19 ngân hàng nhận lệnh cưỡng chế hàng chục tỷ đồng FLC nợ thuế
Theo đó, cơ quan thuế quyết định cưỡng chế hơn 81 tỷ đồng từ các tài khoản của FLC mở tại các ngân hàng: Agribank; BAOVIET Bank; LPBank; VietinBank; PVcomBank; BIDV; Maritime Bank; Techcombank; Vietcombank; MB; NCB; VIB; Sacombank; TPBank; VP Bank; VietBank; PG Bank; OCB chi nhánh Hà Nội; Standard Chartered (Việt Nam).
Các ngân hàng có trách nhiệm trích số tiền trên để nộp vào tài khoản số 7111 Kho bạc Nhà nước quận Cầu Giấy.
FLC bị cưỡng chế hơn 81 tỷ đồng từ tài khoản mở tại các ngân hàng |
Trường hợp tài khoản của FLC nhỏ hơn số tiền phải cưỡng chế thì ngân hàng vẫn phải trích số tiền còn lại sau khi trừ đi số dư tối thiểu để duy trì tài khoản, sau đó tiếp tục theo dõi, trích tiếp số tiền phát sinh có trên tài khoản của FLC trong thời gian quyết định có hiệu lực (từ ngày 9/10-7/11).
Do FLC mở tài khoản tiền gửi tại nhiều ngân hàng, để tránh việc các ngân hàng trích vượt số tiền cưỡng chế theo quy định, Cục Thuế Hà Nội đề nghị ngân hàng thông báo tới cơ quan thuế, trước khi trích nộp tiền vào ngân sách Nhà nước.
Trước đó, Cục Thuế thành phố Hà Nội điều chỉnh quyết định áp dụng cưỡng chế bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn đối với Tập đoàn FLC để thu gần 325,8 tỷ đồng nợ thuế.
Năm 2022, Cục Thuế Hà Nội cũng ra quyết định cưỡng chế thuế gần 72 tỷ đồng và phạt 11,5 triệu đồng đối với Tập đoàn FLC vì chậm nộp tờ khai thuế thu nhập cá nhân.