Giá kim loại lao dốc do đồng USD tăng mạnh
Dự báo giá kim loại diễn biến trái chiều Giá bạc tăng 3 tuần liên tiếp nhờ kỳ vọng FED nới lỏng chính sách Đồng USD tăng “chèn ép” nhóm kim loại |
Đối với kim loại quý, giá bạc để mất 1,45%, dừng chân tại mức 24,54 USD/ounce, mức thấp nhất trong hơn một tuần. Giá bạch kim đóng cửa tại mức 906,6 USD/ounce sau khi giảm 2%. Đây cũng là phiên giảm thứ hai liên tiếp của cả giá bạc và giá bạch kim.
Sau đợt tăng giá nhờ kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) nới lỏng chính sách vào tháng 3/2024, giá bạc và giá bạch kim đang dần suy yếu khi các nhà đầu tư có những quan điểm trái chiều về triển vọng lãi suất.
Sự lạc quan trên thị trường đang được đánh giá là lạc quan quá mức khi mà Chủ tịch FED Jerome Powell đã cảnh báo về nguy cơ tăng lãi suất trở lại nếu cần thiết và lãi suất sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao cho tới khi lạm phát hạ nhiệt về 2%. Ông cho biết các nhà hoạch định chính sách “không hề nghĩ đến việc cắt giảm lãi suất”.
Hơn nữa, việc đồng USD tăng mạnh cũng tạo áp lực bán mạnh trên thị trường kim loại quý. Chỉ số Dollar Index tăng 0,33% lên 104,05 điểm, mức cao nhất trong hơn 2 tuần nhờ số liệu kinh tế tích cực của Mỹ. Theo Viện quản lý cung ứng (ISM), chỉ số quản lý mua hàng (PMI) dịch vụ của Mỹ ghi nhận tháng mở rộng thứ mười một liên tiếp, đạt 52,7 điểm trong tháng 11/2023, cao hơn 0,9 điểm so với tháng trước.
Đối với kim loại cơ bản, giá đồng COMEX giảm 1,34% về 3,78 USD/pound, mức thấp nhất trong hai tuần. Sau đợt tăng giá chủ yếu được hỗ trợ bởi rủi ro nguồn cung, giá đồng đang trên đà suy yếu khi rủi ro này dần được xoa dịu và do triển vọng nhu cầu ảm đạm từ Trung Quốc.
Vào hôm qua, cơ quan xếp hạng tín nhiệm Moody’s đã hạ xếp hạng tín dụng của Trung Quốc từ “ổn định” xuống “tiêu cực”, do lo ngại về tăng trưởng kinh tế trong trung hạn và lĩnh vực bất động sản tiếp tục bị thu hẹp.
Điều này khiến tâm lý các nhà đầu tư trở nên bi quan hơn về triển vọng kinh tế Trung Quốc, đặc biệt là khi nền kinh tế nước này vẫn chưa cho thấy dấu hiệu phục hồi bền vững. Giá đồng vì thế cũng gặp sức ép bán mạnh trong phiên.
Trong một diễn biến khác, giá quặng sắt phục hồi nhẹ 0,17% lên 130,6 USD/tấn. Tuy vậy, giá quặng sắt vẫn đang gặp áp lực khi Trung Quốc tiến hành hạn chế sản xuất thép.
Do tình trạng ô nhiễm không khí nặng nề, các thành phố sản xuất thép lớn của Trung Quốc như Hàm Đan, Đường Sơn, Thương Châu… đã bị chính quyền yêu cầu hạn chế sản lượng thép từ ngày 2 – 3/12, nhằm giảm bớt tình trạng ô nhiễm. Việc hạn chế sản lượng sẽ được duy trì cho tới khi có thông báo mới.