Doanh nghiệp thiếu lạc quan về triển vọng kinh tế vĩ mô năm 2023
Tập trung các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô Chính phủ đưa giải pháp giữ vững kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát |
Hơn 92% doanh nghiệp không lạc quan về kinh tế vĩ mô
Kết quả khảo sát của Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân thuộc Hội đồng tư vấn cải cách Thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ vừa thực hiện với 9.556 doanh nghiệp tại nhiều địa phương, nhiều loại hình, ngành nghề kinh doanh và quy mô vốn vừa được công bố mới đây cho thấy, một bức tranh thiếu lạc quan qua đánh giá của doanh nghiệp.
92,1% doanh nghiệp đánh giá tình hình kinh tế vĩ mô hiện nay tiêu cực hoặc rất tiêu cực so với cùng kỳ năm 2022 |
Cụ thể, về tình hình kinh tế vĩ mô, xét theo tỷ lệ có đến 92,1% doanh nghiệp đánh giá tình hình kinh tế vĩ mô hiện nay tiêu cực hoặc rất tiêu cực so với cùng kỳ năm 2022, trong đó có 44% đánh giá là rất tiêu cực. Trong khi chỉ có 5,5% doanh nghiệp đánh giá bình thường; 1,8% doanh nghiệp đánh giá tích cực và 0,7% doanh nghiệp cho rằng tình hình kinh tế vĩ mô rất tích cực so với năm 2022.
Đặc biệt, khảo sát cũng cho thấy, không có nhiều sự khác biệt trong đánh giá về tình hình kinh tế vĩ mô giữa các doanh nghiệp, các ngành khi mà tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá tình hình tiêu cực, rất tiêu cực ở các ngành đều chiếm trên 90%, trong đó doanh nghiệp ngành xây dựng đánh giá tiêu cực nhất với 94,1%.
Khảo sát cũng cho thấy, các doanh nghiệp doanh thu nhỏ có xu hướng bi quan hơn về tình hình kinh tế vĩ mô so với các doanh nghiệp có quy mô doanh thu lớn hơn. Nhất là các doanh nghiệp có doanh thu dưới 100 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ lớn trong khảo sát cũng như trong nền kinh tế, những khó khăn của doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa cần được quan tâm và có các ưu đãi từ chính sách.
Liên quan đến kinh tế ngành, khảo sát đưa ra câu hỏi “Tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành nghề hiện nay so với năm 2022”, với các mức độ đánh giá từ rất tiêu cực đến rất tích cực. Kết quả vẫn là sự đánh giá bi quan về tình hình kinh tế ngành của các doanh nghiệp tham gia khảo sát.
Cụ thể, về tỷ lệ, có đến 90,1% các doanh nghiệp đánh giá tình hình kinh tế ngành hiện nay rất tiêu cực và tiêu cực so với cùng kỳ năm 2022, trong đó 39,9% đánh giá rất tiêu cực và 50,2% đánh giá tiêu cực. Chỉ có 7,2% doanh nghiệp đánh giá bình thường; 2% đánh giá tích cực và 0,7% đánh giá rất tích cực.
Kết quả này cũng khá tương đồng với thực tế tăng trưởng của các ngành kinh tế trong quý I/2023 khi tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2023 ước tính tăng 3,32% so với cùng kỳ năm trước, chỉ cao hơn tốc độ tăng 3,21% của quý I/2020 trong giai đoạn 2011-2023. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,52%; khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 0,4%; khu vực dịch vụ tăng 6,79%.
Để tăng trưởng kinh tế cả năm đạt 6,5%, kịch bản tăng trưởng quý III và IV/2023 cần phải điều chỉnh và đạt mức tăng khoảng 7,5% |
Doanh nghiệp mong được giảm chi phí, tiếp cận vốn, thị trường
Về triển vọng kinh tế các tháng còn lại của năm 2023 được đánh giá qua ý kiến của doanh nghiệp, cộng đồng doanh nghiệp cho rằng, khả năng tiếp cận thị trường vốn, triển vọng thị trường cho sản phẩm kinh doanh, dự kiến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp… nhìn chung vẫn mang nhiều điểm tiêu cực. Trong bức tranh tiêu cực đó, doanh nghiệp ngành xây dựng; doanh nghiệp quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa, doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước; doanh nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh thể hiện mức độ tiêu cực hơn. Do đó, việc xây dựng và thực thi chính sách các tháng còn lại trong năm 2023 cần có sự chú ý đến những doanh nghiệp thuộc các nhóm ngành kể trên.
Cụ thể, có tới 81,4% doanh nghiệp được khảo sát vẫn đánh giá tiêu cực, rất tiêu cực về triển vọng kinh tế Việt Nam trong các tháng còn lại của năm 2023, trong đó lựa chọn rất tiêu cực chiếm 23,0%; tiêu cực chiếm 58,4%. Trong khi các đánh giá tích cực và tích cực chỉ chiếm 4,2% doanh nghiệp được khảo sát.
Điều đáng chú ý tại cuộc khảo sát là, trong các đầu tàu kinh tế, chỉ có doanh nghiệp đăng ký kinh doanh tại Hải Phòng có mức điểm đánh giá triển vọng cao hơn hẳn trong mức trung bình vốn rất thấp của cả nước. Các doanh nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh có điểm trung bình thấp nhất trong các tỉnh, thành lớn được phân tích và thấp hơn khá nhiều so với mức trung bình chung của cả nước.
Với thực tế này tại các đầu tàu kinh tế cho thấy, mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2023 đạt 6,5% theo yêu cầu Quốc hội đề ra có thể gặp nhiều thách thức, điều này cũng tương đồng với ý kiến phân tích của nhiều chuyên gia kinh tế. Thậm chí trong các kịch bản của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đưa ra cũng thừa nhận, để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% trong năm 2023 không dễ dàng.
Cụ thể, với mức tăng trưởng GDP quý I/2023 chỉ ước đạt 3,32%, không đạt mức tăng đề ra, ông Lê Trung Hiếu – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng: Để tăng trưởng kinh tế cả năm đạt 6,5%, tạm thời kịch bản tăng trưởng GDP quý II/2023 vẫn giữ nguyên ở mức 6,7%. Tuy nhiên, kịch bản tăng trưởng quý III và IV/2023 cần phải điều chỉnh và đạt mức tăng khoảng 7,5%. Đây là mức tăng khá cao, trong bối cảnh các khó khăn, thách thức của nền kinh tế vẫn còn tồn tại; những biến động từ kinh tế thế giới còn tiếp tục ảnh hưởng đến Việt Nam.
Từ những phân tích trên, để cải thiện tốc độ tăng trưởng GDP trong những quý tiếp theo, nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,5% như yêu cầu Quốc hội đề ra, đại diện Tổng cục Thống kê cho rằng, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương cần hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tháo gỡ khó khăn về thủ tục hành chính để mở rộng sản xuất. Hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tuyển dụng và đào tạo nghề cho lao động theo đúng yêu cầu của doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất. Kết nối các ngân hàng, tổ chức tín dụng và doanh nghiệp nhằm hỗ trợ, giải quyết khó khăn về vốn của doanh nghiệp trong quá trình phục hồi và khởi nghiệp…
Cộng đồng doanh nghiệp kiến nghị tập trung vào một số vấn đề giảm chi phí và nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp; tiếp cận vốn vay; tiếp cận thị trường và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. |