HAGL của bầu Đức: Bán từ bất động sản, bệnh viện đến heo ăn chuối Bapi
Heo ăn chuối - phát kiến lớn của bầu Đức
Mới đây, Hội đồng quản trị Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL, HOSE: HAG) có nghị quyết gây choáng cho cổ đông, đó là thông qua việc chuyển nhượng toàn bộ cổ phần đang nắm giữ tại Công ty Cổ phần Bapi Hoàng Anh Gia Lai - thương hiệu phân phối thịt heo ăn chuối đình đám của ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức).
"HAGL sẽ là doanh nghiệp đầu tiên làm mô hình từ trang trại đến bàn ăn mà có đủ thứ người tiêu dùng cần như thịt, rau, tỏi, ớt...", bầu Đức nói và khẳng định Bapi trong tương lai không chỉ bán thịt heo ăn chuối, thịt gà đi bộ, thịt bò Lào mà còn bao gồm rau củ quả do chính HAGL trồng |
Theo Báo cáo tài chính quý II/2023, HAGL đang sở hữu 44,5% vốn điều lệ của Bapi, tỷ lệ biểu quyết là 34%. Dù là công ty liên kết, nhưng Bapi từng được coi xem là phát kiến lớn của bầu Đức trong nỗ lực vực dậy hoạt động kinh doanh của HAGL với mô hình "con heo và cây chuối", gây ầm ĩ dư luận từ năm 2022.
Theo tìm hiểu, thương hiệu heo ăn chuối Bapi là sự hợp tác giữa HAGL và Công ty Dược phẩm Đông Á. Ban đầu, HAGL góp 55% trong số vốn điều lệ 50 tỷ đồng của doanh nghiệp, còn 40% thuộc về Dược phẩm Đông Á và 5% do bà Hoàng Thị Kim Nhung (sau này được chuyển lại cho bà Lê Minh Nguyệt) sở hữu.
Về sự kiện ra mắt Bapi, bầu Đức từng nói rằng ông đã mất ngủ, vui mừng khi tìm ra công thức nuôi heo nhanh lớn, chất lượng bằng các loại chuối thải loại. Tận dụng được dòng nguyên liệu giá thành thấp, bảo đảm an toàn vệ sinh sẽ giúp HAGL tối ưu chi phí cho mảng chăn nuôi heo, nuôi gà, từ đó thu về lợi nhuận lớn.
"HAGL sẽ là doanh nghiệp đầu tiên làm mô hình từ trang trại đến bàn ăn mà có đủ thứ người tiêu dùng cần như thịt, rau, tỏi, ớt...", bầu Đức nói và khẳng định Bapi trong tương lai không chỉ bán thịt heo ăn chuối, thịt gà đi bộ, thịt bò Lào mà còn bao gồm rau củ quả do chính HAGL trồng.
Song, từ tháng 2/2023, HAGL bất ngờ giảm tỷ lệ sở hữu xuống mức dưới 50% sau khi không tham gia tuyệt đối vào đợt phát hành thêm 5 triệu cổ phiếu của Bapi, cho thấy bầu Đức đang có kế hoạch khác so với ban đầu. Điều đó càng được khẳng định hơn khi HAGL quyết định rao bán toàn bộ cổ phần đang sở hữu tại Bapi.
Hồi tháng 8/2023, bầu Đức đã có lần chia sẻ với cổ đông về khó khăn và thách thức trong mảng chăn nuôi, hóa ra không dễ như ông tưởng tượng. Ông thừa nhận Bapi đang chịu lỗ do hoạt động phân phối chưa ổn định, không đủ sức cạnh tranh trong thị trường vô cùng khốc liệt này.
Ngay trong năm đầu thành lập, Bapi phấn khởi được mở gần 200 cửa hàng đặt tập trung ở khu vực phía Nam, nhưng thời gian đã minh chứng chất lượng hệ thống này không đạt yêu cầu, không tạo ra lợi nhuận. Vì vậy, HAGL sau đó đã giảm số lượng cửa hàng xuống còn 52 cơ sở, trong đó 46 cửa hàng đặt tại TP. Hồ Chí Minh, tính đến tháng 8/2023.
Nỗ lực giảm nợ cuối năm
Liên quan đến công tác thoái vốn, bán tài sản, cách đây vài ngày, HAGL thông qua nghị quyết chuyển nhượng cổ phần tại Công ty Cổ phần Bệnh viện Đại học Y Dược - Hoàng Anh Gia Lai để trả nợ gốc trái phiếu năm 2016.
Theo đó, số cổ phần chuyển nhượng là 9,9 triệu cổ phần, chiếm 99% vốn điều lệ tại bệnh viện. Hội đồng quản trị ủy quyền và giao cho bà Hồ Thị Kim Chi - Phó Tổng Giám đốc, đại diện ký các hợp đồng, thoả thuận, văn bản, tài liệu và triển khai thực hiện các thủ tục liên quan đến việc chuyển nhượng này.
Được biết, Bệnh viện Đại học Y Dược - Hoàng Anh Gia Lai thành lập năm 2011, địa chỉ tại phường Trà Bá, TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai), cạnh Quốc lộ 19. Vốn đầu tư ban đầu là 250 tỷ đồng, hoàn thành sau gần 2 năm thi công. Theo giới thiệu trên website từ năm 2012, bệnh viện đa khoa này được thành lập dựa trên sự hợp tác của Bệnh viện Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh và Tập đoàn HAGL.
Lúc đó, bệnh viện có 11 khoa nội trú, 6 phòng chức năng, 20 phòng khám chuyên khoa, 4 phòng mổ. Vào thời điểm ký hợp tác thành lập, đại diện HAGL cho biết việc xây dựng bệnh viện nhằm chia sẻ khó khăn về y tế của vùng, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân. Ngoài ra, bệnh viện cũng sẽ chăm sóc, điều dưỡng cho toàn bộ cán bộ nhân viên tập đoàn.
HAGL trước đó cũng bán xong khách sạn bốn sao Hoàng Anh Gia Lai, thu về 180 tỷ đồng. Số tiền này dự kiến để trả nợ trái phiếu HAGL được phát hành năm 2016 cho Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV). Đây được coi là bất động sản đắc địa còn lại của bầu Đức.
Tuy nhiên, nhà đầu tư vẫn đặt kỳ vọng vào HAGL khi cuối tháng 10/2023, bầu Đức và bầu Thụy (ông Nguyễn Đức Thụy - Chủ tịch HĐQT LPBank) đã bắt tay ký kết hợp tác toàn diện, trong đó, LPBank sẽ là đơn vị cấp vốn cho HAGL để đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp như trồng trọt và chăn nuôi.
Ít lâu sau, ngày 2/11, LPBank ký kết hợp tác toàn diện với Học viện Bóng đá và CLB Bóng đá HAGL. Với sự đồng hành của ngân hàng, học viện và CLB HAGL đổi tên thành Học viện Bóng đá LPBank - Hoàng Anh Gia Lai và CLB Bóng đá LPBank - Hoàng Anh Gia Lai.
Tiếp nối, sẽ là phi vụ phát hành cổ phiếu riêng lẻ trị giá 1.300 tỷ đồng sắp tới, mà hệ sinh thái của bầu Thụy (LPBank, Chứng khoán LPBank, Thaigroup) cam kết đầu tư trọn vẹn.