Giải ngân đầu tư công sẽ không còn ì ạch!
Thủ tướng thành lập 5 Tổ công tác đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công Kỳ vọng đầu tư công liệu có "cứu" được ngành thép năm 2023? |
Đây là một trong những nội dung đáng chú ý trong Chỉ thị số 08/CT-TTg vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành nhằm đẩy mạnh phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2023, thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Chỉ thị cũng nêu rõ, trong năm 2023, phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước năm 2023 trên 95% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao.
Ảnh minh họa |
Giải ngân đầu tư công đúng tiến độ có ý nghĩa rất quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội, góp phần tháo gỡ các nút thắt về hạ tầng giao thông, giáo dục, văn hóa, y tế, xã hội, giải quyết việc làm, tăng cường an sinh xã hội. Qua đó, góp phần thúc đẩy phục hồi phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Để đẩy nhanh tiến độ đầu tư công, trong năm 2022, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành hơn 20 nghị quyết, công điện, văn bản và tổ chức 3 hội nghị trực tuyến về đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, thành lập 6 tổ công tác để kiểm tra, đôn đốc công tác giải ngân đầu tư công. Nhờ đó, giải ngân vốn đầu tư công đã được triển khai đồng bộ và đạt được một số kết quả tích cực, đạt gần 93,5% kế hoạch. Trong đó, có 8 bộ, cơ quan trung ương và 30 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt từ 100% trở lên kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Đây là những kết quả rất đáng mừng!
Tuy vậy, vẫn còn 7 bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ giải ngân năm 2022 dưới 50% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao và các bộ, cơ quan trung ương, địa phương đến nay chưa phân bổ chi tiết hết kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023.
Chậm giải ngân vốn đầu tư công đồng nghĩa với việc đồng vốn đang bị “đóng băng”, không phát huy được hiệu quả kinh tế, gây nên sự lãng phí rất lớn. Và sâu xa hơn, ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển kinh tế - xã hội, trong khi không ít dự án, công trình đang rất “khát” vốn để triển khai thì lại không được bố trí.
Chính sự chậm trễ kéo dài trong giải ngân vốn đầu tư công đã làm cho người đứng đầu Quốc hội không ít lần “sốt ruột”. Tại cuộc họp giao ban giữa Lãnh đạo Quốc hội với Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Văn phòng Quốc hội vào tháng 2 vừa qua, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã gợi mở, có nên tổng rà soát lại các vấn đề liên quan tới đầu tư công hay không, “xem lý do gì mà cứ ì ạch như thế”?
Thực tế cho thấy, một trong những điểm nghẽn dẫn đến giải ngân đầu tư công vẫn chậm có nguyên nhân chủ quan “vẫn là chủ yếu”. Khó khăn hiện nay không phải là “tiền đâu” mà là có tiền nhưng không tiêu được. Nghịch lý này đang là trở ngại rất lớn trong thực hiện giải ngân vốn đầu tư công. Điều này xuất phát từ người đứng đầu chưa quyết liệt, chưa tập trung xử lý dứt điểm các khó khăn, vướng mắc phát sinh của các dự án; công tác chuẩn bị đầu tư còn sơ sài, chất lượng chưa tốt, công tác giải phóng mặt bằng còn chậm trễ nên đã gặp vướng mắc trong triển khai; phân bổ vốn còn dàn trải, thiếu tập trung; công tác kiểm tra, giám sát chưa tốt; chấp hành kỷ luật, kỷ cương trong đầu tư công chưa nghiêm.
Để đạt được tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước năm 2023 trên 95% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao rất cần quyết tâm lớn, sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống từ Trung ương đến địa phương. Thủ tướng cũng đã giao đầu việc cụ thể cho tới từng bộ, ngành, địa phương. Theo đó, khẩn trương phân bổ chi tiết toàn bộ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2023 được giao; bảo đảm đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải. Cùng với đó, lập kế hoạch giải ngân chi tiết từng dự án và tuân thủ nghiêm kế hoạch theo từng tháng, quý. Phân công cụ thể lãnh đạo chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ thực hiện; bám sát, kịp thời tháo gỡ khó khăn và chịu trách nhiệm về kết quả giải ngân của từng dự án, coi đây là căn cứ đánh giá xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao trong năm 2023.
Trong điều kiện ngân sách không phải là “dư giả”, nhưng chúng ta đã dành dụm để có nguồn vốn cho đầu tư công thì nguồn vốn ấy phải thực sự phát huy hiệu quả trên thực tế. Muốn vậy, ngoài việc hoàn thiện hành lang pháp lý “vừa chặt chẽ, vừa thông thoáng”, phải có chế tài xử lý nghiêm khắc đối với các tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở, làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công. Chỉ khi cá thể hóa trách nhiệm đối với từng khâu thì việc giải ngân đầu tư công mới chấm dứt được tình trạng “mãi ì ạch như thế”!