cho biết, trên thị trường có rất nhiều sản phẩm đồ chơi giả nhãn hiệu Lego. Có sản phẩm Lego vừa ra mắt 1-2 tháng thì trên thị trường đã có hàng giả. Đáng nói, sản phẩm giả có giá chỉ bằng 1/5 đến 1/3 giá hàng thật. Lego đã nhiều lần đề nghị các sàn thương mại điện tử gỡ bỏ sản phẩm vi phạm, đóng gian hàng nhưng không xuể.
Tương tự, đối với sản phẩm táo đỏ khô có xuất xứ từ Hàn Quốc, theo chia sẻ từ đại diện thương hiệu, trên thị trường Việt Nam đã và đang xuất hiện nhiều sản phẩm giả mạo xuất xứ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ với sản phẩm này.
Sản phẩm táo đỏ khô đang được rất nhiều người tiêu dùng Việt tin dùng, tuy nhiên, trên thị trường xuất hiện rất nhiều sản phẩm giả mạo nhãn hiệu. Ảnh: Khánh An |
“Với thương hiệu táo đỏ khô Hàn Quốc (Dried Jujube) do Công ty TNHH TM Organic Farm nhập khẩu và được Công ty TNHH Solomon International phân phối tại Việt Nam, các sản phẩm được phân phối tại thị trường Việt Nam là túi đóng gói, trọng lượng lớn nhất là 500gr, bao bì in rõ thông tin nhà nhập khẩu, phân phối, có mã QR code...
Tuy nhiên, tại thị trường Việt Nam, sản phẩm táo đỏ của thương hiệu này đang được phân phối với trọng lượng lớn hơn 500gr, được đóng gói trong túi nhựa, và đựng trong hộp màu đỏ, hình chữ nhật rất bắt mắt, trang trọng. Quả táo bên trong có kích thước to hơn rất nhiều so với táo khô Hàn Quốc chính hãng”, đại diện thương hiệu này chia sẻ.
Hàng giả và nỗi lo thật
Hiện tượng làm giả, xâm phạm quyền sở hữu Trí tuệ đối với các sản phẩm xe máy, phụ tùng xe máy của một số nhà sản xuất như: Honda, Piaggio, Yamaha, SYM, Suzuki... đang ở mức đáng lo ngại khi hiện nay các mặt hàng xe máy, phụ tùng xe máy bị làm giả, làm nhái đang được bày bán một cách công khai tại các chợ truyền thống cũng như trên các nền tảng thương mại điện tử. Các vi phạm không chỉ diễn ra phổ biến ở việc làm giả thương hiệu, mà còn là vi phạm kiểu dáng công nghiệp, đặc biệt là ở các dòng xe máy 50cc, xe máy điện...
Phụ tùng, linh kiện xe máy bán tràn lan trên các sàn thương mại điện tử. Ảnh chụp màn hình |
Dạo qua các sàn thương mại điện tử và các diễn đàn, hội nhóm facebook, những loại linh kiện, phụ tùng xe máy được bày bán tràn lan gắn mác thương hiệu lớn như Honda, Yamaha... Để tiếp cận được khách hàng, người bán thường quảng cáo những sản phẩm này là hàng chính hãng, chỉ mất hộp hoặc mất tem. Ngoài ra, hàng hóa rao bán trên mạng còn được các chủ cơ sở kinh doanh gắn mác “hàng OEM” (hàng được bán từ nhà máy sản xuất cho hãng). Các phụ tùng, linh kiện giá rẻ thường có lượt bán cao, khoảng 1-4.000 lượt mua/sản phẩm. Nhiều người dùng không ngại đặt mua những linh kiện, phụ tùng này dù không thể phân biệt được hàng thật hay giả bởi tâm lý tiết kiệm, ham rẻ.
Tham quan Phòng Trưng bày hàng thật - hàng giả với chủ đề “Nhận diện nhãn hiệu được bảo hộ” tại Việt Nam do Tổng cục Quản lý thị trường tổ chức, gia đình anh Huỳnh Thắng Trung (Tây Hồ - Hà Nội) - cũng chia sẻ, việc sử dụng các sản phẩm, phụ tùng xe máy giả rất nguy hiểm, luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn, ảnh trực tiếp đến người tiêu dùng.
Đại diện thương hiệu Honda chia sẻ các dấu hiện nhận biết hàng thật, hàng vi phạm. Ảnh: Khánh An |
Theo lãnh đạo Tổng cục Quản lý thị trường, những dòng xe giả, xe xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ hay các linh phụ kiện giả khi được thay thế, lắp ráp vào xe có giá thành thấp, không có tiêu chuẩn hợp quy và tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Thực tế, rất nhiều trường hợp tai nạn giao thông do phụ tùng giả, không đảm bảo chất lượng gây ra như cháy nổ xe máy, xe gãy trục, nổ lốp... những tai nạn này đã gây tổn thất lớn cho sức khỏe và tài sản của người tiêu dùng, và ảnh hưởng đến thương hiệu, uy tín của các doanh nghiệp uy tín đang kinh doanh tại thị trường Việt Nam.
Ông Nguyễn Đức Lê - Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ, Tổng cục Quản lý thị trường - cho biết, vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng đối với các mặt hàng phụ tùng, phụ kiện xe máy nói riêng, hàng hóa nói chung xuất hiện chẳng những ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng, an toàn tính mạng của người sử dụng.
Quan trọng hơn, dưới góc độ kinh tế, hàng giả, hàng nhái, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đang làm phương hại rất lớn đến cả lợi nhuận và uy tín của những doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính, tạo tác động tiêu cực đến quyết định đẩy mạnh đầu tư của các doanh nghiệp này.
Về dài hạn, vấn đề này làm giảm chỉ số xếp hạng môi trường đầu tư của Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do nổi bật như CPTTP, EVFTA, trong đó việc bảo hộ thực thi quyền sở hữu trí tuệ luôn là một trong những nội dung quan trọng của cam kết.
Do vậy, để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng cũng như uy tín của các nhà sản xuất, doanh nghiệp đang kinh doanh tại thị trường Việt Nam, ông Nguyễn Đức Lê, kiến nghị cần sự tham gia quyết liệt của các hiệp hội chung tay cùng doanh nghiệp đấu tranh chống hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, không rõ nguồn gốc. Bên cạnh đó, cần phải có những công cụ, giải pháp được pháp luật thừa nhận nhằm hỗ trợ lực lượng quản lý thị trường thực thi nhiệm vụ.
“Để nâng cao hiệu quả phòng, chống hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, thời gian qua lực lượng Quản lý thị trường thực hiện chủ trương “phòng hơn chống”, thông qua tuyên truyền bằng nhiều hình thức trên các phương tiện truyền thông; tổ chức các tuần lễ trưng bày hàng thật - hàng giả để cung cấp cho người tiêu dùng những dấu hiệu nhận biết hàng giả”, Phó Cục trưởng Nguyễn Đức Lê thông tin và khẳng định, công tác đấu tranh chống hàng giả luôn là nhiệm vụ trọng tâm, hàng đầu của lực lượng Quản lý thị trường.