“Giải cứu” nông sản: Chuyện chưa bao giờ cũ!
Nông dân phải nhổ bỏ củ cải do không tiêu thụ được |
Sản xuất tự phát
Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Đông Cao, Tráng Việt, Mê Linh (Hà Nội), nơi có khoảng 1.200-1.500 tấn củ cải tới kỳ thu hoạch. Sau 3 ngày kêu gọi, lượng củ cải đã “giải cứu” được khoảng 60 tấn thông qua các doanh nghiệp (DN), siêu thị. Số còn lại, lên tới hàng trăm tấn, được người dân, qua các nhóm thiện nguyện, các tổ chức xã hội… đã và đang được tiếp tục đóng gói, vận chuyển đến tận tay người tiêu dùng.
Lý giải về tình trạng đổ bỏ củ cải thời gian vừa qua, ông Nguyễn Hồng Sơn - Cục trưởng Cục Trồng trọt- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) - cho biết, vào tuần đầu tháng 3, giá rau bắt đầu giảm và đến tuần thứ 2 thì giảm sâu, nguyên nhân là do, theo quy luật đến cuối vụ đông, đầu vụ xuân, khi chuẩn bị kết thúc thời vụ cấy lúa xuân nông dân đều tận thu toàn bộ rau trên các vùng không chuyên canh để chuyển sang cấy lúa xuân, nên lượng rau đến kỳ thu hoạch cung cấp ra thị trường là rất lớn, vượt quá nhu cầu của thị trường. Bên cạnh đó, do thời vụ để chuyển sang trồng một số loại cây rau màu khác như dưa hấu, dưa lê… còn chưa đến, một số hộ dân tranh thủ trồng 1 vụ rau ưa lạnh vào vụ xuân sớm với hy vọng giá tiếp tục đạt cao vào thời điểm gối vụ. Do thời tiết ấm, cây sinh trưởng nhanh, thời điểm thu hoạch trùng lúc thu vét của rau vụ đông lứa cuối nên dẫn đến hiện tượng dồn ứ về sản lượng.
Mặc dù, sản lượng củ cải ế thừa, phải chặt bỏ được đánh giá là không lớn và chỉ tập trung tại một vài địa phương. Tuy nhiên, trước củ cải, chúng ta đã chứng kiến những nông sản khác như: Hành tím, dưa hấu, thanh long, thịt lợn,… phải “giải cứu”. Hai từ “giải cứu” một lần nữa được nhắc lại và điệp khúc “được mùa, mất giá”- câu chuyện “biết rồi, nói mãi” vẫn chưa được giải quyết triệt để!.
Chuyên gia nông nghiệp, ông Hoàng Trọng Thủy phân tích: Nguyên nhân xảy ra tình trạng này từ nhiều phía. Người nông dân không tìm hiểu thông tin thị trường khi sản xuất, cơ quan chức năng không kịp thời dự báo thị trường, chế biến thì chưa theo kịp với sản xuất. Vai trò điều phối của nhà nước, DN trong tiêu thụ và chế biến các sản phẩm nông sản chưa rõ nét.
Bên cạnh đó, theo báo cáo của Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT), sản xuất nông nghiệp hiện nay chủ yếu vẫn mang tính nhỏ lẻ, phân tán, tự phát, mạnh ai nấy làm, nên chưa tạo được vùng sản xuất tập trung.
Trước củ cải, nhiều loại nông sản đã phải "giải cứu" |
Đẩy mạnh khâu chế biến
Để không xảy ra tình trạng nông dân nhổ bỏ sản phẩm khi vào vụ thu hoạch trong thời gian tới, Cục Trồng trọt đã yêu cầu chính quyền địa phương tăng cường chỉ đạo, tuyên truyền vận động nông dân trồng rải vụ, lách vụ, giảm diện tích trồng các loại rau khó tiêu thụ trong vụ xuân sớm giáp vụ đông. Tăng cường chỉ đạo các mô hình liên kết có bao tiêu sản phẩm trên cơ sở xây dựng các đề án phát triển sản xuất hàng hoá tập trung, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Đồng thời, tăng cường chuyển giao công nghệ bảo quản, chế biến sau thu hoạch để nông dân có thể kéo dài thời gian thu hoạch, chế biến sản phẩm khi nguồn cung vượt cầu.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để giải quyết dứt điểm bài toán “giải cứu”, trước mắt cần có dự báo thông tin thị trường, đánh giá chính xác nhu cầu để cung không được vượt quá cầu. Về lâu dài, cần có quy hoạch vùng sản xuất, các loại nông sản. Và yếu tố quan trọng là, đẩy mạnh phát triển công tác chế biến nông sản. Việc sản xuất sản phẩm nông sản cần áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật để sản phẩm sản xuất ra đảm bảo an toàn, đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn vào kênh phân phối hiện đại.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường: Để chấm dứt tình trạng “giải cứu” nông sản, Bộ NN&PTNT đang tập trung tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trong đó tập trung vào hai khâu yếu nhất là chế biến và tổ chức thị trường. |
“Người tiêu dùng lựa chọn mua hàng tại siêu thị tăng cao so với kênh tiêu thụ truyền thống vì họ yên tâm về chất lượng. Bởi vậy, xu thế tiêu dùng hiện đại phải có mẫu mã, chất lượng sản phẩm an toàn, xây dựng thương hiệu đáp ứng nhu cầu thị trường…” Bà Trần Thị Phương Lan - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội – cho hay.
Liên quan đến vấn đề chế biến, ông Nguyễn Hồng Sơn nhìn nhận, dù Bộ NN&PTNT đã quan tâm nhưng hiện nay, tỷ lệ nông sản qua chế biến đạt thấp, hàm lượng công nghệ chưa cao. Nhiều loại rau chưa có thị trường xuất khẩu nên chủ yếu tiêu thụ tươi sống ở thị trường nội địa. Hiện, Bộ NN&PTNT đang tích cực phối hợp, hỗ trợ để DN kết nối tiêu thụ, đầu tư vào công nghệ chế biến.
“Dự kiến, năm nay sẽ có 8 nhà máy chế biến nhưng trước mắt tập trung vào cây ăn quả, mảng có giá trị xuất khẩu chiếm 80% tổng giá trị xuất khẩu rau – củ - quả”- ông Nguyễn Hồng Sơn cho biết.