“Điệp khúc” giải cứu nông sản: Lỗi do vỡ quy hoạch?
| |
Ông Nguyễn Hồng Sơn - Cục trưởng Cục Trồng trọt |
Thời gian qua trên thị trường liên tục diễn ra các cuộc giải cứu nông sản, ông có thể cho biết nguyên nhân?
Phải khẳng định tốc độ và năng lực sản xuất phát triển nhanh hơn so với nhu cầu của thị trường đã dẫn đến tình trạng thừa cung. Đây cũng thể hiện nỗ lực của người dân chúng ta. Có những mặt hàng trước đây không phải là truyền thống nhưng khi thị trường cần thì chúng ta có và thậm chí là thừa như hồ tiêu. Đây là tín hiệu tốt.
Tuy nhiên, chúng ta chưa cân đối kịp sản xuất với thị trường, trước hết do không dễ gì xâm nhập thị trường quốc tế. Thứ hai, muốn không vênh cung và cầu thì trước đây cần sản xuất theo kế hoạch và bây giờ cần có hợp đồng liên kết và tiêu thụ. Nhưng thực tế ở nước ta, số lượng hợp đồng liên kết rất thấp do doanh nghiệp (DN) chưa dám đầu tư sâu, vẫn còn sự bẻ kèo giữa nông dân và DN và ngược lại, thiếu hành lang pháp lý trong liên kết do có quá nhiều hộ nông dân tham gia trong liên kết…. Điều này dẫn đến tình trạng nông dân vẫn sản xuất theo kiểu “chợ chiều”, thích là sản xuất, thấy người hàng xóm sản xuất là sản xuất, chứ không phải sản xuất theo tín hiệu thị trường.
Bên cạnh đó, thị trường nông sản Việt Nam phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc, đây cũng là thị trường phù hợp (dễ tính) đối với nông sản Việt, tuy nhiên chúng ta chưa khơi thông được xuất khẩu chính ngạch, chủ yếu là biên mậu gây bất lợi cho nông sản Việt.
Nhiều ý kiến cho rằng, phá vỡ quy hoạch, không theo tín hiệu thị trường là nguyên nhân khiến nông sản rớt giá, ông đánh giá như thế nào về ý kiến này?
Tôi cho rằng, không phải tất cả các cây trồng khi xảy ra tình trạng thừa cung đều là do nguyên nhân vỡ quy hoạch. Cái gì cũng vỡ quy hoạch thì đất ở đâu ra, quỹ đất là có hạn và đã phân bố hết cho từng loại cây trồng.
Về lâu dài, quy hoạch cũng chỉ mang tính định hướng, không thể có một quy hoạch cứng hoàn toàn được. Mặt khác, khi có tín hiệu thị trường tốt thì phải để cho dân sản xuất, không thể áp quy hoạch cứng nhắc vào đấy. Điều quan trọng là cần có hợp đồng kinh tế vững chắc giữa ta với các bạn đối tác nước ngoài, giữa nông dân với DN để tìm ra được tín hiệu thị trường và tiêu thụ ổn định cho dân.
Thực tế hiện nay đã có quy hoạch cây, con chủ lực nhưng nông dân vẫn phá vỡ quy hoạch, về phía cơ quan nhà nước có cơ chế gì để xử lý vấn đề này?
Người nông dân phá quy hoạch là do họ cũng đang mông lung, không biết được nên trồng gì, chủ yếu là bắt chước lẫn nhau. Thứ hai, thông tin thực hiện quy hoạch còn chậm dẫn đến tình trạng không biết địa phương nào đã thực hiện quy hoạch gì, địa phương nào cũng nghĩ mình đang nằm trong quy hoạch.
Hiện nay, chúng ta cũng không có cơ sở để thực hiện các mệnh lệnh hành chính xử lý vấn đề vỡ quy hoạch. Tôi cho rằng, chỉ khi nào chính sách bảo hiểm ra đời và thực hiện ký kết bảo hiểm, những người nào không thực hiện quy hoạch sẽ không được thực hiện chế độ bảo hiểm, khi rủi ro thị trường thì nông dân phải chịu, khi đó người dân mới có thể nhận thức một cách đầy đủ ý nghĩa của việc quy hoạch.
