Gói thầu điện chiếu sáng tại Tuyên Quang: Mập mờ lý do loại nhà thầu?
Vụ việc xảy ra tại gói thầu số 25 thi công hệ thống điện chiếu sáng thuộc Dự án Cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang (giai đoạn 1) – đoạn qua Tuyên Quang do Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Tuyên Quang làm chủ đầu tư kiêm bên mời thầu. Nhà thầu Tổng công ty cổ phần Xây dựng Công nghiệp Việt Nam (Vinaincon) phản ứng khi bị bên mời thầu loại nhưng không công bố rõ lý do.
Nhà thầu bị làm khó?
Theo hồ sơ, tháng 10/2023, Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Tuyên Quang thông báo mời thầu qua mạng gói thầu thi công hệ thống điện chiếu sáng thuộc Dự án Cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang (giai đoạn 1) – đoạn qua Tuyên Quang, theo hình thức 1 giai đoạn 2 túi hồ sơ, giá trị gần 70 tỷ đồng.
2 nhà thầu nộp hồ sơ gồm: Tổng công ty cổ phần Xây dựng Công nghiệp Việt Nam (Vinaincon) và Liên danh Công ty TNHH Thành Dũng, Công ty TNHH Thương mại kỹ thuật điện và xây dựng Hà Nội và Công ty TNHH Thiết bị điện Dũng Hoan (Liên danh Thành Dũng – Xây dựng Hà Nội – Dũng Hoan).
Cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang nhìn từ trên cao. Ảnh: CTV |
Trong quá trình chấm thầu, ngày 11/12/2023, Vinaincon nhận được yêu cầu của bên mời thầu cung cấp các nội dung: “Xác nhận của cơ quan quản lý thuế về việc thực hiện nghĩa vụ nộp thuế đến hết năm 2022”; “tài liệu là scan bằng tốt nghiệp bản gốc hoặc bản chụp được chứng thực” của các nhân sự chủ chốt’ và “thay thế các thiết bị khác có tính nâng hạ người để làm việc trên cao theo đúng yêu cầu của hồ sơ mời thầu”.
Ngày 13/12/2023, nhà thầu Vinaincon có văn bản phản hồi tới bên mời thầu, bổ sung bản scan từ bản gốc bằng tốt nghiệp của các nhân sự phụ trách kỹ thuật thi công, vật liệu, an toàn lao động và làm rõ yêu cầu về thay thế thiết bị.
Tuy nhiên, Vinaincon đề nghị bên mời thầu không sử dụng tiêu chí “đảm bảo rằng không còn nợ thuế” làm cơ sở đánh giá nhà thầu. Nguyên nhân, theo Vinaincon, pháp luật về đấu thầu “không có quy định yêu cầu nhà thầu phải có xác nhận của cơ quan quản lý thuế về việc hoàn thành nghĩa vụ thuế hoặc xác nhận của cơ quan quản lý thuế về việc hoàn thành nghĩa vụ thuế hoặc xác nhận không nợ đọng thuế (việc xác nhận của cơ quan quản lý thuế (nếu có) là về việc thực hiện nghĩa vụ nộp thuế…”. Thứ nữa, nhà thầu đã trình đầy đủ các hồ sơ thuế (được cơ quan quản lý thuế xác nhận) cùng cam kết của nhà thầu về việc đã hoàn thành nghĩa vụ thuế năm 2022 trong đơn dự thầu. Vinaincon cũng bổ sung thông báo của Cục Thuế Hà Nội xác nhận việc thực hiện nghĩa vụ thuế với ngân sách nhà nước.
Nhưng đến ngày 18/12/2023, bên mời thầu có thêm văn bản yêu cầu nhà thầu cung cấp văn bản của cơ quan quản lý thuế xác nhận đến thời điểm 31/12/2022 đã hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế hay còn nợ thuế (?).
Trước yêu cầu này của bên mời thầu, ngày 25/12/2023, Vinaincon có công văn gửi Cục Quản lý đấu thầu – Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị làm rõ nội dung nhà thầu nợ thuế có phải là cơ sở để đánh giá năng lực nhà thầu theo quy định của hồ sơ mời thầu hay không? Trả lời Vinaincon, đại diện Cục Quản lý đấu thầu cho hay nhà thầu chỉ cần chứng minh đã kê khai thuế, nộp thuế của năm tài chính gần nhất (năm 2022) như số liệu nhà thầu đã kê khai trên Hệ thống Thuế điện tử (trong trường hợp Hệ thống chưa cập nhật thông tin về số liệu tài chính).
Trong trường hợp hồ sơ mời thầu yêu cầu nhà thầu đã thực hiện nghĩa vụ thuế của năm tài chính gần nhất so với thời điểm đóng thầu (năm 2022) thì việc trước thời điểm đóng thầu, nhà thầu đã thực hiện kê khai thuế, nộp thuế của năm 2022 theo số liệu nhà thầu kê khai trên Hệ thống Thuế điện tử được coi là đáp ứng yêu cầu của hồ sơ mời thầu. Trường hợp nhà nước có chính sách miễn thuế, giảm thuế, chậm nộp thuế thì thực hiện theo chính sách.
