EVFTA: Tạo bước tiến về hợp tác thương mại Việt Nam – Hà Lan
Bà Nienke Trooster, Đại sứ Hà Lan tại Việt Nam đã nhấn mạnh như vậy khi trao đổi với phóng viên Vietnam Economic News nhân nhiệm kỳ công tác mới tại Việt Nam.
Ưu tiên thúc đẩy hợp tác kinh tế
Theo bà Nienke Trooster, thúc đẩy quan hệ hợp tác về thương mại, đầu tư là một trong những ưu tiên hàng đầu của bà trong nhiệm kỳ công tác tại Việt Nam. Chính phủ Hà Lan coi trọng vị trí địa kinh tế của Việt Nam tại khu vực Đông Nam Á và mong muốn mở rộng hợp tác với Việt Nam.
Hiện Hà Lan đang là đối tác thương mại lớn thứ 4 và nhà đầu tư lớn thứ 2 của EU tại Việt Nam. Tính đến hết tháng 8/2014, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước đạt 2,725 tỷ USD, trong đó Việt Nam là nước xuất siêu với kim ngạch xuất khẩu sang Hà Lan ước đạt 2,357 tỷ USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2013 và nhập khẩu đạt 368 triệu USD, giảm 21%.
Về đầu tư, các doanh nghiệp Hà Lan hiện có 217 dự án còn hiệu lực hoạt động tại Việt Nam với tổng số vốn đăng ký ước đạt 6,58 tỷ USD, đứng thứ 11 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đang đầu tư tại Việt Nam.
“Bên cạnh các yếu tố thị trường nội địa tăng trưởng nhanh, dân số trẻ và làm việc chăm chỉ, Việt Nam còn thu hút các nhà đầu tư Hà Lan trong các lĩnh vực như xuất khẩu hàng nông sản, dầu khí, hợp tác hàng hải, giao thông và logistic cảng biển”, bà Đại sứ chia sẻ.
Thực tế, Việt Nam và Hà Lan có vai trò quan trọng trong nông nghiệp toàn cầu. Việt Nam nổi tiếng về trồng lúa trong khi Hà Lan nổi tiếng về bò sữa và đồng cỏ. Đây không chỉ đơn thuần là biểu tượng mà còn là tài sản của nền kinh tế thịnh vượng. Hà Lan đã trở thành nhà xuất khẩu nông sản lớn thứ hai trên thế giới nhờ sự sáng tạo về hệ thống nhà kính, sự tối ưu hóa tài nguyên như nước và năng lượng.
Hà Lan và Việt Nam đã từng hợp tác với nhau nhiều năm trong quan hệ đối tác về rau, cafe, ca cao và thủy sản. Hai nước hiện đang cân nhắc tiếp tục phát triển chuỗi giá trị về hoa. “Tăng đầu ra một cách bền vững là mục tiêu chung của hai nước và Hà Lan luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật với Việt Nam”, Đại sứ Nienke Trooster cho biết.
Bên cạnh đó, với bờ biển dài, vị trí chiến lược và chi phí nhân công thấp, ngành đóng tàu của Việt Nam là một điểm đầu tư hấp dẫn đối với các công ty đóng tàu Hà Lan nhằm sản xuất cho các thị trường thứ ba và các nhà cung cấp thiết bị. Một số công ty lớn của Hà Lan trong ngành hàng hải hiện đang hoạt động tại Hải Phòng, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh. Các công ty Hà Lan có thể kể đến Damen, El-tec, Ned-deck marine, Van der Leun và ECONOSTO.
Năng lượng (dầu khí và công nghệ sạch) cũng tạo cơ hội cho doanh nghiệp hai nước khi Việt Nam có nhu cầu mở rộng và bảo dưỡng cơ sở hạ tầng ngành dầu khí (lọc dầu, nhà máy điện, kho chứa dầu) trong khi các công ty Hà Lan có công nghệ và kinh nghiệm liên quan. Về công nghệ sạch, các công ty Hà Lan hoạt động mạnh trong các dự án khí ethanol sinh học, khí sinh học và tư vấn công nghệ trên bờ.
“Hà Lan ủng hộ Việt Nam đẩy nhanh tiến trình đàm phán EVFTA với EU và tin tưởng rằng Hiệp định sẽ giúp các doanh nghiệp hai nước có một khuôn khổ pháp lý nhiều lợi thế hơn để tăng cường cơ hội đầu tư, hợp tác kinh doanh”, bà Đại sứ nhấn mạnh.
Ưu tiên cho lĩnh vực quản lý nước
Đại sứ Nienke Trooster cho hay, Việt Nam và Hà Lan đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược trong lĩnh vực quản lý nước và ứng phó với biến đổi khí hậu. Do đó, trong nhiệm kỳ của mình, bà sẽ nỗ lực để đưa hợp tác về quản lý nước đi vào chiều sâu, có hiệu quả thiết thực.
Tiêu biểu nhất trong các dự án quản lý nước, có thể kể đến sự hợp tác giữa hai nước trong việc xây dựng Kế hoạch chiến lược cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Hà Lan cung cấp thông tin chuyên môn, gửi chuyên gia đến làm việc cùng các đối tác và tham gia tích cực vào các cuộc thảo luận trong quá trình thực hiện. Hà Lan cũng dành ngân sách tài chính để hỗ trợ cho hoạt động hoạch định cũng như hỗ trợ các viện nghiên cứu của Việt Nam xây dựng các chương trình đào tạo về quản lý tài nguyên nước và các vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu.
“Kế hoạch Đồng bằng sông Cửu long là tầm nhìn dài hạn cho phát triển kinh tế xã hội bền vững, được chuyên gia hàng đầu của hai bên cùng hợp tác chặt chẽ sọan thảo. Phía Hà Lan sẽ cùng với Việt Nam đưa ra nỗ lưc cao nhất để xây dựng nền tảng và khung hành động chung cho bản Kế hoạch, đóng góp cho sự phát triển toàn diện của khu vực đồng bằng sông Cửu long”, bà Đại sứ nói.
Cùng với đó, Hà Lan còn là một đối tác tích cực trong lĩnh vực cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường với rất nhiều dự án đang thực hiện trên khắp Việt Nam. Hà Lan ủng hộ phát triển các công nghệ sáng tạo trong quản lý nước, ví dụ như công nghệ viễn thám, công nghệ giám sát.
Dự kiến, trong tháng 11, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, Đại sứ quán Hà Lan và rất nhiều các đối tác quốc tế, các tỉnh thuộc Đồng bằng sông Cửu Long sẽ tham dự một hội nghị đặc biệt để xác định các khoản đầu tư hiệu quả và đưa ra các chính sách phù hợp với vấn đề khí hậu, tương thích với các khuyến nghị của Kế hoạch Đồng bằng sông Cửu Long./.
Hùng Cường