Giảm ô nhiễm làng nghề ở Hà Nội: Xử lý tại nguồn phát thải
Mức độ ô nhiễm cao
Hà Nội có 1.350 làng nghề và làng có nghề, phân bố không đều. Theo đánh giá, hầu hết các làng nghề đều chưa có hệ thống hạ tầng đạt yêu cầu, nhất là hệ thống cấp thoát nước thải thiếu đồng bộ. Phần lớn nước thải từ các làng nghề chưa qua xử lý thải thẳng ra môi trường ao, hồ, với mức độ ô nhiễm cao.
Làng nghề điêu khắc, mỹ nghệ xã Sơn Đồng (huyện Hoài Đức) là một ví dụ. Vốn đã nổi tiếng trong và ngoài nước, với những sản phẩm điêu khắc hoành phi, câu đối, tạc tượng từ gỗ, đồ thờ sơn son thếp vàng, thếp bạc... song, đa phần hộ sản xuất ở đây có quy mô nhỏ lẻ, phân tán khắp làng, đã tạo ra các nguồn thải khó tập trung và gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường.
Còn xã Phú Yên được biết đến là làng nghề da giày truyền thống của huyện Phú Xuyên. Với hơn 500 hộ, tổ hợp sản xuất, kinh doanh giày dép da, thu hút hơn 1.300 lao động, mỗi năm, làng nghề da giày cung cấp cho thị trường trung bình 10 triệu đôi giày dép, đem lại thu nhập ổn định cho người dân địa phương. Tuy nhiên, nỗi lo về ô nhiễm môi trường làng nghề đang đè nặng lên vai chính quyền và người dân địa phương. Việc xử lý vải, da vụn... sau quá trình sản xuất vẫn còn nhiều bất cập. Ngoài những cơ sở sản xuất chủ động thu gom rác thải sau quá trình sản xuất, thì tình trạng đổ trộm rác thải ra đường làng, ngõ xóm, thậm chí các bờ mương dẫn ra đồng ruộng vẫn thường xuyên xảy ra. Cực chẳng đã, nhiều người dân đã phải thu gom rác thải chất thành đống và đốt, khiến lượng khói bụi luôn dày đặc.
Trong khi đó tại các làng nghề chế biến lương thực, thực phẩm, lượng nước thải sản xuất có nơi ước tính lên đến 7.000 m3/ngày, điển hình như các làng: Dương Liễu, Cát Quế, Minh Khai (huyện Hoài Đức). Nơi đây ít nhất cũng thải ra môi trường 1.000 m3 mỗi ngày/làng nghề. Không chỉ nguồn nước, tình trạng ô nhiễm môi trường không khí, tiếng ồn và ý thức bảo vệ môi trường của người dân chưa tốt đã ảnh hưởng đến đời sống kinh tế - xã hội và dân sinh.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, về môi trường nước, hiện có 139/295 làng nghề ô nhiễm nghiêm trọng, 95/295 làng nghề ô nhiễm, 61/295 làng nghề không ô nhiễm. Môi trường không khí, có 12/295 làng nghề ô nhiễm nghiêm trọng, 10/295 làng nghề ô nhiễm, 273/295 làng nghề không ô nhiễm. Môi trường đất, có 9/295 làng nghề ô nhiễm nghiêm trọng, 3/295 làng nghề ô nhiễm và 283/295 làng nghề không ô nhiễm.
Cần giải quyết tại nguồn
Ðể giúp các địa phương chủ động trong xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường, TP. Hà Nội đã triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, chính sách, tạo ra những bước chuyển tích cực trong công tác bảo vệ môi trường. Cụ thể, UBND thành phố đã ban hành Kế hoạch số 235/2015/KH-UBND về công tác bảo vệ môi trường làng nghề trên địa bàn giai đoạn 2016 - 2020. Ngoài ra, thành phố cũng phê duyệt Ðề án bảo vệ môi trường làng nghề đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. UBND thành phố ban hành quy định về bảo vệ môi trường làng nghề theo 6 nhóm ngành, nghề sản xuất chính.
Mới đây, UBND TP. Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 107/KH-UBND, triển khai hỗ trợ đánh giá tác động môi trường làng nghề năm 2020. Nội dung chính hỗ trợ là đánh giá hiện trạng môi trường tự nhiên, kinh tế - xã hội làng nghề; đánh giá, dự báo các nguồn thải và tác động của làng nghề đến môi trường, sức khỏe cộng đồng; đánh giá, dự báo, xác định biện pháp quản lý rủi ro của làng nghề đến môi trường và sức khỏe cộng đồng; biện pháp xử lý chất thải của làng nghề; các biện pháp giảm thiểu tác động đến môi trường và sức khỏe cộng đồng; chương trình quản lý và giám sát môi trường; phương án tổ chức thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường… Đồng thời, tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng tại các khu vực làng nghề, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường làng nghề; tăng cường năng lực cho các cán bộ làm công tác quản lý môi trường làng nghề cấp cơ sở; khuyến khích các hoạt động sản xuất hướng tới xây dựng làng nghề sinh thái thân thiện với môi trường.
Ô nhiễm môi trường các làng nghề vẫn đang là bài toán lớn |
Trước tình trạng ô nhiễm ở các làng nghề có ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sống của người dân và sự phát triển bền vững của chính làng nghề trên địa bàn thành phố, Sở Công Thương Hà Nội cũng đã đưa ra kế hoạch xử lý ô nhiễm môi trường các làng nghề trên địa bàn thành phố với khoản kinh phí 1.350 tỷ đồng. Trong đó, đến hết năm 2020, sẽ bố trí khoảng 750 tỷ đồng xây dựng hệ thống xử lý môi trường tại 50 làng nghề trọng điểm… Giai đoạn 2020 - 2030, cần 600 tỷ đồng xây dựng hệ thống xử lý môi trường tại 30 làng nghề khác.
Tính đến thời điểm hiện tại, huyện Phú Xuyên đã và đang xây dựng quy hoạch nhà máy xử lý rác thải tại thôn Lễ Thượng, xã Châu Can, với nguồn kinh phí dự kiến lên tới 200 tỷ đồng theo hình thức xã hội. Dự kiến khi nhà máy đi vào hoạt động sẽ xử lý 500 tấn rác thải các loại/ngày. Lãnh đạo huyện Phú Xuyên kỳ vọng, việc nhà máy đi vào hoạt động sẽ góp phần giải quyết tối đa nhu cầu xử lý rác thải của người dân tại các làng nghề trong huyện.
Chuyên gia cho rằng, vấn đề ô nhiễm tại các làng nghề cần phải giải quyết tại nguồn, nơi xảy ra phát thải. Đặc biệt, với vai trò quản lý, chính quyền địa phương phải trực tiếp hướng dẫn và kiểm soát hoạt động của các làng nghề. Trước hết là thay đổi nhận thức, coi làng nghề là hoạt động sản xuất công nghiệp thay vì hoạt động nông nghiệp như trước. Ngoài ra, việc lựa chọn công nghệ và quy mô xử lý rác thải, khí thải cũng phải phù hợp với đặc thù, điều kiện kinh tế của làng nghề, cũng như trình độ kỹ thuật của người lao động.
Nếu không giải quyết dứt điểm bài toán ô nhiễm môi trường làng nghề thì việc phát triển du lịch nông nghiệp, du lịch làng nghề cũng sẽ không dễ. Bởi cảm giác ngột ngạt, bụi bặm không thể níu chân du khách. |