Bất ngờ bị loại không rõ vì sao
Dù cung cấp đầy đủ các văn bản theo yêu cầu của bên mời thầu song Vinaincon cho biết ngày 27/12, qua theo dõi cập nhật trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, doanh nghiệp nhận được thông báo “nhà thầu không đạt tại bước đánh giá năng lực kinh nghiệm” mà không nêu cụ thể lý do không đạt. Vinaincon, do đó, không đồng tình với kết quả và đề nghị bên mời thầu làm rõ hơn về quyết định này.
Ngoài ra, theo thông tin từ Vinaincon, vào lúc 16h09 ngày 27/12, bên mời thầu đã tiến hành mở hồ sơ và công bố điểm kỹ thuật trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia. Đến 17h00 cùng ngày, nhà thầu tải lên trang mạng văn bản hướng dẫn từ Cục Đấu thầu, Bộ Kế hoạch Đầu tư. Mặc dù vậy, đến 19h00, bên mời thầu tiếp tục mở phần tài chính của gói thầu mà không đưa ra bất kỳ xem xét nào đối với văn bản hướng dẫn từ Cục Đấu thầu. Hành động này đã tạo ra nhiều nghi vấn từ phía nhà thầu Vinaincon, đặt ra câu hỏi không hiểu vì sao tổ chức mời thầu lại thực hiện thủ tục gấp gáp và vội vã như vậy (?).
Ngày 4/1, thông tin đến Báo Công Thương, đại diện Tổng công ty cổ phần Xây dựng Công nghiệp Việt Nam (Vinaincon) cho biết vẫn chưa nhận được phản hồi từ Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Tuyên Quang nên chưa rõ lý do bị loại khỏi gói thầu trên. Để đảm bảo công khai, minh bạch trong đấu thầu, Vinaincon sẽ tiếp tục khiếu nại chủ đầu tư hoặc UBND tỉnh Tuyên Quang để làm rõ, đạt được sự công bằng trong quá trình chấm thầu.
"Vinaincon đề nghị bên mời thầu công bố rõ lý do của kết luận đánh giá nhà thầu không đạt tại bước đánh giá năng lực kinh nghiệm, tránh thông tin mập mờ ảnh hưởng đến uy tín nhà thầu", đại diện Vinaincon chia sẻ.
Vinaincon cho biết hiện gói thầu đã hoàn thành mở đề xuất kỹ thuật và đề xuất tài chính. Kết quả mở hồ sơ đề xuất kỹ thuật cho thấy nhà thầu Vinaincon bị loại trong khi Liên danh Thành Dũng – Xây dựng Hà Nội – Dũng Hoan đạt xếp hạng nhất và vào vòng mở hồ sơ đề xuất tài chính. Tài liệu cho thấy, nhà thầu Liên danh Thành Dũng – Xây dựng Hà Nội – Dũng Hoan dự thầu giá 69.408 tỷ đồng, giảm khoảng 21 triệu đồng, tỷ lệ tiết kiệm siêu thấp.
Trước phản ánh của doanh nghiệp, ngày 29/12, Báo Công Thương đã liên hệ qua điện thoại với ông Bùi Công Phượng - Phó trưởng Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Tuyên Quang để tìm hiểu thông tin. Ông Phượng đề nghị "tham khảo trên mạng" và nhanh chóng tắt máy. Những ngày qua, chúng tôi tiếp tục liên hệ ông Phượng nhưng không nhận được phản hồi.
Vinaincon cho biết thêm, trong 20 năm qua đã thi công hàng loạt công trình lớn, tiêu biểu như: Công trình Nhà máy Gang thép Thái Nguyên, Mỏ thiếc Cao Bằng, Mỏ thiếc Quỳ Hợp - Nghệ An, Nhà máy Suppe phốt phát và Hoá chất Lâm Thao, Nhà máy Apatít Lào Cai, Nhà máy Phân đạm và Hoá chất Hà Bắc, Nhà máy Hoá chất Việt Trì, Nhà máy dệt Nam Định, Dệt Việt Trì, Nhà máy giấy Bãi Bằng, Tổ hợp Cao su - Xà phòng - Thuốc là Hà Nội, Nhà máy Cơ khí Trần Hưng Đạo...
Đặc biệt là hàng nghìn km đường dây và trạm điện từ 110 kV đến 500 kV trải dài trên khắp chiều dài đất nước, trong đó có hệ thống đường dây siêu cao áp 500 kV Bắc - Nam được các công ty xây lắp đường dây và trạm điện chuyên ngành thi công hoàn thành đúng tiến độ vào những năm đầu của thập niên 90, đưa dòng điện từ Hoà Bình vào miền Nam, nối huyết mạch điện 2 miền đất nước, góp phần to lớn vào công cuộc điện khí hoá, hiện đại hoá đất nước.
Trao đổi với chúng tôi, một số chuyên gia đấu thầu cho rằng, theo quy định hiện hành, khi công bố danh sách nhà thầu đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, cần phải nêu rõ lý do cụ thể khiến nhà thầu không đáp ứng được. Nhiều bên mời thầu đã kèm theo báo cáo chi tiết, mô tả rõ từng điểm mà nhà thầu không đáp ứng được. Điều này không chỉ tăng tính minh bạch trong quá trình đấu thầu mà còn giảm thiểu tình trạng kiến nghị phức tạp. |