Doanh nghiệp làm gì để ứng phó với tăng giá nguyên, nhiên liệu?
Anh Nguyễn Văn Khánh, đại diện một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vận tải có trụ sở tại tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, vì là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vận tải, nên xăng dầu chiếm khoảng 30% chi phí của doanh nghiệp, do vậy giá xăng dầu tăng lên nhanh chóng thời gian qua, kéo theo nhiều mặt hàng khác tăng giá theo, thậm chí người lao động cũng đòi tăng lương do giá xăng tăng, cộng với lương tối thiểu vùng được điều chỉnh tăng, đã khiến doanh nghiệp phải gia tăng chi phí, điều này ảnh hưởng đến tiến độ phục hồi của doanh nghiệp trong bối cảnh vừa chịu tác động nặng nề của dịch Covid-19 hơn 2 năm liền.
Nhiều doanh nghiệp chủ động ứng phó với giá nguyên, nhiên liệu tăng |
Cũng chịu ảnh hưởng của tăng giá xăng dầu kéo theo tăng giá nguyên vật liệu, bà Bùi Thị Thanh Xuân –Giám đốc Công ty Cổ phần Basca Việt Nam – một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cung cấp vật liệu xây dựng chia sẻ: Giá xăng dầu tăng mạnh kéo theo giá nhiều mặt hàng nguyên vật liệu liên tục tăng, trong khi đó, giá bán cho khách hàng thì đã ký từ trước đó, nên có điều chỉnh tăng cũng phải hạn chế trong khoảng 5%.
Để ứng phó với vấn đề tăng giá nguyên vật liệu, anh Nguyễn Văn Khánh cho biết, doanh nghiệp đang chủ động tiết giảm những chi phí, bao gồm cả việc cắt giảm cả nhân lực ở những vị trí không cần thiết để tiết giảm chi phí đầu vào, giúp doanh nghiệp ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Còn theo bà Bùi Thị Thanh Xuân, không phải thời điểm này, mà 2 năm nay giá nguyên, vật liệu luôn có sự biến động, làm tăng chi phí của doanh nghiệp. Nên việc ứng phó với giá nguyên liệu tăng đã trở thành tiềm thức của Basca trong việc duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh. Theo đó, bên cạnh tiết giảm chi phí sản xuất không cần thiết, doanh nghiệp đã chủ động đầu tư dây chuyền, công nghệ để sản xuất một số sản phẩm sử dụng nguồn nguyên liệu tại chỗ trong nước để giúp hàng hóa được bình ổn.
Theo dự báo của nhiều chuyên gia kinh tế, giá xăng dầu có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới, cộng với căng thẳng giữa Nga và Ukraine sẽ kéo theo giá nhiều loại nguyên, nhiên liệu như sắt thép, phân bón sẽ gia tăng. Để khắc phục tình trạng tăng giá nguyên liệu, theo bà Nguyễn Thị Hương – Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), thời gian tới, bên cạnh sự chủ động ứng phó của doanh nghiệp, các cơ quan chức năng cần có những giải pháp kịp thời và linh hoạt, nhằm theo sát và thích ứng ngay với những diễn biến phức tạp, khó lường của nền kinh tế.
Giá xăng dầu tăng khiến chi phí của doanh nghiệp gia tăng |
“Trong đó, cần có những chính sách đảm bảo an ninh, an toàn năng lượng, vì năng lượng là yếu tố đầu vào rất quan trọng cho sản xuất, lưu thông hàng hóa. Vì vậy, Chính phủ và Bộ Công Thương cần có những biện pháp, chính sách đảm bảo nguồn cung năng lượng, phục vụ cho sản xuất và lưu thông, trong đó chú trọng và sử dụng tối đa năng lượng tái tạo, có chính sách điều tiết hợp lý trong từng giai đoạn cụ thể” – bà Nguyễn Thị Hương thông tin.
Bên cạnh vấn đề tăng giá nguyên vật liệu, theo chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh – giảng viên cao cấp Học viện Tài chính, các doanh nghiệp hiện còn phải đối mặt với việc khan hiếm nguồn nguyên liệu cung ứng để phục vụ cho sản xuất, kinh doanh, do ảnh hưởng nguồn cung từ xung đột giữa Nga và Ukraine. Trong khi đó, tăng trưởng kinh tế thế giới được dự báo chậm lại và lạm phát tại nhiều quốc gia trên thế giới tăng mạnh, điều đó sẽ tạo ra sức ép tăng giá đối với các mặt hàng trong nước, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của danh nghiệp và nền kinh tế.
Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và nền kinh tế, ông Đinh Trọng Thịnh cho rằng, Chính phủ và các bộ, ngành, trong đó đặc biệt là Bộ Công Thương cần thông qua những hệ thống thương vụ, đại sứ quán ở nước ngoài hỗ trợ doanh nghiệp trong chủ động nguồn cung nguyên, vật liệu. Đồng thời, rà soát chính sách, xem xét giảm chi phí vận chuyển, chi phi logistics, chi phí liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu cho doanh nghiệp.
Về phía Bộ Công Thương, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng, cần hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng tốt hơn cơ hội từ các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết, giúp doanh nghiệp nắm bắt được cơ hội, đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường định hướng để nâng cao hiệu quả hoạt động và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.
Để ứng phó với giá xăng dầu tăng mạnh, thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, đặc biệt Bộ Tài chính, tiếp tục rà soát, đề xuất các phương án trong phạm vi có thể để giảm các loại thuế có liên quan đến cơ cấu giá xăng dầu. Theo đó, có thể đề xuất các chính sách an sinh để hỗ trợ người dân, đặc biệt các đối tượng hộ nghèo, hộ chính sách… và các giải pháp hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp khi hoạt động sản xuất, kinh doanh đang bị ảnh hưởng rất lớn bởi biến động giá xăng dầu… |