Điểm sáng từ các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực
Dệt may đạt kỷ lục đầu năm mới |
Dồn dập tin vui
Ngay trong những ngày đầu năm 2018, hàng loạt mặt hàng XK chủ lực của nước ta đã đạt thành tích XK đáng ghi nhận. Đáng chú ý, các mặt hàng này trải đều trong tất cả các nhóm hàng chứ không chỉ tập trung vào nhóm hàng điện tử như những năm trước đây.
Mặc dù là một trong những mặt hàng XK chủ lực của nước ta nhưng thành tích của mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện trong những ngày đầu tiên của năm 2018 vẫn gây ra không ít bất ngờ. Theo Tổng cục Hải quan, ngay trong 15 ngày đầu tháng 1, kim ngạch XK mặt hàng điện thoại và linh kiện đã đạt đến 2,11 tỷ USD, là mặt hàng cán mốc tỷ USD đầu tiên trong nhóm các mặt hàng XK chủ lực. Thành tích này được tiếp tục duy trì đến nửa đầu tháng 2 khi kim ngạch XK điện thoại và linh kiện không ngừng gia tăng, đạt con số 5,742 tỷ USD, tăng gần 64,6% so với cùng kỳ 2017. Trong tổng kim ngạch XK của cả nước là 29,395 tỷ USD, tính đến giữa tháng 2/2018, điện thoại và linh kiện hiện giữ vững vị trí là mặt hàng XK có kim ngạch lớn nhất, chiếm đến gần 20%.
Gây bất ngờ khi vượt qua nhiều khó khăn để "cán đích" ở con số kim ngạch 8,3 tỷ USD, thủy sản được coi là một trong những mặt hàng "ngược dòng" XK thành công trong năm 2017. Thành tích này tiếp tục được "nối dài" trong năm 2018 khi lô hàng thủy sản XK đầu tiên giúp thu về một lượng ngoại tệ không nhỏ. Cụ thể, theo Hiệp hội Chế biến và XK thủy sản Việt Nam (VASEP), lô hàng thủy sản XK đầu năm 2018 khởi động từ cảng Cát Lái (TP. Hồ Chí Minh) đi các thị trường gồm 3 container hàng: 1 container hàng tôm đông lạnh 20 tấn trị giá hơn 290.000 USD XK đi Canada; 1 container hàng cá biển 20 tấn XK sang thị trường Hoa Kỳ với trị giá hơn 216.000 USD; 1 container cá tra phi lê 22 tấn trị giá hơn 84.000 USD xuất sang thị trường EU. Tổng cộng trị giá lô hàng này là trên 590.000 USD, tương đương gần 13,4 tỷ đồng. Đây cũng là lô hàng XK đầu năm có giá trị lớn nhất trong nhiều năm gần đây, "mở hàng" cho mục tiêu kim ngạch XK thủy sản sẽ đạt 9 tỷ USD như VASEP đề ra cho năm nay.
Vài năm gần đây, tăng trưởng XK dệt may cả nước thường chỉ đạt 1 con số. Tuy nhiên, tính từ đầu năm đến ngày 15/2/2018, kim ngạch XK mặt hàng dệt may đã có sự bứt phá đáng kể với trị giá kim ngạch đạt 3,831 tỷ USD, tăng tới 43,1% so với cùng kỳ năm ngoái (tương đương con số tăng thêm 1,154 tỷ USD). Đáng chú ý, dệt may chính là 1 trong 3 mặt hàng nhanh chóng cán đích tỷ USD ngay trong 15 ngày đầu tiên của tháng 1 và đây là năm đầu tiên dệt may có được thành tích này.
Trước đó, tại Hội nghị tổng kết ngành dệt may năm 2017 do Hiệp hội Dệt may Việt Nam tổ chức tại Đà Nẵng, chia sẻ về kỳ vọng XK dệt may năm 2018, ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam - cho biết, năm 2018, ngành dệt may Việt Nam được dự báo sẽ có nhiều yếu tố thuận lợi khi Hiệp định Thương mại tự do (FTA) Việt Nam - EU, Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) dự kiến được ký kết, sẽ là đòn bẩy quan trọng trong hoạt động xúc tiến thương mại, tạo điều kiện thuận lợi rộng mở thị trường cho ngành dệt may. Do đó, toàn ngành đặt mục tiêu XK 33,5 tỷ USD trong năm 2018.
Kỳ vọng từ những mặt hàng chủ lực
Trong thời gian tới, dự kiến, các nhóm hàng như máy tính, linh kiện điện tử, điện thoại... vẫn ổn định trong "top" đầu XK. Cụ thể, tháng 7/2017, dự án mở rộng của Công ty TNHH Samsung Display Việt Nam tại Khu công nghiệp Yên Phong (Bắc Ninh) trị giá 2,5 tỷ USD chính thức vận hành với công suất tăng lên, giúp kim ngạch XK điện thoại, máy tính, linh kiện điện tử… năm 2018 khả quan hơn năm 2017. Đây là tín hiệu đáng mừng bởi điện thoại và linh kiện vốn là nhóm hàng XK chủ lực nhất của nước ta với kim ngạch XK chiếm đến 20% tổng kim ngạch XK hàng hóa cả nước.
Ở nhóm hàng nông, lâm, thủy sản, đến nửa đầu tháng 2/2018, kim ngạch XK nhiều nhóm mặt hàng tăng trưởng ở mức rất cao. Cụ thể, kim ngạch XK mặt hàng rau, quả đạt 560 triệu USD, tăng 68,1%; cà phê đạt 565 triệu USD, tăng 21%; hạt điều đạt 437 triệu USD, tăng tới gần 122%... Năm 2018, các sản phẩm nông sản của Việt Nam tiếp tục chinh phục nhiều thị trường lớn, khó tính như Hoa Kỳ, Australia, tạo điều kiện gia tăng kim ngạch XK trong năm 2018. Theo bà Nguyễn Hoàng Thúy - Đại diện thương mại - Thương vụ Việt Nam tại Australia - việc được mở cửa vào các thị trường khó tính là tín hiệu đáng mừng cho các mặt hàng nông sản. Bởi lẽ khi đã thâm nhập vào các thị trường này, nông sản Việt Nam có thể gia tăng sản lượng, quy mô XK khi các thị trường khó tính sẵn sàng trả giá cao cho các sản phẩm chất lượng. Bên cạnh đó, việc sản phẩm của Việt Nam chinh phục được những thị trường này cũng tạo đà để thâm nhập thêm nhiều thị trường khác có cùng đẳng cấp. Tất cả các yếu tố trên mở ra hy vọng lớn cho XK nông, lâm, thủy sản trong năm 2018.