EVFTA mang lại cơ hội xuất khẩu nông sản sang EU bằng thương hiệu Việt
Hiệp định EVFTA tạo xung lực quan trọng cho thương mại Việt Nam - Bỉ | |
Hiệp định EVFTA tác động tích cực đến thương mại và đầu tư của Việt Nam |
Những thương hiệu “đem chuông đi đánh xứ người”
Vào tháng 9 năm 2022, một sự kiện đáng ghi nhớ với ngành lúa gạo Việt là gạo Lộc Trời với thương hiệu "Cơm ViệtNam Rice" đã chính thức lên kệ hàng của E.Leclerc – hệ thống siêu thị với gần 600 đại siêu thị và hơn 100 siêu thị trên khắp nước Pháp. Theo Reuters, E.Leclerc là hệ thống siêu thị lớn nhất Pháp hiện nay tính theo thị phần. Trước đó, ngày 30/6/2022, Tập đoàn Lộc Trời và Công ty con - CTCP Nông sản Lộc Trời (LTA) vừa hoàn tất xuất khẩu gần 500 tấn gạo mang thương hiệu riêng của tập đoàn - "Cơm ViệtNam Rice" sang thị trường Đức, Hà Lan và Pháp.
Gạo Lộc Trời ở siêu thị Pháp |
Dù cách đây 2 năm, vào tháng 9/2020, Lộc Trời là đơn vị được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lựa chọn xuất khẩu gạo đầu tiên vào châu Âu trong khuôn khổ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), nhưng đây là lần đầu tiên gạo Lộc Trời lên kệ các siêu thị E.Leclerc tại Pháp. Việc đưa gạo với thương hiệu riêng vào thẳng hệ thống siêu thị nước bạn không chỉ giúp tăng giá trị sản phẩm mà còn giúp quảng bá hiệu quả thương hiệu doanh nghiệp và thương hiệu Việt Nam.
Ông Vũ Anh Sơn, Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Pháp chia sẻ, về hàng hóa mang thương hiệu Việt Nam, hiện Lộc Trời là một trong những thương hiệu gạo đã tiếp cận hệ thống đại siêu thị tại châu Âu và tại Pháp thành công.
Một doanh nghiệp khác cũng đã “xuất khẩu thương hiệu” thành công là Hapro. Ông Lê Anh Tuấn, Phó Tổng giám đốc, Tổng công ty Thương mại Hà Nội - CTCP (Hapro) chia sẻ, Hapro có thị trường trên 80 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới và mỗi năm xuất khẩu trên 100 triệu USD.
Thị trường của Hapro rộng khắp nhưng thực tế vẫn có những thị trường chính, thị trường chiến lược, chủ lực và những thị trường ngách. Trong đó, EU là một trong những thị trường chiến lược của Hapro khi chiếm tới trên 30% thị phần.
Đánh giá về hiệu quả của EVFTA đối với hoạt động của doanh nghiệp, ông Lê Anh Tuấn nói, sau khi EVFTA có hiệu lực, các sản phẩm của Hapro xuất khẩu nhận được lợi thế lớn là ưu đãi hơn về thuế. Đấy là vấn đề thứ nhất. Vấn đề thứ hai là tiếng vang của Hiệp định EVFTA làm cho khách hàng quan tâm đến các sản phẩm của Việt Nam hơn, nhất là những sản phẩm cùng cạnh tranh về giá và chất lượng lâu nay với một số các nước nhiệt đới như Thái Lan, Malaysia, Indonesia…
“Sau khi Hapro lọt vào Top các doanh nghiệp xuất khẩu hàng nông sản lớn với các mặt hàng như gạo, hạt tiêu, hạt điều và được Bộ Công Thương công nhận lần thứ bảy đạt Thương hiệu quốc gia, trong đó có sản phẩm gạo, khách hàng đã và đang càng quan tâm đến uy tín của Hapro nhiều hơn” – ông Lê Anh Tuấn chia sẻ.
Như vậy, có thể khẳng định là hàng hóa Việt Nam rất đa dạng và có vị trí, tuy nhiên vẫn còn tập trung nhiều vào một số các mặt hàng chủ đạo. Tuy nhiên, những mặt hàng tưởng chừng như thế mạnh của ta như hàng nông sản, thực phẩm vẫn chưa hiện diện nhiều. Các mặt hàng có thương hiệu cũng còn ít.
Thừa nhận số lượng thương hiệu Việt Nam tại EU còn hết sức khiêm tốn so với tiềm năng, bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ xuất khẩu, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam vào EU mới chỉ chiếm 2% thị phần.
Điều đó có nghĩa là, trong một “chiếc bánh” rất to, hàng hóa của Việt Nam mới chiếm một phần nhỏ bé, còn dư địa rất lớn để các doanh nghiệp Việt Nam khai thác, đẩy mạnh xuất khẩu.
Để hàng Việt chinh phục thị trường bằng thương hiệu Việt
Chia sẻ thông tin về thị trường, bà Đào Thu Trang, Trưởng Bộ phận Tư vấn Chiến lược phát triển thị trường, Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam (GIC/AHK) chỉ ra, người tiêu dùng EU nói chung rất kỹ tính, nhưng họ lại cũng rất trung thành với các sản phẩm có thương hiệu và họ có nhu cầu rất cao tìm hiểu về thông tin các sản phẩm, những yếu tố liên quan từ bao bì, cách đóng gói sản phẩm luôn được đề cao vấn đề về yếu tố môi trường, thân thiện với môi trường.
Hiến kế cho hàng Việt Nam tận dụng tốt hơn EVFTA để thâm nhập vào thị trường EU, bà Đào Thu Trang cho rằng, các cơ quan chức năng nên tổ chức thêm các khoá đào tạo nguồn nhân lực, nghề nghiệp để hỗ trợ doanh nghiệp ở Việt Nam có thể sản xuất và đảm bảo quy trình sản xuất theo đúng những tiêu chuẩn của EU đặt ra.
Nhận thấy các doanh nghiệp Việt Nam đang xuất khẩu hàng hóa ở thế bị động, ông Vũ Anh Sơn khuyến cáo, các doanh nghiệp cần phải làm rõ khái niệm và tập trung xây dựng thương hiệu theo từng ngành hàng cụ thể. Ví dụ như quần áo và giày dép rất khó cạnh tranh bằng thương hiệu Việt Nam, cho nên chỉ hướng đến những ngành có thế mạnh có thể khai thác được như nông nghiệp, thủy sản… mới có sức cạnh tranh ở EU.
Bà Nguyễn Thị Thu Thuỷ cho rằng, khi doanh nghiệp xuất khẩu vào thị trường EU, cần tạo sự gắn kết giữa các doanh nghiệp nhiều hơn để cùng nhau phát triển những thương hiệu cho những nhóm sản phẩm, thay vì cạnh tranh lẫn nhau như như hiện nay.
Để phát triển được thương hiệu tại EU, theo bà Thủy, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải chú trọng nghiên cứu kỹ về thị trường, xem thị trường có nhu cầu như thế nào, có những yêu cầu ra sao, từ đó sản xuất được những sản phẩm thị trường đang cần chứ không phải bán những thứ doanh nghiệp đang có.
Cùng với đó, các doanh nghiệp cần thay đổi tư duy đối với việc kinh doanh tại thị trường EU, phải thấu hiểu văn hóa của thị trường cũng như các tập quán kinh doanh. Sản phẩm ngoài việc hợp nhãn với người tiêu dùng EU cũng cần mang những bản sắc của Việt Nam nhằm giúp định vị thương hiệu của doanh nghiệp tốt hơn ở thị trường này.