Dư địa cho doanh nghiệp tăng xuất khẩu nông sản sang Mỹ
Tiềm năng lớn của nông sản Việt Nam: Xuất khẩu dừa và các sản phẩm từ dừa Đưa nông sản Việt lên sàn thương mại điện tử |
Các doanh nghiệp có thể đẩy mạnh xuất khẩu những mặt hàng chế biến sẵn bằng công nghệ hiện đại.
Vị thế mới của nông sản Việt tại Mỹ
Năm 2022, ngành nông nghiệp đã lập kỷ lục khi mang về kim ngạch xuất khẩu 53,2 tỷ USD, trong đó, các nhà nhập khẩu Mỹ đã mua từ Việt Nam gần 14 tỷ USD nông, thủy sản các loại, chiếm 25% trong tổng giá trị xuất khẩu nông sản của Việt Nam
Với kim ngạch này, Mỹ đã trở thành thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam, vượt qua cả Trung Quốc.
Hợp tác nông nghiệp Việt - Mỹ đã có bước tiến vượt bậc kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1995. Việt Nam từ chỗ đứng thứ 95 trong các đối tác của Mỹ, nay đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ 8 của Mỹ, với kim ngạch thương mại song phương năm 2022 gần 123 tỷ USD. Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, vượt 100 tỷ USD vào cuối năm ngoái.
Các chuyên gia cho biết, nhu cầu thưởng thức những loại nông sản, trái cây chất lượng cao từ vùng nhiệt đới của người Mỹ đang tăng lên, người tiêu dùng Mỹ ngày càng ưa thích các loại trái cây đặc sản Việt Nam như trái vải tươi, thanh long, xoài. Gần đây nhất, trái bưởi đã được Mỹ cho phép nhập khẩu chính thức, đưa Việt Nam có 7 loại quả tươi được xuất đi Mỹ.
Trong số các nhóm mặt hàng nông, lâm, thủy sản, Mỹ đang mua nhiều nhất hạt điều, thủy sản, gỗ, trái cây của Việt Nam. Từ năm 2020, Mỹ đã trở thành bạn hàng lớn nhất trong thương mại nông, lâm, thủy sản với Việt Nam. Ngay cả trong giai đoạn Covid-19, suy thoái kinh tế, đứt gãy chuỗi cung ứng, nhưng cả xuất khẩu và nhập khẩu nông, lâm, thủy sản giữa Việt Nam và Mỹ đều tăng ở mức 2 con số. |
Báo cáo thị trường nông sản của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho thấy, nhập khẩu nông sản của Mỹ năm 2023 được dự báo ở mức 199 tỷ USD, cao hơn 5 tỷ USD so với mức thực hiện của năm ngoái. Đây là cơ hội cho các nhà xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam tăng tốc xuất khẩu vào thị trường này.
Tại buổi tiếp đoàn doanh nghiệp của Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN (USABC) đến tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho hay, trong lĩnh vực nông nghiệp, Việt Nam tiếp tục nghiên cứu, ban hành các chính sách khuyến khích cụ thể, dài hạn, tạo sức hấp dẫn bằng các cơ chế, chính sách thiết thực, quy định pháp lý rõ ràng, đồng thời đề nghị các doanh nghiệp Mỹ quan tâm đầu tư trong lĩnh vực này.
Thủ tướng đề nghị, doanh nghiệp Mỹ tăng hỗ trợ doanh nghiệp, người dân Việt Nam trong việc kết nối cơ sở sản xuất với thị trường tiêu thụ, hai bên đàm phán để tiếp tục mở rộng thị trường cho trái cây, cá da trơn, tôm… của Việt Nam.
Ông Jason Hafemeiser, quyền Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Mỹ trước đó đã nhiều lần khẳng định, Mỹ luôn coi Việt Nam là một trong những đối tác hàng đầu về nông nghiệp. Nông nghiệp hai nước có tính bổ trợ cho nhau để cùng phát triển, theo đó, việc mở cửa cho trái cây của Việt Nam đang được thúc đẩy tích cực.
Giá xuất khẩu cần cạnh tranh hơn
Chi phí sản xuất của ngành nông nghiệp Việt Nam ngày càng tăng cao do áp lực của giá xăng dầu và chuỗi cung ứng, đặc biệt là việc đầu tư quy trình sản xuất xanh, giảm phát thải theo yêu cầu từ các nhà mua hàng tại Mỹ, EU cũng đặt các doanh nghiệp Việt vào tình thế phải chuyển đổi để theo kịp.
Chưa kể, với khoảng cách địa lý xa xôi, chi phí vận chuyển cao, nên nông sản Việt xuất đi Mỹ đang loay hoay tìm cách hạ tối đa giá thành sản xuất để cạnh tranh.
Trước sức ép về giá, các doanh nghiệp Mỹ khuyến cáo, Việt Nam cần tăng đầu tư cho công nghệ bảo quản để trái cây tươi có thể đi đường biển sang Mỹ, tận dụng các FTA để có ưu đãi thuế quan tốt nhất, giúp hàng hóa cạnh tranh hơn.
Ngoài trái cây tươi, các doanh nghiệp Việt Nam có thể đẩy mạnh các mặt hàng chế biến sẵn bằng công nghệ hiện đại. Tin vui là năm ngoái, lần đầu tiên, xuất khẩu rau quả chế biến vượt 1 tỷ USD.
Về dài hạn, phải triển khai các giải pháp phát triển mô hình “nông nghiệp thông minh”, với việc áp dụng công nghệ vào nông nghiệp, nâng cao năng suất, giảm thiểu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.
Với kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sang Mỹ lên đến gần 14 tỷ USD trong năm 2022, cho thấy Mỹ là thị trường tiềm năng để nông sản Việt tăng tốc xuất khẩu trong nhiều năm tới, song hành với đó là các hoạt động đàm phán để mở cửa thị trường cho một số loại trái cây chất lượng cao của Việt Nam vẫn đang tiếp tục.
Dù vậy, trước chính sách bảo hộ của các nước ngày một tăng, các nhà xuất khẩu Việt Nam cần lưu ý những vụ việc điều tra chống bán phá giá, lưu trữ hồ sơ hàng hóa xuất khẩu. Thị trường Mỹ ngày càng quan tâm nhiều đến các vấn đề an toàn cho người tiêu dùng, phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu và đó sẽ là tiền đề để dựng lên những tiêu chuẩn mới, quy định mới liên quan đến chuỗi cung ứng, nguyên liệu sạch.