Giá dầu được EIA dự báo tăng mạnh, vì sao?
Giá dầu suy yếu sau khi EIA nâng dự báo sản lượng của Mỹ Giá dầu thô hồi phục, sắc đỏ chiếm ưu thế trên thị trường đậu tương |
Trong Báo cáo Triển vọng Năng lượng ngắn hạn (STEO) tháng 3, Cơ quan Thông tin Năng lượng (EIA) đã điều chỉnh tăng tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ trong năm 2024 và năm 2025 lên mức lần lượt 2,6% và 1,7%, tương đương mức tăng thêm lần lượt 0,8 điểm phần trăm và 0,1 điểm phần trăm so với báo cáo trong tháng 2.
Mức điều chỉnh tăng mạnh mẽ của EIA xuất phát từ việc nền kinh tế Mỹ mạnh mẽ trong nửa cuối 2023. Chi tiêu tiêu dùng trong cuối 2023 cao hơn trong tăng trưởng thu nhập cá nhân cũng như thị trường lao động mạnh mẽ có thể hỗ trợ tăng trưởng chi tiêu của người tiêu dùng vào năm 2024. EIA cho biết lạm phát của Mỹ sẽ giảm về mức 2%, mục tiêu của Cục dự trữ Liên bang (FED) trong quý 3 năm nay, trong khi tỷ lệ thất nghiệp sẽ đạt trung bình khoảng 4%.
Ước tính giá dầu trong 2024 trong báo cáo tháng 3 được EIA điều chỉnh tăng mạnh phản ánh nguồn cung thắt chặt từ Tổ chức các Quốc gia Xuất khẩu Dầu mỏ và các nước đồng minh (OPEC+). Thị trường thắt chặt hơn trong quý sau sẽ khiến giá dầu Brent trung bình có thể tăng lên mức 88 USD/thùng, cao hơn 4 USD/thùng so với ước tính trong tháng trước, sau đó thị trường sẽ duy trì ổn định trong nửa cuối năm.
Tuy nhiên EIA cũng lưu ý những tác động từ khu vực Biển Đỏ đối với giá dầu cũng phần nào được hạn chế khi tồn kho thế giới được tích lũy trong giai đoạn trước đó trong khi hiện tại hoạt động sản xuất ít bị ảnh hưởng.
Nhu cầu toàn cầu năm 2024 được giữ nguyên
Về nhu cầu, EIA đã điều chỉnh tăng nhẹ dự báo nhu cầu nhiên liệu lỏng toàn cầu năm 2024 lên mức 102,43 triệu thùng/ngày, từ mức 102,42 triệu thùng/ngày trong báo cáo tháng 2 khi mức điều chỉnh giảm mạnh trong quý đầu năm được bổ sung bởi sự tăng trưởng trong 3 quý còn lại. Cụ thể nhu cầu tiêu thụ toàn cầu trong quý I/2024 được điều chỉnh giảm xuống mức 101,78 triệu thùng/ngày, tương đương mức điều chỉnh giảm 280.000 thùng/ngày. Trong khi đó, nhu cầu trong các quý còn lại được điều chỉnh tăng lên 100.000 đến 140.000 thùng/ngày.
Trong báo cáo lần này, EIA đã giữ nguyên dự báo nhu cầu tại Trung Quốc trong năm 2024 ở mức 16,27 triệu thùng/ngày. Trong khi đó năm 2025, EIA ước tính nhu cầu của Trung Quốc đạt 16,52 triệu thùng/ngày.
Tương tự, nhu cầu tiêu thụ chất lỏng trong năm nay của Ấn Độ cũng được EIA giữ nguyên trong báo cáo lần này với mức 5,59 triệu thùng/ngày trong 2024 và 5,85 triệu thùng/ngày trong 2025.
Ước tính nhu cầu đối với các quốc gia thuộc OECD đã được EIA điều chỉnh tăng nhẹ trong báo cáo lần này. Cụ thể, tổng nhu cầu dầu thô của các quốc gia thuộc OECD trong năm 2023 đã được EIA dự báo đạt mức 45,87 triệu thùng/ngày, trong khi trong năm 2024 sẽ đạt mức 46,04 triệu thùng/ngày. Tăng trưởng nhu cầu trong năm nay của các quốc gia OECD đạt mức 170.000 thùng/ngày.
