Dệt may Việt Nam phải bắt đúng nhịp thị trường để thích ứng và phát triển bền vững
Doanh nghiệp dệt may đáp ứng xu hướng sản xuất xanh như thế nào? Tiêu chuẩn xanh của EU: Doanh nghiệp dệt may đáp ứng ra sao? |
Dệt may được kỳ vọng là ngành hàng được hưởng lợi nhiều nhất từ những ưu đãi của Hiệp định Thương mại Tự do Liên minh châu Âu (EU) - Việt Nam (Hiệp định EVFTA) và hướng tới là ngành thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu sang thị trường EU. Tuy nhiên, hiện nay, ngành dệt may lại đang gặp những khó khăn trước những tiêu chuẩn xanh mà thị trường này đang đặt ra. Ông Vương Đức Anh - Chánh Văn phòng HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đã có những trao đổi với phóng viên Báo Công Thương về những giải pháp, chiến lược trong thời gian tới nhằm đáp ứng những tiêu chuẩn mới này.
Pv: Xin ông chia sẻ về những tiêu chuẩn xanh mà các nhà nhập khẩu từ phía EU đặt ra đối với hàng dệt may của Việt Nam đã tác động như thế nào đối với Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) nói riêng cũng như các doanh nghiệp trong ngành dệt may nói chung, thưa ông?
Ông Vương Đức Anh: Thời gian gần đây, chúng ta thường nghe đến "Thỏa thuận xanh của EU" được thông qua vào năm 2020 và đây được coi là gốc gác của những yêu cầu phát triển bền vững của EU trong 3 năm gần đây.
Ông Vương Đức Anh - Chánh Văn phòng HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) |
Ngày 30/3/2022, EU thông qua chiến lược phát triển tuần hoàn và bền vững của ngành dệt may. Theo đó, trong chiến lược phát triển bền vững và tuần hoàn đối với ngành dệt may của EU có rất nhiều nội dung, trong đó nổi bật là mục tiêu EU làm thế nào để giảm tiêu dùng thời trang nhanh, tức là giảm lượng quần áo phát thải ra môi trường hàng năm. Như vậy, phát triển bền vững là câu chuyện đối với thị trường EU, đồng thời còn là việc luật hóa tất cả những quy định liên quan đến phát triển bền vững.
Trong khi đó, EU hiện đang là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của ngành dệt may Việt Nam nói chung và của Tập đoàn Dệt may nói riêng. Và mặt hàng dệt may có những tác động đến môi trường lớn thứ 3 ở EU. Vì vậy, ngay từ đầu, chúng tôi đã xác định đây là một vấn đề phải bám rất sát. Từ đó, EU thông qua rất nhiều sáng kiến và những đề xuất khác nhau, trong đó họ cũng xác định phải đi từ thiết kế theo hướng sinh thái (Eco Design), ghi nhãn (labeling) theo đúng quy định của EU.
Đối với ngành dệt may, chúng tôi cũng có những câu chuyện, những quy định khác liên quan đến chiến lược này. Gần đây nhất, câu chuyện về trách nhiệm nhà sản xuất mở rộng mới được Ủy ban châu Âu thông qua vào ngày 5/7/2023. Theo đó, EU mục tiêu giảm tiêu dùng thời trang nhanh, giảm lượng quần áo phát thải ra môi trường; Quy định liên quan đến trách nhiệm nhà sản xuất mở rộng đối với mặt hàng dệt may; Thay đổi hành vi của người tiêu dùng sang tiêu dùng xanh.
Chúng ta nhìn thấy rõ ràng với EU là một quy định rất tổng thể, có những quy định có lộ trình ngắn, có lộ trình dài và có những quy định không có lộ trình, phải áp dụng ngay. Nhưng tổng hòa lại những quy định này cũng đặt ra những thách thức và cả những cơ hội cho ngành hàng của Việt Nam. Nếu chúng ta bắt kịp được thì đây là cơ hội để nâng cao chất lượng lao động có thể đáp ứng được yêu cầu mới về phát triển bền vững. Như vậy, chúng ta cũng nhìn thấy cơ hội từ trong những thách thức đó. Đây là những vấn đề được nhìn nhận từ kinh nghiệm thực tế hoạt động của một doanh nghiệp dệt may liên quan đến yêu cầu phát triển bền vững của EU.
Phải xác định phát triển bền vững là một xu thế không thể đảo ngược. Chúng ta phải chủ động nắm bắt để cố gắng làm sao bắt được nhịp cùng với thị trường; bắt sớm quá cũng sẽ không hiệu quả, nhưng mà phải bắt đúng.
Pv: Từ việc bắt đúng xu hướng của thị trường, đúng tiêu chuẩn mà EU đang đề ra, Vinatex đã có những hành động như thế nào để có thể ứng phó kịp thời, thưa ông?
