Đức dẫn đầu EU về nhập khẩu cá ngừ của Việt Nam
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), sau khi tăng trưởng liên tục trong 3 tháng đầu năm 2022, Đức đã thay thế Hà Lan trở thành thị trường nhập khẩu đơn lẻ lớn thứ 5 và thị trường nhập khẩu cá ngừ lớn nhất của Việt Nam trong khối EU. Trong những tháng đầu năm, trị giá xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang Đức có mức tăng trưởng bình quân so với cùng kỳ năm trước đạt gần 58%.
Theo phân tích của bà Nguyễn Hà, chuyên gia thị trường cá ngừ của VASEP, nếu như năm 2021, Đức là thị trường nhập khẩu cá ngừ lớn thứ 2 của Việt Nam trong khối EU với trị giá đạt 23,4 triệu USD, giảm 5% so với năm 2020, sang năm 2022, tình hình xuất khẩu đã đổi chiều. Trong 3 tháng đầu năm 2022, giá trị xuất khẩu cá ngừ sang thị trường này tăng 59% so với cùng kỳ năm 2021, đạt gần 7 triệu USD.
Trong số các mặt hàng cá ngừ, năm nay xuất khẩu các sản phẩm cá ngừ đóng hộp và thịt, loin cá ngừ đông lạnh của Việt Nam sang thị trường này tăng mạnh, lần lượt là 59% và 136%.
Một trong những nguyên nhân các nhà nhập khẩu Đức tăng nhập khẩu 2 nhóm sản phẩm này là do các hạn ngạch ưu đãi thuế quan theo thoả thuận trong Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và EU được khởi động lại trong những tháng đầu năm 2022 đang tạo động lực thúc đẩy XK cá ngừ của Việt Nam sang thị trường này. Bên cạnh đó, bước sang năm 2022, lượng cá ngừ đóng hộp tồn kho tại thị trường Đức đã giảm xuống mức thấp làm tăng nhu cầu nhập khẩu.
Việt Nam hiện đang là nguồn cung cá ngừ ngoài khối lớn thứ 5 cho thị trường Đức sau Papua New Guinea, Thái Lan, Ecuador và Philippines. Các sản phẩm cá ngừ của Việt Nam hiện chiếm khoảng 7% tổng giá trị nhập khẩu cá ngừ của Đức trong tháng đầu năm 2022. Trong khi Đức tăng nhập khẩu cá ngừ từ Việt Nam, nhập khẩu cá ngừ từ Thái Lan và Philippines giảm. Điều này cho thấy các lợi thế về thuế quan đang tạo sức hút cho các sản phẩm cá ngừ của Việt Nam.
Hiện có tất cả 18 công ty của Việt Nam tham gia xuất khẩu cá ngừ sang thị trường Đức. Trong đó, 3 công ty XK lớn nhất, gồm: Bidifisco, FoodTech và KTCFood với tỷ trọng lần lượt là 34%, 22% và 19%.