Giảm lãi suất là chưa đủ để kéo nền kinh tế ra khỏi trì trệ
Tài chính vĩ mô ngày 29/11: Các quan chức FED trái chiều về triển vọng lãi suấtNgười gửi tiền nên làm gì khi lãi suất giảm?Giá bạc tăng 4 phiên liên tiếp nhờ kỳ vọng FED ngừng tăng lãi suất
|
Lãi suất liên tục hạ nhiệt
Tháng 11/2023, thị trường chứng kiến hàng loạt các ngân hàng mạnh tay giảm lãi suất huy động, sau thời gian dài duy trì mức tăng kỷ lục. Không ít nhà băng đang có lãi suất tiền gửi tiết kiệm xuống dưới mốc 3% cho khoản gửi dài hạn.
Trong đó, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) là nhà băng tích cực với xu hướng giảm lãi suất. Đợt điều chỉnh lãi của Vietcombank mới đây cho thấy lãi suất huy động tại hầu hết kỳ hạn đều giảm, khoảng 0,2 điểm phần trăm so với biểu lãi suất cũ, cao nhất chỉ còn 4,8%/năm cho các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên.
Các chuyên gia cho rằng, để hỗ trợ nền kinh tế, doanh nghiệp khỏi tình trạng khó khăn, một chính sách tiền tệ đơn lẻ như giảm lãi suất là chưa đủ mà cần thêm chính sách đồng bộ khác... |
Chi tiết, lãi suất tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn 1 - 2 tháng của Vietcombank hiện giảm 0,2% xuống còn 2,4%/năm. Lãi suất kỳ hạn 3 tháng cũng giảm từ 2,9%/năm xuống 2,7%/năm. Lãi suất huy động 6 tháng và 9 tháng của Vietcombank giảm 0,2% xuống 3,7%/năm.
Ba "ông lớn" còn lại trong nhóm Big4 là Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) và Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) cũng liên tục giảm lãi suất huy động.
Trong đó, VietinBank và BIDV vừa thực hiện điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi tiết kiệm trực tuyến thêm 0,2 điểm phần trăm cho các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên và đồng loạt niêm yết mức lãi suất là 5,3%/năm.
Đây là mức tương ứng với lãi suất tiền gửi tiết kiệm tại quầy. Tương tự, Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) cũng giảm 0,1 %/năm cho lãi suất tiết kiệm đối với các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. Cụ thể, lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 6 - 9 tháng tại Techcombank hiện còn từ 4,5 - 4,55%/năm; lãi suất kỳ hạn 12 tháng còn 4,9%/năm.
Cơ hội phục hồi lớn dần
Trong bối cảnh kinh doanh khó khăn, việc giảm lãi suất là một trong những yếu tố quan trọng giúp nền kinh tế phục hồi và doanh nghiệp vực dậy hoạt động sản xuất kinh doanh.
Với lãi suất giảm (lãi suất huy động lẫn cho vay), các khoản nợ cũ và vay mới của doanh nghiệp sẽ "dễ thở" hơn, cởi bỏ phần nào áp lực từ chi phí tài chính. Doanh nghiệp cũng có thể huy động vốn mới (thông qua vay nợ, phát hành trái phiếu) với lãi suất thấp hơn, vừa góp phần tăng khả năng trả nợ, giảm rủi ro nợ xấu, giảm chi phí đầu vào, vừa tạo điều kiện giảm giá đầu ra tương ứng, qua đó kích thích tiêu dùng.
Lãi suất giảm cũng tác động tích cực hơn đến quyết định đầu tư, tiêu dùng của người dân. Sức mua tăng trở lại là động lực cho nền kinh tế phục hồi không chỉ trong năm nay, mà còn sang các năm kế tiếp.
Bên cạnh đó, trong môi trường lãi suất liên tiếp giảm, nhà đầu tư có thể sẽ chuyển dịch một phần từ tiền tiết kiệm sang chứng khoán, mua bất động sản với mong muốn tìm kiếm tỷ suất sinh lời cao hơn cùng với kỳ vọng về triển vọng phục hồi của thị trường hoặc chi phí mua bất động sản thấp hơn… Nhờ đó, thanh khoản của thị trường chứng khoán và bất động sản sẽ được cải thiện.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, để kéo nền kinh tế ra khỏi tình trạng trì trệ, khó khăn như hiện nay, không chỉ cần một chính sách đơn lẻ như giảm lãi suất, mà cần thêm nhiều chính sách đồng bộ khác, chẳng hạn chính sách tài khóa, chính sách hỗ trợ an sinh, chính sách giãn hoãn giảm thuế...
Đẩy nhanh vốn ra nền kinh tế
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, dư nợ tín dụng đến ngày 23/11 tăng gần 8,4% so với cuối năm 2022. Đây là mức tăng thấp, chỉ bằng gần 60% so với kế hoạch cả năm nay (14,5%). Tính ra, dư địa tăng tín dụng tháng cuối năm còn 6,2% tương đương 735.000 tỷ đồng.
Trước thực trạng ngân hàng dư thừa tiền, tại cuộc họp về điều hành tăng trưởng tín dụng chiều 30/11, Phó thủ tướng Lê Minh Khái đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước bám sát tình hình thực tế của nền kinh tế, nhu cầu vay của doanh nghiệp, người dân và xem lại quy định để điều chỉnh, nhằm điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng chủ động, linh hoạt hơn.
Hơn một tháng còn lại của năm 2023, lãnh đạo Chính phủ đề nghị Ngân hàng Nhà nước đưa ra giải pháp điều hành, cấp tín dụng cho nền kinh tế, trong đó hướng dòng vốn vào các lĩnh vực ưu tiên. Các ngân hàng thương mại chủ động giải ngân vốn khi doanh nghiệp, người dân có nhu cầu và đảm bảo điều kiện.
Trước thực tế này, hôm 29/11, Ngân hàng Nhà nước đã phân bổ lại chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng từ ngân hàng thừa sang nhà băng thiếu. Tăng trưởng tín dụng chung trong năm 2023 vẫn giữ nguyên chỉ tiêu đã xác định từ đầu năm (14,5%).
Tại cuộc họp chiều 30/11, đại diện các ngân hàng cũng cho hay thực tế vốn không thiếu nhưng để giải ngân được, vấn đề không chỉ nằm ở điều hành chính sách tiền tệ, còn phụ thuộc vào khả năng hấp thụ vốn. Nhu cầu vay vốn giảm, giải ngân gặp khó khăn, dù các nhà băng đưa ra nhiều chương trình ưu đãi, chủ động tìm kiếm khách hàng.
Thực tế, tổng cầu trong nước và thế giới đều giảm, doanh nghiệp không có đơn hàng, co cụm lại, không những không vay vốn mà khi bán được hàng tồn kho họ còn trả lại tiền cho ngân hàng.
Những người có khả năng vay và trả thì không có nhu cầu, bởi nếu vay vốn sản xuất mà để tồn kho thì rất nguy hiểm. Vì thế, với khách hàng tốt, các ngân hàng thương mại "tranh nhau để cho vay" nhưng cũng có những nhóm cần thận trọng để phòng ngừa rủi ro.
"Làm ngân hàng, nhất là ngân hàng thương mại "ai cũng thích cho vay", không cho vay được là "thất nghiệp". Nhưng bối cảnh hiện nay, tất cả phân khúc khách hàng đều bị ảnh hưởng nên giải ngân tín dụng là bài toán khó", đại diện một nhà băng chia sẻ.