Gói thầu điện chiếu sáng tại Tuyên Quang: Nhà thầu nói bên mời thầu “chủ quan và thiếu căn cứ”?
Ngày 16/1, thông tin đến Báo Công Thương, đại diện Tổng công ty Cổ phần Xây dựng công nghiệp Việt Nam (Vinaincon, nhà thầu) cho biết tiếp tục có văn bản gửi Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Tuyên Quang (bên mời thầu) đề nghị làm rõ nhận định Vinaincon “không trung thực trong quá trình tham gia dự thầu và làm rõ E-HSDT”. Vinaincon cũng đề nghị bên mời thầu làm rõ nội dung kết luận “không đạt ở bước đánh giá về năng lực và kinh nghiệm”.
Lý do nhà thầu bị loại
Trước đó, ngày 31/12, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Tuyên Quang – bên mời thầu gói thầu số 25 Thi công hệ thống điện chiếu sáng thuộc Dự án Cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang (giai đoạn 1), đoạn qua tỉnh Tuyên Quang – đã có văn bản trả lời kiến nghị của nhà thầu Vinaincon.
Cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang nhìn từ trên cao. Ảnh: CTV |
Theo bên mời thầu, đối chiếu hồ sơ dự thầu và kết quả làm rõ hồ sơ dự thầu, nhà thầu không đạt ở bước đánh giá năng lực kinh nghiệm và có biểu hiện không trung thực trong quá trình dự thầu.
Cụ thể, Vinaincon chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế năm 2022 tính đến thời điểm đóng thầu (ngày 23/10/2023 còn nợ thuế là 437.003.223 đồng). Bên mời thầu đánh giá nhà thầu không đạt ở tiêu chí thực hiện nghĩa vụ thuế. “Do nhà thầu không đạt (bị loại) ở bước đánh giá về năng lực và kinh nghiệm nên không được chuyển sang bước đánh giá về kỹ thuật”, văn bản của bên mời thầu nêu.
Trong khi, nhà thầu có đơn dự thầu trong đó cam kết “đã thực hiện nghĩa vụ thuế của năm tài chính gần nhất so với thời điểm đóng thầu”; nhà thầu đề nghị Cục Thuế thành phố Hà Nội xác nhận đến hết năm 2022, Vinaincon không nợ đọng thuế với ngân sách nhà nước; trong nội dung làm rõ nhà thầu có giải thích "việc trình các hồ sơ thuế nêu trên và cung cấp cam kết của nhà thầu trong đơn dự thầu đã cơ sở để chúng minh nhà thầu đã hoàn thành nghĩa vụ thuế năm 2022".
"Kết quả làm rõ thì không đúng như nhà thầu đã cam kết và giải thích", bên mời thầu cho biết và dẫn quy định tại khoản 12 Điều 3 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14: “Hoàn thành nghĩa vụ thuế là nộp đủ số tiền thuế phải nộp, số tiền chậm nộp, tiền phạt vi phạm pháp luật về thuế và các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước” làm căn cứ.
Vì sao nhà thầu phản ứng?
Phản hồi bên mời thầu, Vinaincon khẳng định xuyên suốt trong quá trình trao đổi, làm rõ bằng văn bản giữa hai bên, bằng các viện dẫn từ hồ sơ mời thầu, viện dẫn văn bản pháp luật nhà nước, nhà thầu nhiều lần đề nghị bên mời thầu “xem xét không sử dụng tiêu chí "đảm bảo rằng không còn nợ thuế" làm cơ sở đánh giá năng lực nhà thầu”.
Nhà thầu cũng cho rằng bên mời thầu đã viện dẫn luật (Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14) mang tính “gượng ép” và có phần “can thiệp sâu” vào hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp không liên quan đến yêu cầu về đánh giá hồ só dự thầu của gói thầu.
