Giá đồng và quặng sắt đồng loạt giảm do nhu cầu yếu
Dự báo giá đồng giảm do tiêu thụ kém, kim loại quý có thể tăng trở lại Giá đồng và quặng sắt bật tăng nhờ Trung Quốc kích thích kinh tế Giá đồng phục hồi nhờ cả yếu tố vĩ mô và cung – cầu |
Kết thúc ngày giao dịch cuối cùng của tháng 10, sắc đỏ áp đảo bảng giá nhóm kim loại do tác động tiêu cực của cả yếu tố vĩ mô và cung – cầu. Đối với nhóm kim loại quý, bạch kim là mặt hàng tăng giá duy nhất trong nhóm, chốt phiên tại mức 944,9 USD/ounce sau khi tăng 0,53%. Trái lại, giá vàng và bạc đồng loạt suy yếu. Cụ thể, giá bạc giảm về mức 22,95 USD/ounce sau khi giảm 1,9% và giá vàng suy yếu 0,66%, dừng chân ở mức 1.982,71 USD/ounce.
Ảnh minh họa |
Giá của các mặt hàng nhóm kim loại quý suy yếu khi mà đồng USD tăng trở lại. Chỉ số Dollar Index kết phiên phục hồi 0,51% lên 106,66 điểm, nhờ sự suy yếu của đồng yên và đồng euro.
Đồng yên Nhật đã giảm xuống mức thấp nhất trong 1 năm so với đồng dollar Mỹ sau động thái “ôn hòa” của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản. Ngoài ra, đồng euro cũng suy yếu bởi dữ liệu kinh tế yếu kém của khu vực châu Âu. Cụ thể, tổng sản phẩm quốc nội quý III của khu vực đồng euro (Eurozone) chỉ tăng 0,1% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn 0,1 điểm phần trăm so với dự báo.
Tuy vậy, giá bạch kim vẫn tăng nhẹ do một số lo ngại về nguồn cung. Vào hôm qua, Impala Platinum, công ty khai thác bạch kim lớn thứ hai thế giới, cho biết họ sẽ cắt giảm chi tiêu trong các dự án khai thác. Điều này làm tăng rủi ro nguồn cung bạch kim sẽ bị thu hẹp.
Đối với nhóm kim loại cơ bản, giá đồng COMEX và giá quặng sắt quay đầu giảm sau 2 phiên tăng liên tiếp, lần lượt giảm 0,26% xuống 3,64 USD/pound và giảm 0,14% về 121,55 USD/tấn. Giá đồng và quặng sắt phải chịu sức ép ngay từ phiên sáng sau khi Trung Quốc công bố số liệu sản xuất yếu kém.
Cụ thể, Tổng cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho biết chỉ số quản lý mua hàng (PMI) sản xuất tháng 10 của Trung Quốc đạt 49,5 điểm, thấp hơn kỳ vọng và thu hẹp từ mức 50,2 điểm ghi nhận trong tháng 9.
Dữ liệu này cung cấp bằng chứng cho thấy nền kinh tế Trung Quốc vẫn chưa phục hồi hoàn toàn. Trong khi đó, lĩnh vực sản xuất là phân khúc tiêu thụ một lượng lớn kim loại công nghiệp tại nước này. Do vậy, số liệu này làm xấu đi triển vọng tiêu thụ đồng hay quặng sắt, gây sức ép lên giá.
Bên cạnh đó, triển vọng tiêu thụ thép kém sắc tại khu vực châu Âu cũng là yếu tố gây áp lực lên giá quặng sắt, nguyên liệu đầu vào cho sản xuất thép. Hiệp hội Thép Châu Âu cho biết nhu cầu thép tại khu vực Liên minh châu Âu sẽ giảm 5,3% trong năm nay, giảm mạnh hơn so với mức giảm 3% được dự báo hồi tháng 7.