Góc nhìn chuyên gia: Có hay không kinh tế hoa hậu ở Việt Nam?
40 thí sinh tranh tài tại chung kết cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2014 Mang danh cuộc thi hoa hậu quốc tế nhưng Miss Charm 2023 bị chê vì thiếu chuyên nghiệp |
PGS, TS Nguyễn Thường Lạng, Giảng viên cao cấp, viện Thương mại và kinh tế quốc tế (trường Đại học Kinh tế quốc dân) trao đổi về khái niệm kinh tế hoa hậu ở Việt Nam.
Chuyên gia Nguyễn Thường Lạng |
- Thưa ông, ông nhìn nhận thế nào về các cuộc thi hoa hậu ở Việt Nam trong thời gian qua?
PGS, TS Nguyễn Thường Lạng: Hoa hậu có thể hiểu là một cô gái trẻ, có dáng vóc đẹp, cân đối, hài hoà và nổi bật nhất trong một cuộc thi cả về vẻ đẹp cơ thể cũng như vẻ đẹp trí tuệ và gây ấn tượng lớn nhất so với các thí sinh khác theo đánh giá của ban giám khảo cuộc thi và công chúng. Theo cách hiểu này, hoa hậu là cô gái đẹp nhất của một giải thi. Hoa hậu là giá trị cá nhân được xã hội hoá và công chúng hoá. Hoa hậu còn có thể hiểu là một hệ giá trị xuất phát từ vẻ đẹp tự nhiên của con người được xã hội thừa nhận ở một thời điểm nào đó.
- Tức là hoa hậu cũng có thể coi như một giá trị nào đó?
PGS, TS Nguyễn Thường Lạng: Dưới góc độ hệ giá trị tổng hoà như vừa nói, hoa hậu sẽ được định giá tương xứng với giá trị đóng góp vào tổng giá trị xã hội. Trong nền kinh tế thị trường, các yếu tố góp phần làm tăng giá trị xã hội và được xã hội thừa nhận chắc chắn sẽ có giá trị và được đánh giá đúng giá trị. Người đạt được vương miện hoa hậu được nhận nhiều phần thuởng đáng kể cho thấy giá trị của hoa hậu trong thang bậc giá trị xã hội. Dưới góc độ kinh tế học, khi một sản phẩm hay dịch vụ được thị truờng chấp nhận và đánh giá, trả giá thoả đáng có nghĩa là hàng hoá hay dịch vụ đó có giá trị. Giá trị cá biệt sẽ được chuyển hoá thành giá trị xã hội. Đó là quá trình sáng tạo và thực hiện giá trị thành công.
Ảnh minh hoạ |
- Tuy là xã hội hoá song mỗi cuộc thi chỉ có thể có một người được chọn là hoa hậu. Liệu có gì mâu thuẫn không thưa ông?
PGS, TS Nguyễn Thường Lạng: Hoa hậu trong mỗi cuộc thi chỉ có một, như hoa hậu doanh nhân, hoa hậu nhân ái, hoa hậu trái đất, hoa hậu thế giới… với các chủ đề khác nhau nhưng kết quả chỉ có một người được chọn nên đây là lợi thế của giá trị độc quyền. Vì thế giá trị được tăng lên nhiều lần. Việc xem giá trị độc quyền là một mục tiêu gắn với lợi nhuận tối đa có mục tiêu tương tự. Vì thế vẻ đẹp có giá trị xã hội thực sự, gắn với cung-cầu đều có thể coi là có đóng góp cho sự phát triển kinh tế. Ở góc độ làm kinh tế hay kinh doanh, giá trị này được pháp luật thừa nhận sẽ được coi là giá trị sáng tạo hay gia tăng hợp pháp, có thể được khuyến khích gia tăng song không quá lạm dụng để đến mức gây xáo trộn một trật tự xã hội, một lề thói phổ biến của cộng đồng trong một giai đoạn phát triển.
- Tức là bản thân các cuộc thi hoa hậu đều có thể có một giá trị kinh tế nào đó?
PGS, TS Nguyễn Thường Lạng: Có thể khai thác các cuộc thi hoa hậu để tăng giá trị kinh tế tổng thể nhưng không nên để vượt quá chuẩn mực xã hội, yếu tố truyền thống lâu đời và cao đẹp, văn hoá dân tộc, giá trị quốc gia. Để đạt được chuẩn mực này cần có hệ giá trị quốc gia làm chuẩn mực. Xây dựng và phổ biến giá trị quốc gia để làm kinh tế hoa hậu hợp lý nhất, tăng vẻ đẹp hoa hậu nước nhà, làm sôi động thị truờng sắc đẹp quốc gia, hội nhập quốc tế và không để lãng phí nguồn lực sắc đẹp có thể tạo giá trị kinh tế.
Các nước coi việc tôn vinh hoa hậu là sự kiện chuyên nghiệp hoá cao độ và tinh tế về văn hoá, lan tỏa vẻ đẹp quốc gia và mang lại giá trị kinh tế không nhỏ. Đặc biệt không để nguồn lực sắc đẹp hay tài nguyên vẻ đẹp được coi là “kinh tế hoa hậu” bị lãng phí.
- Xin cảm ơn ông!