Góc nhìn: Giá dầu sẽ đi về đâu sau cuộc họp của OPEC+?
Giá dầu duy trì đà tăng do lo ngại nguồn cung thắt chặt Giá dầu đảo chiều giảm sau quyết định sản lượng của OPEC+ Phe bán áp đảo hoàn toàn bảng giá nông sản, giá dầu thô suy yếu |
Nhu cầu yếu, trong khi sản lượng của các quốc gia nằm ngoài Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) liên tục gia tăng đã gây sức ép lớn lên giá dầu trong giai đoạn vừa qua. Từ mức đỉnh được thiết lập vào cuối tháng 9, giá dầu đã lao dốc khoảng 14%. Điều này khiến cho các nhà hoạch định chính sách của OPEC+ phải “đau đầu” trước quyết định về sản lượng trong cuộc họp của Ủy ban Giám sát chung Bộ trưởng (JMMC) và cuộc họp Bộ trưởng OPEC ngày 30/11 vừa qua.
Cuộc họp đầy “sóng gió”
Cuộc họp vốn dự kiến diễn ra vào ngày 26/11. Tuy nhiên, sự bất đồng quan điểm giữa các thành viên nhóm về hạn ngạch sản xuất đã khiến OPEC+ phải lùi cuộc họp sang ngày 30/11 và tổ chức bằng hình thức trực tuyến thay vì đàm phán trực tiếp tại Vienna theo kế hoạch ban đầu. Thủ lĩnh nhóm Saudi Arabia đã yêu cầu các thành viên khác trong nhóm giảm hạn ngạch, nhưng bị phản đối. Nguyên nhân là do hạn ngạch của các thành viên châu Phi như Angola và Nigeria đã bị điều chỉnh xuống thấp, trong khi trước đó vào tháng 6, UAE đã phải đấu tranh để có thể tăng hạn ngạch thêm 200.000 thùng/ngày vào 2024. Sự “rạn nứt” giữa các thành viên làm dấy lên lo ngại về mức độ tuân thủ cam kết đối với chính sách chung của nhóm.
Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Quốc tế (IEA), để giữ tồn kho dầu toàn cầu ổn định, OPEC phải cắt giảm sản lượng 510.000 thùng/ngày. Trong khi đó, theo Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), việc cắt giảm thêm sẽ làm giảm tồn kho và nếu không cắt giảm thêm, tồn kho sẽ gần như không thay đổi. Về phía OPEC, dữ liệu của OPEC cho thấy nếu OPEC giữ sản lượng ổn định, tồn kho dầu toàn cầu sẽ giảm 1,73 triệu thùng/ngày. Do vậy, nếu OPEC+ quyết định cắt giảm thêm, điều này chứng tỏ dự báo nhu cầu của OPEC là không chính xác.
Chiến lược cắt giảm tự nguyện đầy sự hoài nghi
Cuộc họp chính sách ngày 30/11 của OPEC+ diễn ra đầy biến động. Kết thúc cuộc họp, nhóm đi đến quyết định cắt giảm sản lượng tự nguyện gần 2,2 triệu thùng/ngày trong quý I/2024. Cụ thể, Saudi cắt giảm 1 triệu thùng/ngày, Nga (500.000 thùng/ngày), Iraq (223.000 thùng/ngày), UAE (163.000 thùng/ngày), Kuwait (135.000 thùng/ngày), Kazakhstan (82.000 thùng/ngày), Algeria (51.000 thùng/ngày) và Oman (42.000 thùng/ngày). Tuy nhiên, ít nhất 1,3 triệu thùng/ngày trong số đó đến từ việc gia hạn cắt giảm tự nguyện mà Saudi và Nga vốn đang áp dụng. Trong khi trước đó, các đại biểu cho biết nhóm đang thảo luận về việc cắt giảm bổ sung 2 triệu thùng/ngày, cho thấy quyết định chính thức của nhóm không được như kỳ vọng của thị trường.
Điều đáng chú ý nằm ở tính chất “tự nguyện”. Vì cắt giảm “tự nguyện” là sẽ không có ràng buộc. Do vậy, mức độ tuân thủ cam kết cắt giảm sẽ không cao. Hơn nữa, sự căng thẳng diễn ra xuyên suốt cuộc họp, với việc Angola phản đối hạn ngạch của nhóm, cũng làm tăng sự hoài nghi của thị trường về việc liệu các nhà sản xuất có thực sự giảm sản lượng theo cam kết tự nguyện hay không. Có thể thị trường sẽ xem đây chỉ là “paper cut”, cho đến khi có dữ liệu cụ thể xác nhận rằng các thành viên trong nhóm đã thực hiện việc cắt giảm theo đúng như cam kết.
Giá dầu sẽ đi về đâu sau cuộc họp của OPEC+
Thông báo cắt giảm của OPEC+ không được như kỳ vọng của thị trường đã khiến giá dầu quay đầu giảm mạnh hơn 2% trong phiên hôm qua. Tuy nhiên, điều này chủ yếu xuất phát từ yếu tố tâm lý. Nhìn về cán cân cung - cầu thực tế của thị trường trong quý I/2024 (chưa tính đến đợt cắt giảm mới), EIA cho biết thị trường đang ở trong trạng thái thâm hụt nhẹ 130.000 thùng/ngày. Trong khi đó, theo báo cáo tháng 11 của OPEC, OPEC cho biết để cán cân cung - cầu có thể cân bằng trong quý I/2024, nhóm sẽ cần phải bơm ra thị trường 29,63 triệu thùng/ngày, so với sản lượng hiện tại là 27,9 triệu thùng/ngày (tháng 10). Do vậy, bất cứ đợt cắt giảm bổ sung nào của nhóm cũng có thể tăng mức độ thâm hụt của thị trường trong quý I/2024.
Quay trở lại hai đợt cắt giảm trước của nhóm trong tháng 4 và tháng 6 năm nay. Trong cuộc họp tháng 4, OPEC+ đã bất ngờ tuyên bố cắt giảm sản lượng tự nguyện lên tới khoảng 1,16 triệu thùng/ngày cho đến hết năm 2023. Trước đó, thị trường kỳ vọng OPEC+ sẽ giữ nguyên mức cắt giảm sản lượng 2 triệu thùng/ngày. Vì thế, động thái này của OPEC+ đã đẩy giá dầu gap-up 5 giá ngay khi mở phiên. Tuy nhiên, đứng trước rủi ro suy thoái kinh tế với hàng loạt sự sụp đổ của các ngân hàng lớn như Silvergate Bank, Silicon Valley Bank và Signature Bank, giá dầu sau đó đã giảm tốc nhanh chóng.
Đối với cuộc họp tháng 6, OPEC+ đồng thuận gia hạn toàn bộ mức cắt giảm tự nguyện sản lượng dầu thô 3,66 triệu thùng/ngày cho tới cuối năm 2024. Tuy nhiên, kỳ vọng của thị trường đối với lần họp này của OPEC+ là phải cắt giảm sản lượng. Vì thế, ngay sau khi mở cửa gap-up 3 giá, giá dầu đã nhanh chóng lấp gap và giảm trở lại do lo ngại nhu cầu yếu.
Nhìn chung, các đợt cắt giảm của OPEC+ gần đây của OPEC+ đều khó có thể giữ giá dầu ở mức cao. Đà tăng ngắn hạn của giá chủ yếu đến từ tâm lý lo ngại nguồn cung toàn cầu thắt chặt. Trong trung và dài hạn, rủi ro tăng trưởng nhu cầu yếu có thể lấn át lo ngại về nguồn cung. Bức tranh kinh tế ảm đạm tại các nền kinh tế lớn như Mỹ, Đức, Anh và Eurozone đang làm dấy lên lo ngại về nguy cơ suy thoái ngày càng cao. Trong khi đó, nhu cầu tại Trung Quốc cũng chưa có sự khởi sắc khi biên lợi nhuận lọc dầu tại các nhà máy tư nhân đã rơi xuống mức âm.
Ngoài ra, sự gia tăng sản lượng ngoài OPEC, dẫn đầu là Mỹ, cũng phần nào bù đắp sự thiếu hụt về nguồn cung. EIA cho biết sản lượng dầu tháng 9 của Mỹ đã tăng lên mức cao kỷ lục hàng tháng là 13,24 triệu thùng/ngày.
Hơn nữa, mức độ cam kết của các thành viên trong nhóm cũng thiếu sự chặt chẽ. Mặc dù Nga cam kết cắt giảm xuất khẩu 300.000 thùng/ngày từ đầu tháng 7 tới cuối năm 2023, nhưng xuất khẩu dầu bằng đường biển các tuần gần đây vẫn duy trì ở mức cao.
Tóm lại, với đánh giá thị trường vẫn có thể thâm hụt nhẹ (trong trường hợp các nước tuân thủ cam kết chặt chẽ), giá dầu nhiều khả năng sẽ có xu hướng phục hồi trong tháng tới đây. Kỳ vọng giá dầu WTI có thể phục hồi lên ngưỡng 82 - 85 USD/thùng. Tuy nhiên, trong trung hạn, đà tăng có thể không bền vững do bị chi phối bởi lo ngại về nhu cầu yếu và sự bù đắp sản lượng của các quốc gia ngoài OPEC.