Hà Nội: Bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử
Hàng kém chất lượng tràn lan
TMĐT đang là “mảnh đất màu mỡ” để nhiều đối tượng lợi dụng bán các loại hàng hóa kém chất lượng, mặc dù cơ quan quản lý luôn rốt ráo xử lý các vi phạm. Điển hình gần đây, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 1 (Cục QLTT Hà Nội) đã phối hợp với Phòng An ninh công nghệ cao (Công an TP. Hà Nội) xử lý hoạt động kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu Samsung tại Cầu Giấy (Hà Nội). Các đối tượng sử dụng website đăng địa chỉ ảo, đứng tên mua website là một người, nhưng thực sự sở hữu và sử dụng lại là một người khác. Quá trình hoạt động, đối tượng sử dụng rất nhiều các website và được liên kết với nhau qua các đường link hiện trên giao diện của website.
Một góc giao diện bán đồ công nghệ của ứng dụng thương mại điện tử |
Trước đó, Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) và Cục QLTT Hà Nội đồng loạt kiểm tra 5 địa điểm bán hàng, kho chứa hàng của 2 website kinh doanh hàng hiệu là Menshop79.com và Menshopfashion.com. Qua kiểm tra, đã phát hiện, thu giữ gần 2.000 sản phẩm giả mạo nhãn hiệu Gucci, Louis Vuitton, Hermes, Versace, Burberry…
Trong chiến lược phát triển TMĐT, thành phố đặt mục tiêu đến năm 2025, doanh thu bán lẻ trực tuyến chiếm 10% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn; 100% doanh nghiệp có trang thông tin điện tử, cập nhật thường xuyên thông tin giới thiệu và bán sản phẩm; 85% doanh nghiệp thực hiện đặt hàng, nhận đơn đặt hàng thông qua các ứng dụng thương mại điện tử; 95% các siêu thị có thiết bị chấp nhận thẻ thanh toán POS và cho phép người tiêu dùng thanh toán không dùng tiền mặt khi mua hàng…
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, TMĐT cũng để lại không ít thách thức, khó khăn, trong đó, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến quyền lợi của người tiêu dùng. Cụ thể như vấn đề lo ngại của người tiêu dùng về chất lượng hàng hóa; hành vi quảng cáo lừa dối; an toàn trong thanh toán trực tuyến hoặc các vấn đề liên quan đến bảo mật thông tin giao dịch…
Thực tế hiện nay, nhận thức của các tổ chức, cá nhân kinh doanh và người tiêu dùng về công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn còn nhiều hạn chế. Tỷ lệ khiếu nại của người tiêu dùng còn rất thấp so với các vụ vi phạm được phát hiện. Điều này, một phần vì tâm lý ngại đụng chạm đến các tổ chức và cá nhân kinh doanh, nhưng một phần do bản thân người tiêu dùng chưa ý thức được quyền của mình với các nhà cung cấp sản phẩm hàng hóa, dịch vụ và địa chỉ để khiếu nại...
Xác định rõ trách nhiệm của chủ sàn giao dịch
Để thị trường TMĐT phát triển lành mạnh, cần có các quy định, điều kiện tham gia vào hệ thống bán hàng trực tuyến chặt chẽ hơn và chế tài xử phạt thật nặng đối với vi phạm, bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng...
Chuyên gia bán lẻ Vũ Vinh Phú nhận định, sàn giao dịch TMĐT cũng giống như chợ mua bán hàng hóa và ban quản lý chợ phải kiểm soát, quản lý được các hộ kinh doanh. “Nếu cơ quan chức năng phát hiện các tiểu thương kinh doanh hàng giả, hàng nhái, họ sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật. Đồng thời, ban quản lý chợ cũng phải chịu trách nhiệm. Vì vậy, các sàn TMĐT phải có trách nhiệm kiểm soát, quản lý hàng hóa được bày bán trên trang của mình và phải xác định rõ trách nhiệm của chủ sàn giao dịch” - ông Phú nhấn mạnh.
Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên lĩnh vực TMĐT cũng là vấn đề được ngành Công Thương Hà Nội đặc biệt chú trọng trong năm 2020. Bà Trần Thị Phương Lan - Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương Hà Nội - cho biết, thành phố đã và đang tổ chức nhiều chương trình, lớp tập huấn phổ biến cho doanh nghiệp, người tiêu dùng quan tâm đến quyền lợi của mình; xây dựng đường dây nóng để người tiêu dùng có thể phản ánh trực tiếp đến Sở Công Thương cũng như Cục QLTT Hà Nội nắm bắt, xử lý ngay.
Đặc biệt, trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 gây ra, Sở Công Thương đã có công văn kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp tổ chức các chương trình, hoạt động tri ân người tiêu dùng như: Hỗ trợ bảo hành sản phẩm, hỗ trợ, tư vấn sản phẩm tiêu dùng an toàn, tiết kiệm, giảm giá, có các chương trình khuyến mại và hoạt động tri ân khác.
Bên cạnh đó, vận động các doanh nghiệp có website thương mại điện tử, các ngân hàng thương mại hỗ trợ, hướng dẫn người tiêu dùng các hình thức thanh toán trực tuyến, nhất là trong các ngày, các đợt, mùa mua sắm cao điểm, cùng với việc tập trung vào các hoạt động nhằm thúc đẩy sản xuất, kinh doanh…
Tuy nhiên, vấn đề còn ở chính người tiêu dùng. Bà Trần Thị Phương Lan cho hay, hiện nay việc tiếp nhận phản ánh của người tiêu dùng vẫn còn hạn chế do người tiêu dùng còn ngại phản ánh khi mua những sản phẩm không đúng với chất lượng hoặc giá; người tiêu dùng cũng không lưu trữ được hóa đơn, chứng từ để phản ánh những doanh nghiệp làm ăn không đúng hoặc những cửa hàng, doanh nghiệp phân phối bán những sản phẩm không đúng quy định.
Do đó, Sở Công Thương thường xuyên tuyên truyền người tiêu dùng cần thông thái, khi mua sắm sản phẩm phải quan tâm đến chất lượng, truy xuất nguồn gốc hàng hóa, niêm yết giá rõ ràng. Đồng thời, lưu giữ hóa đơn chứng từ để khi xảy ra sản phẩm hàng hóa không bảo đảm theo đúng tiêu chuẩn chất lượng thì có thể phản ánh; đưa đầy đủ chứng cứ đến các cơ quan quản lý nhà nước; để xem xét, xử lý các đối tượng vi phạm theo đúng quy định hiện hành.
Thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật và các chính sách về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, một cách rộng rãi trong toàn xã hội. Tăng cường trách nhiệm, sự phối hợp hiệu quả của các cơ quan quản lý nhà nước trong kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm khắc, kịp thời các vi phạm về quyền lợi của người tiêu dùng. Tổ chức thực hiện các cơ chế, chính sách, công cụ, biện pháp để từng bước nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn.