Doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm tới công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam
Hợp tác công nghiệp hỗ trợ Việt Nam- Nhật Bản: Khắc phục những điểm yếu | |
Thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ Việt Nam qua 2 triển lãm trực tuyến |
Nêu hiện trạng phát triển của ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, bà Trương Thị Chí Bình – Tổng Thư ký Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI), cho biết: Việt Nam hiện có 6 ngành được ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ, trong đó có ngành điện, điện tử và cơ khí.
Với ngành công nghiệp cơ khí, điển hình là công nghiệp sản xuất xe máy, sản lượng tuy có giảm trong năm vừa qua, đạt 2,5 triệu xe/năm. Dù vậy, đây vẫn là ngành có sản lượng tốt nhất, tỷ lệ nội địa hoá cũng như sự tham gia của doanh nghiệp Việt Nam đã ở tất cả các lớp cung ứng, các lớp sản phẩm như điện, điện tử, cao su, nhựa.
Ngành công nghiệp sản xuất ô tô có sản lượng thấp hơn rất nhiều so với công nghiệp sản xuất xe máy. Đây cũng chính là lý do khiến ngành công nghiệp ô tô có tỷ lệ nội địa thấp và ít có sự tham gia của doanh nghiệp Việt Nam. Doanh nghiệp Việt Nam cũng chỉ có thể cung cấp linh kiện nhựa cho các hãng ô tô, nguyên do đây là loại linh kiện cồng kềnh, chi phí logistics lớn buộc phải nội địa hoá.
Ngành công nghiệp điện tử có sản lượng lớn, riêng điện thoại di dộng chiếm gần 20% tỷ trọng xuất khẩu của các ngành hàng, tuy vậy phần tham gia của doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu vẫn là nhựa và cao su. Linh kiện điện tử phần lớn được cung cấp bởi các doanh nghiệp FDI.
“Doanh nghiệp Việt Nam hiện mới chỉ sản xuất được linh kiện đơn chiếc, chứ chưa sản xuất được cụm linh kiện, do vậy rất cần sự hợp tác của doanh nghiệp Nhật Bản cùng phát triển lĩnh vực đang rất được ưu tiên này”, bà Bình nói.
Doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm tới công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam |
Tại sự kiện, nhiều doanh nghiệp Nhật Bản bày tỏ sự quan tâm tới ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam, trong đó có luồng dịch chuyển nhà máy sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam.
Thảo luận với doanh nghiệp, bà Bình cho hay: Trong 5 năm trở lại đây luồng dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam rất rõ ràng. Điều này không chỉ thể hiện ở số lượng doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ FDI tại Việt Nam tăng lên còn thể hiện ở tình trạng thiếu lao động của doanh nghiệp Việt Nam do bị thu hút bởi các doanh nghiệp mới.
Dù rất nóng lòng muốn nâng chất và lượng doanh nghiệp sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam, tuy nhiên VASI đặt mục tiêu rất giản dị: Mỗi năm hỗ trợ 10 doanh nghiệp lấy được chứng chỉ và có được khách hàng trong ngành ô tô; có 1-2 doanh nghiệp Việt Nam trở thành nhà cung cấp sản phẩm cho các hãng ô tô; có 1-2 doanh nghiệp có được đơn hàng từ các hội chợ chuyên ngành công nghiệp hỗ trợ tổ chức tại Nhật Bản.
Với mối quan tâm của doanh nghiệp Nhật Bản về linh kiện ô tô điện, bà Bình thẳng thắn: Việt Nam không có lợi thế gì về sản xuất linh kiện cho ô tô chạy động cơ (chạy xăng) nhưng đây lại là lợi điểm bởi có thể chuyển sang sản xuất linh kiện cho ô tô điện một cách nhanh chóng. Quan trọng nhất, sản lượng ô tô điện phải đủ lớn, đủ sức hấp dẫn cho doanh nghiệp đầu tư mới.
Nhật Bản là một trong những quốc gia xuất khẩu nhiều thiết bị điện tử, máy móc phụ tùng sang Việt Nam. Các cơ quan Chính phủ hai nước cũng tích cực bắt tay giúp doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực sản xuất để tham gia vào chuỗi cung ứng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của Nhật Bản. Trong đó, Bộ Công Thương hợp tác với đối tác Nhật Bản tổ chức đào tạo nhân lực, kết nối giao thương cho doanh nghiệp hai nước.
Tuy vậy, ông Akutsu Michio- Chuyên gia Hiệp hội cố vấn thương mại Nhật Bản cho rằng: Doanh nghiệp Việt Nam cần khắc phục một số điểm yếu, như: Thiếu nhân lực, nhất là nhân lực trình độ kỹ thuật cao; nâng cao năng lực tiếp cận tài chính bằng cách mở rộng cơ chế cấp vốn của hệ thống công; nâng cao năng lực tiếp cận nguồn cung nguyên vật liệu có giá thành cạnh tranh; phát triển kênh bán hàng nội địa và thị trường nước ngoài.
Riêng với vấn đề tiếp cận nguồn cung nguyên phụ liệu, ông Akutsu Michio đề xuất giải pháp sử dụng công ty thương mại để chuyên môn hoá. Ông giải thích: Những doanh nghiệp này có thể cung cấp nguyên liệu với giá cạnh tranh, hỗ trợ thực hiện thủ tục hải quan, đề xuất phương thức sản xuất mới, cơ giới hoá và tự động hoá cho doanh nghiệp sản xuất lắp ráp.
“Nếu có sự cố xảy ra họ phối hợp nhà cung cấp và nhà máy lắp ráp để đề xuất giải pháp. Hơn nữa, họ có thể cung cấp thông tin không công khai trên Internet như đầu tư vốn, chương trình phát triển sản phẩm mới ”, ông Akutsu nhấn mạnh.