FLC xin khất nợ nghìn tỷ trái phiếu thêm 24 tháng, trái chủ nói không
Ngày 28/12/2021, Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC (UPCoM: FLC) đã phát hành lô trái phiếu FLCH2123003 tổng trị giá 1.150 tỷ đồng, lãi suất 12%/năm với kỳ hạn 24 tháng, tương ứng ngày đáo hạn 28/12/2023 sắp tới.
Hiện, lô trái phiếu đang còn 996 tỷ đồng lưu hành, cho thấy áp lực trả nợ của Tập đoàn FLC là rất lớn và giữa lúc kinh tế khó khăn, doanh nghiệp buộc phải khất nợ các trái chủ.
Người sở hữu trái phiếu không thông qua bất cứ phương án nào trong số 4 phương án giãn nợ trái phiếu của Tập đoàn FLC. Bài toán gỡ khó cho lô trái phiếu vẫn chưa có lời giải thỏa đáng. |
Tập đoàn FLC theo đó có văn bản lấy ý kiến người sở hữu trái phiếu của mã FLCH2123003, đề ra 4 phương án gia hạn trái phiếu từ 24 tháng lên 48 tháng kể từ ngày phát hành, tức ngày đáo hạn sẽ được lùi sang 28/12/2025, với lãi suất cố định áp dụng là 13%/năm, cao hơn 1 điểm phần trăm so với ban đầu.
Cụ thể, trong phương án 1: FLC tiếp tục thực hiện triển khai dự án Khu biệt thự nghỉ dưỡng FLC Hải Ninh 2 và sử dụng nguồn thu từ việc khai thác, kinh doanh dự án để trả nợ trái phiếu. Toàn bộ số tiền thu được từ việc khai thác kinh doanh bất động sản của dự án sẽ được chuyển vào tài khoản phong tỏa của công ty để ưu tiên thanh toán cho người sở hữu trái phiếu.
Thời gian FLC dự kiến hoàn thiện các thủ tục pháp lý đưa dự án vào kinh doanh là quý II/2025.
Phương án 2: FLC tìm kiếm nhà đầu tư nhằm chuyển nhượng dự án. Toàn bộ số tiền chuyển nhượng dự án sẽ được chuyển vào tài khoản phong tỏa và ưu tiên giải ngân cho việc thanh toán trái phiếu. Thời gian thực hiện chuyển nhượng dự án và thời gian thanh toán sẽ phụ thuộc vào thời gian tìm kiếm nhà đầu tư nhận chuyển nhượng dự án.
Ở phương án này, FLC cam kết mua lại trái phiếu trước hạn trong vòng 15 ngày kể từ ngày FLC ký kết hợp đồng chuyển nhượng và nhận đầy đủ tiền chuyển nhượng dự án.
Phương án 3: Khi bất động sản của dự án đủ điều kiện để ký hợp đồng mua bán, FLC sẽ dùng bất động sản để đối trừ nghĩa vụ thanh toán trái phiếu. FLC ưu tiên chiết khấu cho người sở hữu trái phiếu so với khách hàng thông thường.
Phương án 4: Trong trường hợp phương án 1,2,3 nêu trên không được trái chủ thông qua, FLC đề xuất phương án khác trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày tổng hợp ý kiến người sở hữu trái phiếu bằng văn bản trên cơ sở đảm bảo lợi ích và khả năng thực hiện của công ty.
Theo biên bản được công bố, tổng số phiếu lấy ý kiến phát ra là 363 phiếu, đại diện cho toàn bộ trái phiếu đang lưu hành. Tuy nhiên số phiếu thu về chỉ là 114 phiếu, đại diện cho 31,55% trái phiếu, trong đó số phiếu lấy ý kiến hợp lệ là 33, số phiếu không hợp lệ là 81, đại diện lần lượt 7,29% và 24,26% trái phiếu đang lưu hành.
Theo đó, người sở hữu trái phiếu không thông qua bất cứ phương án nào trong số 4 phương án nêu trên. Bài toán gỡ khó cho lô trái phiếu vẫn chưa có lời giải thỏa đáng.
Thông tin tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023, ban lãnh đạo FLC dự kiến định hình lại các lĩnh vực cốt lõi với ba trụ cột chính: kinh doanh bất động sản, kinh doanh nghỉ dưỡng và M&A các dự án để tái cấu trúc các khoản vay và duy trì hoạt động kinh doanh.
Song, từ quý IV/2022 đến nay, các thông tin tình hình kinh doanh của FLC không được công bố. Tại thời điểm cuối quý III/2022 (số liệu công bố cuối cùng), quy mô tài sản của FLC là 36.216 tỷ đồng. Chiếm hơn 43% tài sản là khoản phải thu ngắn hạn, chủ yếu là phải thu từ cho vay (7.396 tỷ).
Khoản tiền mặt tại ngày 30/9/2022 là 249 tỷ đồng. Doanh nghiệp đi vay tổng cộng 5.016 tỷ đồng cuối quý III/2022, chủ yếu là dư nợ từ các ngân hàng. Vốn chủ sở hữu còn 7.945 tỷ, trong đó lợi nhuận lũy kế là 195 tỷ.