Giảm thời gian thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu: Nỗ lực không chỉ riêng của ngành hải quan
Xuất nhập khẩu hàng hóa qua cửa khẩu quốc tế Kim Thành - Lào Cai
Trong 2 cuộc đối thoại thường niên giữa Bộ Tài chính với cộng đồng doanh nghiệp (DN) diễn ra ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh vào cuối tháng 10 và đầu tháng 11 vừa qua, theo tổng hợp của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), vẫn có không ít các DN bày tỏ bức xúc về hoạt động kiểm tra chuyên ngành hàng hóa xuất nhập khẩu - đơn cử như thời gian thông quan hàng hóa vẫn chậm làm tăng chi phí của DN…. Lãnh đạo Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan đã lắng nghe, ghi nhận những vướng mắc mà DN nêu ra, cam kết sẽ tiếp tục những nỗ lực cải cách, đồng thời kiến nghị với các bộ, ngành, kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan đẩy mạnh cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.
Ông Vũ Ngọc Anh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho biết, việc cắt giảm thời gian thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu hiện nay chủ yếu vướng ở khâu kiểm tra chuyên ngành, bản thân ngành hải quan đã cải cách chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, tức là bỏ các thủ tục hành chính rườm rà trong thông quan chuyển sang sau thông quan.
Kết quả đo thời gian thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu năm 2014 do Tổng cục Hải quan phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện cũng cho thấy, 72% tổng số thời gian tác nghiệp thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu thuộc về các bộ, ngành liên quan khác, những khâu thuộc trách nhiệm xử lý của hải quan chỉ chiếm 28% thời gian, và quy trình thủ tục đến nay đều đã được ngành hải quan điện tử hóa.
Thực tế, không chỉ có DN mà ngay cả cơ quan hải quan cũng gặp khó bởi thủ tục kiểm tra chuyên ngành thuộc thẩm quyền quản lý của các bộ, ngành liên quan khác. Đến nay, Tổng cục Hải quan đang phải triển khai thực hiện trên 260 văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến các lĩnh vực quản lý chuyên ngành, gồm 20 luật, 54 nghị định, 191 thông tư, quyết định của các bộ, ngành. Nghị quyết 19/2015/NQ-CP của Chính phủ cũng đã chỉ ra tới gần 300 văn bản liên quan đến xuất nhập khẩu cần phải sửa đổi và phải có sự hợp tác giữa nhiều cơ quan, bộ, ngành. Thế nhưng, theo đánh giá của Tiến sỹ Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM), một số bộ, ngành còn chưa tích cực; việc sửa đổi một văn bản có vấn đề vướng mắc đáng lẽ chỉ một tuần, có bộ làm kéo dài hàng tháng; việc sửa đổi một văn bản đáng lẽ chỉ làm một tháng thì kéo dài ra cả quý; sửa đổi một thông tư trong phạm vi thẩm quyền của một bộ chỉ cần làm trong 1 tháng là xong, nhưng điều đó vẫn chưa thành hiện thực.
Rõ ràng, muốn tiếp tục cắt giảm giảm thời gian thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu, không chỉ riêng ngành hải quan cần phải nỗ lực, mà các bộ, ngành liên quan khác phải chủ động, sáng tạo và thực sự quyết tâm thì mới có thể đạt được mục tiêu, kỳ vọng như Nghị quyết 19/2015/NQ-CP của Chính phủ đã đề ra.
Lan Ngọc