Mặt khác, hiện nay, chưa có sự phân biệt giữa dự án trong quy hoạch và ngoài quy hoạch. Do đó, Nhà nước cần nghĩ đến các chính sách ưu tiên khuyến khích như đầu tư cơ sở hạ tầng, điện nước, giao thông… theo hướng vùng nào có quy hoạch cây trồng nào thì cần đầu tư cơ sở hạ tầng điện nước, kho bãi, chế biến theo cây trồng đó, khi nông dân trồng sai quy hoạch thì phải chịu thiết chế hạ tầng không phù hợp.
Bộ NN&PTNT có giải pháp gì để quy hoạch lại vùng trồng, thưa ông?
Về phía Bộ NN&PTNT, từ bài học này, các cơ quan cũng phải rút kinh nghiệm trong việc nhanh chóng điều chỉnh các quy hoạch một cách linh hoạt, đề xuất với Nhà nước không cứng nhắc trong việc thực hiện quy hoạch. Khi tín hiệu thị trường tốt, chúng ta nhanh chóng có biện pháp tuyên truyền xuống địa phương để địa phương biết và điều chỉnh quy hoạch. Thứ hai là các thông tin thị trường để địa phương xác định tăng hoặc giảm quy mô sản xuất, hướng dẫn nông dân cho phù hợp.
Thứ ba, Bộ NN&PTNT xác định cần phải xây dựng thành công ba trục sản phẩm để tạo đột phá cho ngành này. Cụ thể, nhóm thứ nhất là sản phẩm chủ lực quốc gia gồm những sản phẩm có kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên.
Ở nhóm sản phẩm này, bộ sẽ phải rà soát lại từ việc quy hoạch, thể chế, cơ chế, chính sách cho đến xác định những doanh nghiệp hạt nhân để từ đó xây dựng vùng nguyên liệu, đẩy nhanh hơn ứng dụng khoa học công nghệ, làm sao để tập trung phát triển 10 mặt hàng có giá trị quốc gia lớn với mục tiêu không chỉ tăng trưởng nhanh mà còn tạo ra điều kiện bền vững.
Ở nhóm sản phẩm cấp tỉnh, bộ sẽ cùng với các tỉnh phối hợp xây dựng những vùng nguyên liệu, xác định những đối tượng lợi thế của từng tỉnh, từ đó tập trung nhóm giải pháp tổng thể vào để đưa những mặt hàng này thành mặt hàng chủ lực của địa phương, làm sao tham gia vào chuỗi sản xuất sâu và góp phần cùng với những mặt hàng quốc gia làm tăng thêm khối lượng xuất khẩu. Sản phẩm chủ lực cấp tỉnh như vải thiều Bắc Giang, nhãn lồng Hưng Yên, na dai Lạng Sơn, xoài Cao Lãnh (Đồng Tháp)… tới đây sẽ được xây dựng theo hướng mỗi địa phương có 1-2 sản phẩm.
Cuối cùng, ở nhóm sản phẩm vùng/miền, gồm những đặc sản nhưng có quy mô nhỏ, sẽ được xây dựng và phát triển gắn với xây dựng nông thôn mới ở xã theo mô hình “mỗi làng, xã một sản phẩm”.
Hiện bộ đã chỉ đạo Cục Trồng trọt xác định các sản phẩm chủ lực quốc gia, đâu là sản phẩm quốc gia, lý do vì sao lựa chọn và được quy hoạch trồng ở những địa phương nào, vùng nào để từ đó Nhà nước có chính sách hỗ trợ. Việc này không khác nhiều so với quy hoạch trước đây, nhưng là căn cứ để địa phương xác định lại là sản phẩm đó trồng ra để phục vụ xuất khẩu thì tín hiệu phải bám theo thị trường xuất khẩu…, giúp tránh tình trạng các địa phương cùng đổ xô trồng cây như nhau.
Xin cảm ơn ông!