Đồng USD giảm mạnh giúp nhóm kim loại được hưởng lợi
Lo ngại FED duy trì lãi suất cao lâu hơn gây áp lực lên nhóm kim loại Đồng USD suy yếu hỗ trợ nhóm kim loại tăng mạnh Dòng tiền chảy vào thị trường kim loại nhờ đồng USD suy yếu |
Đối với nhóm kim loại quý, giá ba mặt hàng nối dài đà tăng sang phiên thứ hai liên tiếp. Trong đó, giá bạc dẫn dắt đà tăng của nhóm khi tăng 1,92% lên 23,28 USD/ounce. Giá bạch kim đóng cửa tại mức 944,3 USD/ounce sau khi tăng 1,47%. Giá vàng có mức tăng khiêm tốn hơn, chỉ tăng 0,34%, chốt phiên tại 1.992,27 USD/ounce.
Ảnh minh họa |
Đối với nhóm kim loại cơ bản, giá đồng COMEX tăng hai phiên liên tiếp, đóng cửa tại mức 3,68 USD/pound sau khi tăng 0,25%. Giá quặng sắt nối dài đà tăng sang phiên thứ ba liên tiếp, chốt phiên tại mức 124,39 USD/tấn nhờ tăng 0,32%.
Yếu tố chính thúc đẩy dòng tiền chảy mạnh vào thị trường kim loại là do sự suy yếu của đồng USD. Chỉ số Dollar Index giảm mạnh trong phiên hôm qua sau khi Mỹ công bố số liệu việc làm củng cố cho kỳ vọng FED đã hoàn tất việc tăng lãi suất.
Cụ thể, theo báo cáo bảng lương phi nông nghiệp do Bộ Lao động Mỹ công bố hôm qua, Mỹ đã có thêm 150.000 việc làm ngoài ngành nông nghiệp trong tháng 10, thấp hơn 30.000 so với dự báo và giảm mạnh từ mức 297.000 bị điều chỉnh giảm của tháng 9, cho thấy thị trường lao động Mỹ đang hạ nhiệt.
Đáng chú ý, tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ tăng lên 3,9% vào tháng 10, mức cao nhất kể từ tháng 1/2022. Hơn nữa, tốc độ tăng trưởng tiền lương đạt mức 4,1% trong tháng 10, đây là mức thấp nhất kể từ tháng 6/2021, cho thấy lạm phát tiền lương hạ nhiệt.
Những số liệu này thúc đẩy kỳ vọng FED không cần tăng thêm lãi suất, ít nhất là trong năm nay. Theo công cụ CME FedWatch, số nhà đầu tư đặt cược FED ngừng tăng lãi suất trong cuộc họp tháng 12 đã tăng lên 95%, tăng từ mức 80% trước khi dữ liệu được công bố.
Tạo thêm áp lực với đồng USD, lĩnh vực dịch vụ của Mỹ đã chậm lại tháng thứ hai liên tiếp trong tháng 10. PMI phi sản xuất của nước này giảm xuống mức thấp nhất trong 5 tháng là 51,8 điểm, thấp hơn 1,2 điểm so với dự báo.
Theo đó, những số liệu này đã tạo sức ép bán mạnh mẽ đối với đồng USD. Kết phiên, chỉ số Dollar Index giảm 1,04% xuống 105,02 điểm, mức thấp nhất trong gần 2 tháng. Ngoài ra, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm xuống mức thấp nhất kể từ đầu tháng 9.
Do vậy, việc đồng USD suy yếu và lợi suất trái phiếu giảm mạnh đã thúc đẩy dòng tiền tiếp tục chảy vào thị trường kim loại, hỗ trợ cho giá các mặt hàng duy trì được đà tăng.