Ông Vương Đức Anh: Những nhà mua hàng lớn trên thế giới hiện nay đều có một chiến lược phát triển bền vững của riêng mình. Và bản thân Vinatex cũng vậy, hiện chúng tôi đang sản xuất theo yêu cầu của khách hàng. Lấy dẫn chứng với Adidas với Nike đều đặt ra mục tiêu đến năm 2025 hay đến năm 2030 dùng 50% nguyên liệu tái chế được. Họ đều có một chương trình phát triển bền vững rất cụ thể và doanh nghiệp dệt may Việt Nam làm hàng theo yêu cầu của họ cũng phải có những thay đổi về mặt nguyên liệu. Ví dụ, doanh nghiệp trong ngành sợi của Vinatex, 20% sản phẩm ngành sợi đang theo hướng sợi tái chế và tuần hoàn. Doanh nghiệp phải mua bông organic hoặc mua những nguồn nguyên liệu mang tính chất tự nhiên và có thể tái chế được.
Doanh nghiệp dệt may hướng tới sản xuất xanh, bền vững |
Đặc biệt, trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ dệt may trong năm 2023 đang suy giảm 8% so với năm ngoái và dự kiến tình hình cầu thấp này sẽ còn kéo dài đến cả năm 2024, khi mà các nước tiêu thụ lớn vẫn đang thắt chặt chi tiêu, chính sách tiền tệ, nhu cầu vẫn sẽ còn thấp và doanh nghiệp cũng cần phải nhìn nhận lại. Chiến lược phát triển bền vững của các hãng vẫn sẽ triển khai nhưng họ cũng cân đối, ở thời điểm này vẫn phải ưu tiên các sản phẩm phổ thông.
Về phía doanh nghiệp, Vinatex xác định phát triển bền vững sẽ là một câu chuyện về chiến lược đường dài, mà trước mắt cần phải bám sát rất sát theo yêu cầu của thị trường và có các giải pháp linh hoạt, đáp ứng theo yêu cầu của thị trường. Hiện, Vinatex đã có thể chủ động được khâu đào tạo nhân sự cho chiến lược phát triển bền vững, thay đổi nhận thức, thay đổi, trang bị những hiểu biết cho chiến lược phát triển bền vững.
Pv: Xác định phát triển bền vững là một chiến dịch dài hạn, thời gian tới, tập đoàn sẽ hướng tới những giải pháp đồng bộ và đột phá như thế nào? Để có được những đột phá như vậy, Vinatex nói riêng cũng như cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cần có những trợ lực như thế nào từ phía Nhà nước, thưa ông?
Ông Vương Đức Anh: Phát triển bền vững là một câu chuyện dài hơi và muốn đáp ứng được tất cả yêu cầu phát triển bền vững thì sự hỗ trợ của Nhà nước về mặt chính sách rất cần thiết. Ở góc độ chủ động của phía doanh nghiệp, Vinatex đã có những sự chuẩn bị liên quan đến việc thay đổi nhận thức, thay đổi về đội ngũ nhân sự; bám sát những yêu cầu của khách hàng… đây là những điều doanh nghiệp có thể làm được.
Về triển khai thực tế, nếu muốn đáp ứng được tất cả yêu cầu phát triển bền vững thì sự hỗ trợ của Nhà nước về mặt chính sách cũng là rất cần thiết. Bởi, làm sản phẩm xanh nếu đúng với sản phẩm dệt may xanh hoàn toàn để đi đến 1 sản phẩm dệt may cuối cùng chắc chắn chi phí sản xuất sẽ bị đội lên, khi đó một sản phẩm bán ra thị trường cũng sẽ có giá thành rất cao.
Ở góc độ của Nhà nước, liên quan đến phát triển bền vững, thời gian qua, Chính phủ đã có những kế hoạch, chương trình hành động, tuy nhiên đến thời điểm hiện tại vẫn chưa rõ ràng. Do đó, chúng ta cần phải có những tiêu chí, mục tiêu để lượng hóa và đưa ra những chính sách khuyến khích phù hợp liên quan đến đầu tư vào phát triển bền vững, vì yêu cầu tài chính để sản xuất thử những mặt hàng xanh rất tốn kém. Cụ thể là những hỗ trợ về chính sách tài khóa, hỗ trợ về thuế thu nhập doanh nghiệp, ưu đãi giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với những doanh nghiệp làm xanh chẳng hạn.
Doanh nghiệp vẫn hy vọng trong thời gian tới sẽ có thêm những chính sách hỗ trợ từ phía Nhà nước liên quan đến câu chuyện đầu tư xanh này. Vì đây là một xu thế và tới đây có thể không gọi là xu thế nữa mà sẽ thành quy định bắt buộc.
Xin cảm ơn ông!