Theo nhà thầu, yêu cầu của hồ sơ mời thầu là “đã thực hiện nghĩa vụ thuế của năm tài chính gần nhất so với thời điểm đóng thầu”, tức là năm tài chính 2022. Nhà thầu khẳng định đã hoàn thiện và nộp lên hệ thống thông tin quản lý thuế “tờ khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp” cho kỳ tính thuế năm 2022 từ 1/1/2022 đến 31/12/2022.
“Đến thời điểm nộp hồ sơ dự thầu là năm 2023, Vinaincon không có bất kỳ phản hồi hay hành động nào từ cơ quản quản lý thuế như là cưỡng chế thuế, xử phạt vi phạm, áp dụng biện pháp ngăn chặn theo luật định. Nghĩa là, Vinaincon đã hoàn thành nghĩa vụ thuế của năm 2022”, đại diện Vinaincon nhấn mạnh.
Vinaincon cũng phản hồi thông tin liên quan đến số tiền 437.003.223 đồng mà nhà thầu còn nợ thuế tính đến thời điểm 31/12/2022 và nhận định nhà thầu “không trung thực trong quá trình tham gia dự thầu và làm rõ hồ sơ dự thầu”. Theo đó, Vinaincon cho rằng bên mời thầu đã chưa xem xét đến nguyên tắc thận trọng khi nhận định về công tác kế toán thuế của nhà thầu, dẫn đến việc, nhà thầu cho rằng, nhận định của bên mời thầu là chủ quan và thiếu căn cứ.
Theo Vinaincon, số tiền trên là khoản tiền nộp chậm thuế của Tổng công ty Xây dựng công nghiệp Việt Nam (trước khi chuyển đổi sang mô hình cổ phần). Số tiền này không có trong số liệu bàn giao từ công ty nhà nước sang công ty cổ phần. Doanh nghiệp cũng đã nhiều lần gửi công văn xác nhận, thông báo việc này tới cơ quan quản lý thuế và khẳng định Vinaincon không có nghĩa vụ đối với khoản tiền chậm nộp không có trong số liệu quyết toán, bàn giao từ doanh nghiệp nhà nước sang công ty cổ phần. Vinaincon khẳng định, từ khi cổ phần hóa đến nay, doanh nghiệp không nợ thuế. Tuy vậy, nhằm thể hiện mong muốn, thiện chí của mình, Vinaincon vẫn nộp số tiền trên. Việc Vinaincon nộp số tiền chậm nộp nêu trên hoàn toàn không nhằm mục đích “sửa sai” hay “làm sai lệch số liệu” nhằm có lợi trong công tác xét thầu.
Vinaincon cho biết thêm, để làm rõ vướng mắc liên quan đến nghĩa vụ thuế trong quá trình tham dự gói thầu trên, đơn vị đã có văn bản gửi các cơ quan quản lý nhà nước về đấu thầu đề nghị làm rõ nội dung nhà thầu nợ thuế trong trường hợp trên có phải là cơ sở để đánh giá năng lực nhà thầu theo quy định.
Theo các chuyên gia về đấu thầu, theo hướng dẫn tại Mục 2.1 Chương III mẫu HSMT xây lắp ban hành kèm Thông tư số 08/2022/TT-BKHĐT, một trong những tiêu chí đánh giá về năng lực và kinh nghiệm là nhà thầu đã thực hiện nghĩa vụ thuế, không phải là hoàn thành nghĩa vụ thuế. Với gói thầu trên, hồ sơ cho thấy, quá trình làm rõ hồ sơ dự thầu, Vinaincon đã thực hiện nghĩa vụ thuế của năm tài chính gần nhất là năm 2022; còn khoản nợ thuế chậm nộp cũng được cơ quan thuế xác định là khoản nợ treo từ thời điểm trước khi cổ phần hóa (năm 2008) thuộc pháp nhân là doanh nghiệp nhà nước. Bên mời thầu nên làm rõ nguồn gốc khoản nợ thuế để có đánh giá đầy đủ, khách quan, tránh ảnh hưởng quyền lợi chính đáng của nhà thâu. |