Giá cà phê vẫn tăng mạnh bất chấp nguồn cung nới lỏng
Giá cà phê tăng cao bất thường Giá cà phê mới nhất ngày 17/9/2023: Giao dịch trong nước bật tăng mạnh |
Kết thúc tuần giao dịch 11-17/9, sắc xanh hoàn toàn áp đảo trên bảng giá các mặt hàng nhóm nguyên liệu công nghiệp. Đáng chú ý, giá 2 mặt hàng cà phê cùng tăng mạnh, dù cho nguồn cung đang có những tín hiệu tích cực.
Cụ thể, giá Arabica dẫn đầu đà tăng của nhóm với 7,06%, giá Robusta theo ngay sau với mức tăng 6,19% so với tham chiếu. Kết tuần, giá cả 2 mặt hàng đều ở mức cao nhất trong 1 tháng. Trong tuần, Arabica có 3/5 phiên mang sắc xanh và lực tăng tập trung chủ yếu vào 2 phiên cuối tuần, Robusta có 4/5 phiên tăng so với tham chiếu.
Ảnh minh họa |
Giá dầu thô cùng đồng USD đều ở mức cao đã đẩy lực mua của giới đầu cơ tăng mạnh, trong khi xuất khẩu cà phê cùng tồn kho trên Sở ICE đều cho thấy sự tích cực so với giai đoạn trước.
Theo đó, Brazil đã xuất khẩu 3,67 triệu bao cà phê loại 60kg trong tháng 8, trong đó có 3,35 triệu bao cà phê nhân, tăng 33,3% so với cung kỳ năm 2022, theo Hiệp hội Những nhà Xuất khẩu Cà phê Brazil (CECAFE). Trong số 3,35 triệu bao cà phê nhân xuất đi trong tháng 8, có 2,65 triệu bao cà phê Arabica và 698.856 bao cà phê Robusta, tăng lần lượt 11,2% và 443% so với tháng 8 năm 2022. Đây cũng là mức xuất khẩu trong 1 tháng cao kỷ lục đối với Robusta.
Tồn kho Arabica đạt chuẩn trên Sở ICE-US trong tuần tăng 3.360 bao loại 60kg sau 1 tháng giảm liên tiếp nhờ nguồn cung bổ sung từ Brazil. Cũng chính nguồn cung từ Brazil đã giúp tồn kho Robusta trên Sở ICE-EU tăng từ mức 35.770 tấn lên 38.730 tấn.
Trong tuần này, giá cà phê có thể điều chỉnh giảm vào đầu tuần khi dữ liệu tồn kho trên Sở ICE chuyển hướng tích cực nhờ sự bổ sung từ Brazil. Đến cuối tuần, giá mặt hàng này khả năng cao sẽ chịu chi phối từ số liệu ước tính sản lượng cà phê năm 2023 của Brazil, được Cơ quan cung ứng mùa vụ thuộc chính phủ nước này (CONAB) công bố trong báo cáo khảo sát mùa vụ lần thứ 3 vào ngày 20/9.
Giá 2 mặt hàng đường ghi nhận mức tăng lần lượt 2,28% với đường 11 và 2,96% với đường trắng, đưa giá lên mức cao nhất trong 12 năm. Đáng chú ý, đây là tuần tăng thứ 4 liên tiếp của giá đường thô. Lo ngại sản lượng đường sụt giảm mạnh tại các quốc gia châu Á, đặc biệt tại Ấn Độ, có thể khiến quốc gia này cấm xuất khẩu trong niên vụ 2023/24.
Lượng mưa dưới mức trung bình có thể khiến Thái Lan, quốc gia xuất khẩu đường lớn thứ 3 thế giới, chỉ xuất đi 1,7 triệu tấn đường trong niên vụ 2023/24, 1 trong những mức thấp nhất trong 15 năm, công ty tư vấn Czarnikow cho biết. Trong khi, lượng mưa dưới mức trung bình tại Ấn Độ có thể khiến sản lượng giảm sâu và gia tăng nguy cơ cấm xuất khẩu vào tháng 10 tới.
Tuy vậy, sản lượng đường tích cực tại Brazil đã góp phần giảm bớt lo ngại về nguồn cung trên thị trường và góp phần giảm bớt lực tăng của giá. Các chuyên gia tại công ty tư vấn hàng hóa S&P Global dự đoán, sản lượng đường trong kỳ tại Brazil sẽ là 3,44 tấn, cao hơn so với mức 3,15 tấn của cùng kỳ năm trước.
Giá bông ghi nhận mức tăng nhẹ 0,62% trong tuần vừa qua. Giá dầu ở mức cao đã kéo theo giá bông đi lên, dù cho bán hàng bông Mỹ trong tuần kết thúc 7/9 thấp hơn 21% so với tuần trước và 27% so với trung bình 4 tuần.
Theo đó, giá dầu thô tăng lên mức cao nhất trong 10 tháng, khiến Polyester, chất thay thế chính của bông trở nên đắt đỏ hơn. Điều này kéo theo nhu cầu đối với bông tự nhiên tăng cao hơn và giá bông tăng lên.
Ở chiều ngược lại, giá dầu cọ trái chiều với đa số các mặt hàng trong nhóm khi giảm 1,17% so với tham chiếu. Tồn kho tăng tại Malaysia đã gây sức ép lên giá.
Áp lực từ việc tồn kho dầu cọ cuối tháng 08 của Malaysia tăng 22,5% so với tháng trước và vượt qua dự đoán của giới phân tích vẫn đang đè nặng lên giá dầu cọ.