Gia Lai: Bảo tồn di sản thuyền độc mộc và không gian văn hóa cồng chiêng của người Gia Rai
Để bảo tồn và phát huy giá trị của 2 loại hình di sản văn hóa này, thời gian qua, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai đã triển khai nhiều giải pháp. Trong đó, dự án “Bảo tồn, phát huy giá trị di sản thuyền độc mộc và không gian văn hóa cồng chiêng của người Gia Rai ở xã biên giới Ia O” được thực hiện từ cuối năm 2021.
Cồng chiêng là tài sản vô giá của đồng bào dân tộc Gia Rai |
Đây là dự án do Hội đồng Anh tài trợ với tổng kinh phí 150 triệu đồng từ Quỹ Di sản văn hóa sống. Dự án bao gồm các hoạt động: Mở lớp giảng dạy chỉnh chiêng, đánh chiêng, đẽo thuyền, chèo thuyền; sửa chữa, bảo trì thuyền độc mộc và một số hoạt động truyền thông.
Theo đó, Trung tâm VHTT&TT huyện Ia Grai đã phối hợp với xã Ia O tổ chức lớp "Truyền dẫn chỉnh chiêng, đánh chiêng". Tham gia lớp học là hơn 30 học viên là người DTTS Gia Rai được 2 nghệ nhân truyền dạy cách đánh chiêng; hướng dẫn, phổ biến một số bài chiêng cơ bản và chỉnh sửa cồng chiêng. Cồng chiêng vốn là tài sản vô giá, được cộng đồng dân tộc ở Tây Nguyên sáng tạo và không ngừng phát huy, trao truyền lại bao đời nay. Người Gia Rai coi cồng chiêng là một loại tài sản của gia đình bởi cồng chiêng không chỉ là nhạc cụ để đánh mỗi khi vui, buồn, mà còn thể hiện sự sung túc. Vì thế, hầu hết các hộ đồng bào đều phấn đấu mua một bộ chiêng để sử dụng vào những dịp quan trọng của gia đình mình.
Ngay sau lớp truyền dạy chỉnh chiêng, đánh chiêng, lớp truyền dạy đẽo và chèo thuyền độc mộc xã Ia O đã được tổ chức tại nhà rông làng Bi. Lớp học có 2 nghệ nhân truyền dạy và có 30 thanh niên trong làng tham gia. Tại đây, các học viên được nghệ nhân truyền dạy cách đẽo thuyền, chèo thuyền. Hiện nay, thuyền độc mộc chỉ còn hiện diện ở 2 xã Ia O và Ia Khai với số lượng hạn chế do ít người sử dụng, lớp trẻ cũng không mấy mặn mà với kỹ năng đẽo thuyền. Vì vậy, nhiều thanh niên trong làng tham gia lớp truyền dạy nghề là nỗ lực của địa phương trong việc tuyên truyền, vận động và giáo dục thế hệ trẻ gìn giữ, bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình.
Hội đua thuyền độc mộc được tổ chức hàng năm |
Theo phong tục của người Gia Rai tại địa phương, những chiếc thuyền mục nát, hư hỏng sẽ được bà con thả trôi theo con nước. Do đó, số lượng thuyền độc mộc còn lưu giữ đến ngày nay chỉ còn hơn 10 chiếc. Vì vậy, Dự án đã triển khai sửa chữa, bảo trì 10 chiếc thuyền độc mộc với kinh phí hỗ trợ 2 triệu đồng/thuyền. Đến nay, Dự án đã hoàn thành theo kế hoạch đề ra. Qua đó, góp phần bảo tồn 2 loại hình di sản là thuyền độc mộc và văn hóa cồng chiêng.
Để tiếp nối văn hóa truyền thống dân tộc, huyện Ia Grai thường xuyên tuyên truyền, vận động bà con giữ gìn, nâng cao ý thức tự bảo quản cồng chiêng, thuyền độc mộc. Cùng với đó, tăng cường vận động xã hội hóa để sửa chữa các thuyền độc mộc đã hư hỏng theo thời gian. Đồng thời, tạo sinh kế cho dân làng khi gắn văn hóa truyền thống với du lịch qua các hoạt động: Tổ chức lễ hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô, liên hoan cồng chiêng; triển lãm ảnh về thuyền độc mộc và không gian văn hóa cồng chiêng; giới thiệu các sản phẩm truyền thống đặc sắc của địa phương... Qua đó gìn giữ, bảo tồn giá trị không gian văn hóa cồng chiêng và thuyền độc mộc trong đời sống đồng bào Gia Rai trên địa bàn.
Tỉnh Gia Lai là địa phương đang lưu giữ số lượng cồng chiêng nhiều nhất trong 5 tỉnh Tây Nguyên. Hàng năm, tỉnh đều tổ chức các cuộc thi diễn tấu cồng chiêng cấp cơ sở, tặng cồng chiêng cho các làng. Điều này không chỉ giúp tạo không gian biểu diễn cồng chiêng mà còn khích lệ phong trào bảo tồn cồng chiêng của bà con dân tộc thiểu số. |