Giá dầu suy yếu sau khi EIA nâng dự báo sản lượng của Mỹ
Ngoài ra, dữ liệu lạm phát giá tiêu dùng Mỹ trong tháng 2 cao dự kiến cũng khiến giá dầu chịu nhiều sức ép.
Chốt phiên, giá dầu WTI ghi nhận phiên giảm thứ hai liên tiếp với mức giảm 0,47% xuống 77,56 USD/thùng. Dầu Brent giảm 0,35% xuống 81,92 USD/thùng.
Trong báo cáo Triển vọng Năng lượng Ngắn hạn (STEO) tháng 3, EIA đã nâng dự báo sản lượng dầu Mỹ trung bình năm 2024 lên 13,19 triệu thùng/ngày, tăng khoảng 80.000 thùng/ngày so với ước tính trước. Sản lượng dầu Mỹ duy trì mạnh mẽ sẽ làm lu mờ tác động của chính sách hạn chế nguồn cung từ phía Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và đồng minh (OPEC+), thúc đẩy áp lực bán trên thị trường dầu.
Bên cạnh đó, việc EIA điều chỉnh giảm mạnh mức thâm hụt của thị trường trong quý I/2024 từ 810.000 thùng/ngày xuống 180.000 thùng/ngày cho thấy nguồn cung toàn cầu tương đối ổn định, bất chấp cam kết cắt giảm sản lượng tự nguyện 2,2 triệu thùng/ngày của OPEC+. Điều này làm dấy lên sự hoài nghi về mức độ tuân thủ thỏa thuận chung của các thành viên trong nhóm, khi một số thành viên thậm chí vẫn sản xuất cao hơn hạn ngạch đề ra.
Thêm vào yếu tố gây áp lực lên giá, xuất khẩu dầu thô bằng đường biển của Nga đã tăng lên mức cao nhất từ đầu năm đến nay, với các chuyến hàng từ cảng Kozmino ở Thái Bình Dương được khôi phục sau ảnh hưởng của thời tiết. Cụ thể, xuất khẩu dầu thô bằng đường biển của Nga trong tuần kết thúc vào ngày 10/3 đạt 3,7 triệu thùng/ngày, tăng mạnh 590.000 thùng/ngày so với tuần trước. Trong khi đó, khối lượng xuất khẩu trung bình 4 tuần ít biến động hơn đạt 3,36 triệu thùng/ngày, tăng nhẹ so với mức 3,31 triệu thùng/ngày trung bình 4 tuần tính đến ngày 3/3.
Về mặt vĩ mô, theo số liệu từ Cục Thống kê Lao động Mỹ (BLS), chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2 của Mỹ tăng 3,2% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn 0,1 điểm phần trăm so với dự báo của các chuyên gia kinh tế và tăng tốc từ mức 3,1% của tháng 1. Đà hạ nhiệt lạm phát của Mỹ chững lại có thể làm lung lay kịch bản Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) hạ lãi suất trong thời gian tới. Lãi suất có nguy cơ duy trì ở mức cao trong thời gian dài hơn có thể đè nặng lên triển vọng tăng trưởng nhu cầu, gây áp lực lên giá dầu.
Rạng sáng nay theo giờ Việt Nam, báo cáo của Viện Dầu khí Mỹ (API) cho thấy tồn kho dầu thương mại của Mỹ trong tuần kết thúc vào ngày 8/3 bất ngờ giảm mạnh 5,5 triệu thùng, trái ngược với dự đoán tăng 1,3 triệu thùng của giới phân tích. Trong khi đó, tồn kho xăng và nhiên liệu chưng cất cũng ghi nhận mức giảm lần lượt 3,75 triệu thùng và 1,16 triệu thùng, đánh bại kỳ vọng của thị trường về mức giảm 1,9 triệu thùng và 200.000 thùng/ngày. Điều này có thể hỗ trợ giá dầu phục hồi nhẹ trong đầu phiên hôm nay.