Tiêu thụ chất lỏng tại Mỹ trong năm 2023 được EIA ước tính đạt 20,23 triệu thùng/ngày trong báo cáo lần này, không đổi so với báo cáo trước. Trong khi đó, tiêu thụ nhiên lỏng của nền kinh tế lớn nhất trong năm 2024 là 20,4 triệu thùng/ngày.
Tăng trưởng nguồn cung 2024 được điều chỉnh giảm mạnh, đặc biệt trong quý II
Về phía nguồn cung, sản lượng dầu toàn cầu năm 2024 cũng được EIA điều chỉnh giảm về mức 102,17 triệu thùng/ngày, từ mức 102,3 triệu thùng/ngày. Nguồn cung được điều chỉnh giảm mạnh 930.000 thùng/ngày trong quý II/2024, phản ánh việc OPEC+ gi hạn chính sách cắt giảm và Nga tăng mức cắt giảm của mình thêm nữa. Tuy nhiên, nguồn cung quý đầu năm được EIA điều chỉnh tăng 350.00 thùng/ngày.
Sau khi áp dụng các biện pháp cắt giảm sản xuất tự nguyện mới của OPEC+, hiện tại EIA vọng rằng sản lượng nhiên liệu lỏng toàn cầu sẽ tăng với mức khiêm tốn 0,4 triệu thùng/ngày vào năm 2024, giảm so với mức tăng 0,6 triệu thùng/ngày trong STEO của tháng trước và giảm từ mức tăng 1,8 triệu thùng/ngày vào năm 2023. Mặc dù việc cắt giảm sản lượng của OPEC+ hạn chế mức tăng trưởng chung vào năm 2024, nhưng sản lượng bên ngoài OPEC+ tăng 1,5 triệu thùng/ngày, chủ yếu do bốn quốc gia ở Châu Mỹ gồm Hoa Kỳ, Guyana, Brazil và Canada sẽ bù đắp cho sự sụt giảm nguồn cung từ OPEC+.
Sản lượng dầu thô của OPEC được EIA dự báo đạt 26,55 triệu thùng/ngày trong 2024, thấp hơn ước tính 26,66 triệu thùng/ngày trước đó. Sản lượng trong quý I của nhóm được EIA ước tính đạt 26,25 triệu thùng/ngày tăng nhẹ so với mức 26,12 triệu thùng/ngày. Sản lượng trong quý II giảm mạnh xuống 26,19 triệu thùng/ngày từ mức 26,76 triệu thùng/ngày trong STEO tháng 2.
Công suất sản xuất dự phòng của OPEC tăng từ mức 3,68 triệu thùng/ngày vào 2023 lên dự báo 4,35 triệu thùng/ngày vào 2024, do cắt giảm sản lượng.
Sản lượng chất lỏng của Nga được dự báo đạt trung bình 10,4 triệu thùng/ngày trong 2024, giảm 340.000 thùng/ngày so với ước tính trong báo cáo tháng trước.
Tăng trưởng nguồn cung từ Mỹ sẽ giảm tốc trong năm 2024 với mức chỉ 260.000 thùng/ngày, đưa sản lượng của nhà sản xuất dầu thô số 1 thế giới lên mức trung bình 13,19 triệu thùng/ngày, cao hơn 90,000 thùng/ngày so với ước tính trước đó.
Thị trường vẫn sẽ ở trạng thái thâm hụt trong 2024
Cán cân cung cầu trên thị trường được điều chỉnh khá mạnh trong báo cáo lần này.
Đối với năm 2024, sau khi OPEC+ tuyên bố kéo dài chính sách cắt giảm tự nguyện, EIA dự báo thị trường ở trạng thái thâm hụt mạnh trong quý II và sẽ dần trở lại trạng thái cân bằng trong các quý còn lại. Tuy nhiên mức thâm hụt trên thị trường được thu hẹp đáng kể trong quý đầu năm khi nhu cầu được điều chỉnh giảm trong khi nguồn cung ổn định.
Tổng mức thâm hụt trong năm 2024 được EIA dự báo ở mức trung bình 260.000 thùng/ngày, so với ước tính thâm hụt 120.000 thùng/ngày trước đó.