Giá xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam đạt 6.856 USD/tấn trong nửa đầu tháng 11/2024
Xuất khẩu hồ tiêu sẽ không thuận lợi trong ngắn hạn? Nhu cầu thị trường tăng: Xuất khẩu hồ tiêu khởi sắc |
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam trong 15 ngày đầu tháng 11 chỉ đạt 7.642 tấn, trị giá 52,4 triệu USD, giảm 9,9% về lượng và giảm 5% về trị giá so với nửa đầu tháng 10, còn so với cùng kỳ năm ngoái giảm tới 18,8% về lượng nhưng vẫn tăng 44,3% về trị giá.
Luỹ kế từ đầu năm đến ngày 15/11, xuất khẩu tiêu đạt 226.366 tấn, trị giá 1,16 tỷ USD, giảm 3,6% về lượng nhưng tăng tới 46,9% về trị giá so với cùng kỳ nhờ giá tăng cao.
Từ đầu năm đến nay, giá tiêu xuất khẩu của Việt Nam đã tăng 52,3% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt bình quân 5.137 USD/tấn.
Giá xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam đạt 6.856 USD/tấn trong nửa đầu tháng 11/2024 |
Riêng trong nửa đầu tháng 11, giá xuất khẩu hồ tiêu lên đến 6.856 USD/tấn, tăng 4,7% so với tháng 10 và tăng 77,6% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là mức giá cao nhất ghi nhận được kể từ tháng 1 năm 2017 đến nay.
Sau 10 năm, xuất khẩu hồ tiêu đã giành lại được mốc 1 tỷ USD, và dự báo cả năm 2024 sẽ lập mốc kỷ lục mới với 1,3 tỷ USD. Còn vài tháng nữa cả nước sẽ bước vào vụ thu hoạch mới. Mức giá cao hiện tại giúp nông dân phấn khởi, kỳ vọng về một vụ mùa bội thu, được mùa, được giá.
Cơ cấu chủng loại hồ tiêu xuất khẩu của Việt Nam trong 10 tháng đầu năm có một số sự thay đổi nhất định, với sự gia tăng mạnh mẽ của tiêu xay và giảm dần đối với tiêu nguyên hạt.
Cụ thể, tiêu đen nguyên hạt vẫn là mặt hàng được xuất khẩu nhiều nhất của Việt Nam, đạt 159.938 tấn, chiếm tỷ trọng 72,9%, nhưng so với cùng kỳ giảm 9,3%. Lượng tiêu trắng nguyên hạt xuất khẩu cũng giảm 1,8%, đạt 16.639 tấn; tiêu đen ngâm giấm, mộc, đầu đinh, xanh, hồng… cũng giảm 6,4%. Trong khi đó, xuất khẩu tiêu đen xay đạt 32.464 tấn, chiếm 14,8% tỷ trọng và tăng mạnh 42,3%; tiêu trắng xay tăng 46,1%, đạt 8.853 tấn.
Không chỉ có Việt Nam, lượng hồ tiêu xuất khẩu của Brazil – nước sản xuất và cung ứng tiêu lớn thứ hai thế giới cũng ghi nhận sự sụt giảm.
Theo số liệu của Trung tâm Thống kê Ngoại thương Nhà nước Brazil (Comex Stat), trong tháng 10, xuất khẩu hồ tiêu của Brazil chỉ đạt 3.621 tấn, giảm 1,2% so với tháng trước và giảm 50,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tổng lượng xuất khẩu hồ tiêu của Brazil trong 10 tháng năm 2024 đạt 52.988 tấn, giảm 19,3% so với cùng kỳ năm 2023 và giảm 23,9% so với cùng kỳ năm 2022. Mặc dù vậy, kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu thu về vẫn đạt tới 229,8 triệu USD, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm 2023 và tăng 12,2% so với cùng kỳ 2022.
Giá hồ tiêu xuất khẩu của Brazil trong tháng 10 đạt bình quân 6.457 USD/tấn, tăng 7% so với tháng trước và gần gấp đôi cùng kỳ năm ngoái. Tính chung 10 tháng, giá xuất khẩu hồ tiêu đạt bình quân 4.337 USD/tấn, tăng 40,7% so với cùng kỳ
Tuy nhiên, bù lại xuất khẩu tiêu của Indonesia và Ấn Độ lại tăng mạnh ở mức hai chữ số.
Trong tháng 10, giá tiêu thế giới đồng loạt giảm ở tất cả các thị trường cung cấp chính. Cập nhật từ dữ liệu của Hiệp hội Hồ tiêu Quốc tế (IPC) cho thấy, giá tiêu đen tại Indonesia đã giảm 3,7% so với tháng trước, xuống còn 6.680 USD/tấn; tiêu đen Brazil giảm 5,2%; Việt Nam giảm 4,2 – 4,4%, Malaysia giảm 4,5%.
Bước sang 20 ngày đầu tháng 11, giá tiêu đen Indonesia tiếp tục giảm thêm 3,1% xuống còn 6.470 USD/tấn; tiêu đen Brazil giảm 6,3% về mức 6.000 USD/tấn; tiêu đen 500 g/l và 550 g/l của Việt Nam giảm 4,4 – 4,6%, trở lại mức 6.200 – 6.500 USD/tấn; còn tại Malaysia giảm 1,2% về mức 8.400 USD/tấn. Như vậy, từ cuối tháng 9 đến nay, giá tiêu đen Brazil giảm 750 USD/tấn, tiêu đen Việt Nam giảm 600 USD/tấn, tiêu đen Malaysia mất 500 USD
Tại thị trường trong nước, giá tiêu đen trên thị trường nội địa Việt Nam tiếp tục giảm 2 – 4% (khoảng 3.000 – 6.000 đồng/kg) trong tháng 10 vừa qua, xuống còn 143.000 – 144.500 đồng/ kg. Tiếp đó, giá tiêu đã giảm thêm 2,8 – 3,5% (4.000 – 5.000 đồng/kg) trong 20 ngày đầu tháng 11 năm 2024, xuống còn 139.000 - 140.000 đồng/kg.
Như vậy, tổng cộng giá tiêu trong nước đã giảm 8.000 – 10.000 đồng/kg kể từ cuối tháng 9 đến nay.
Tại thị trường nội địa Việt Nam, giá tiêu vẫn đang chịu áp lực khi nhu cầu chậm lại, trong khi người bán tìm cách huy động vốn để đầu tư vào cà phê, loại nông sản đang trong mùa thu hoạch. Mặc dù vậy, nguồn cung hạn chế giúp cho giá tiêu vẫn đang cao hơn khoảng hơn 70% so với đầu năm và gấp đôi cùng kỳ năm ngoái.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dự báo các tháng cuối năm nay, hoạt động xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam sẽ không thuận lợi do nguồn cung nội không còn nhiều, nhu cầu từ Trung Quốc vẫn thấp.
Dự kiến sang đầu năm 2025, xuất khẩu hạt tiêu của nước ta sẽ thuận lợi nhờ nhu cầu mua từ thị trường Trung Quốc dự kiến sẽ tăng mạnh. Trong khi đó, sau vụ thu hoạch gần nhất của Indonesia thì đến tận tháng 2/2025, nguồn cung hạt tiêu trên thế giới vẫn chưa có sự bổ sung đáng kể. Đây được cho là yếu tố thuận lợi khi Việt Nam bước vào vụ thu hoạch mới 2025.