Đề xuất bỏ bảo hiểm xe máy: Có đi ngược với xu thế chung thế giới?
Nhiều người nháo nhào tìm mua bảo hiểm xe máy, điểm bán trên lề đường mọc lên như nấm Bộ Tài chính thông tin về bồi thường bảo hiểm xe máy |
Lý do đề xuất bỏ bảo hiểm xe máy được nhiều ý kiến nêu là “loại bảo hiểm này không phát huy hiệu quả thiết thực cho chủ phương tiện, mà chỉ dùng khi lực lượng chức năng kiểm tra”.
Từ đó loại bảo hiểm này được gán cho cái tên bảo hiểm “đối phó” để rồi kéo theo các điểm bán bảo hiểm xe máy “bụi” ven đường với mức giá không thể rẻ hơn là chỉ 15.000 hoặc 20.000 đồng, thậm chí còn xuống đến 10.000 đồng.
Cùng với lý do “đối phó”, một nguyên nhân nữa dẫn đến đề xuất bỏ là chuyện “được vạ má đã sưng” khi giải quyết tiền bảo hiểm khi xảy ra vụ việc liên quan đến tai nạn, va chạm xe máy phải đương đầu với “núi thủ tục” từ phía các cơ quan chức năng.
Tuy nhiên việc bỏ hay không bỏ loại hình bảo hiểm này lại không thuộc thẩm quyền của Bộ Giao thông vận tải như đề xuất mà nó xuất phát từ yêu cầu mang tính bắt buộc được nêu trong Luật Giao thông đường bộ, Luật Kinh doanh bảo hiểm cũng như các quy định khác trong các nghị định liên quan của Chính phủ.
Việt Nam là nước có đặc thù xe máy là phương tiện giao thông lên đến hàng chục triệu chiếc. Bởi vậy việc tham gia mua bảo hiểm cho loại phương tiện này bên cạnh yếu tố bắt buộc với chủ phương tiện là hết sức cần thiết, không chỉ là tăng cường trách nhiệm xã hội của bản thân chủ phương tiện mà còn thể hiện ý thức chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông.
Ở đây lý do đề xuất bỏ loại hình bảo hiểm này rằng “chỉ tăng doanh thu cho cơ quan bảo hiểm”, “thủ tục giải quyết rắc rối” là hoàn toàn mang tính nguỵ biện nếu không muốn nói là chưa hiểu rõ về bản chất của bảo hiểm.
Bởi bản chất và vai trò của bảo hiểm thực chất là một quỹ chung, nơi nhiều người cùng nhau chia sẻ một phần thu nhập để đề phòng rủi ro của các thành viên. Quỹ này sẽ có một người đứng ra quản lý, hoạt động trên nguyên tắc công khai minh bạch. Thành viên quỹ sẽ được bồi thường một khoản tiền nhất định dựa trên sự thống nhất ban đầu khi gặp rủi ro.
Ảnh minh hoạ |
Khi mua bảo hiểm nào đó để đề phòng rủi ro, rõ ràng tâm lý người mua không ai mong muốn mình trở thành đối tượng của những rủi ro. Nhưng rủi ro có thể xảy đến bất cứ lúc nào và việc tham gia bảo hiểm chính là công cụ (của số đông) quay trở lại phục vụ cá nhân.
Không thể đánh đồng giữa con số hàng trăm tỷ đồng từ việc mua bảo hiểm xe máy với tỷ lệ chỉ vài phần trăm các vụ việc được giải quyết bởi điều này cũng xuất hiện trong các lĩnh vực bảo hiểm khác để dẫn đến đề xuất bỏ việc mua bảo hiểm xe máy. Cũng không loại trừ trường hợp trục lợi bảo hiểm, tuy rằng đối với xe máy xuất hiện ít hơn các loại trục lợi bảo hiểm khác.
Vấn đề chính ở câu chuyện bảo hiểm bắt buộc với loại phương tiện xe máy không phải là bỏ hay không bỏ mà chính là các cơ quan chức năng như: Bộ Tài chính, Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải và các doanh nghiệp bảo hiểm cần nhanh chóng có các giải pháp đơn giản hoá các thủ tục trong giải quyết rủi ro xảy ra. Từ đó, bảo hiểm xe máy không còn bị ghẻ lạnh như lâu nay cũng như dẹp dần tâm lý “đối phó” của các chủ phương tiện.
Có thể nhận thấy, yêu cầu bỏ bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới là đi ngược với thế giới, cũng không thể vì thực thi không tốt mà bỏ loại hình bảo hiểm này. Thay vào đó, cần cải tiến quy trình, gỡ rối về thủ tục và áp dụng công nghệ số để đẩy nhanh tiến độ giải quyết bồi thường... tránh gây bức xúc cho người dân như thời gian qua.
Về phía người mua bảo hiểm cho xe máy, cần chú ý lựa chọn các doanh nghiệp có uy tín, đừng vì mệnh giá bảo hiểm mà chấp nhận sự dễ dãi khi mua để rồi bị chối bỏ trong giải quyết quyền lợi của chính mình khi xảy ra rủi ro.
Bên cạnh đó các cơ quan chức năng cần có những đánh giá thực chất về chính sách này vốn đã kéo dài trên 30 năm qua và cũng đã qua nhiều lần sửa đổi để trên cơ sở đó có những cách thức duy trì chính sách tốt hơn. Cùng đó tạo cơ sở để các doanh nghiệp bảo hiểm thiết kế các sản phẩm phù hợp với thực tiễn liên quan đến trách nhiệm dân sự của chủ xe máy.