Dạy thêm học thêm: Loay hoay chuyện “chính danh” đến bao giờ?
Câu chuyện dạy thêm học thêm vốn không còn là câu chuyện mới nhưng có diễn biến mới là tại kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, nó lại được nhắc đến với việc cần xem đây như là một ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Về phía Bộ chủ quản, qua ý kiến của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho thấy Bộ này đồng thuận với đề xuất nêu trên với lý do “để có cơ sở pháp lý xử lý vấn đề này bên ngoài trường học”.
Văn bản pháp lý cao nhất liên quan đến việc điều chỉnh hoạt động dạy thêm học thêm hiện chỉ là một văn bản mang tính thông tư của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đó là Thông tư số 17/TTBGDĐT quy định về dạy thêm, học thêm bảo đảm các quy định quản lý về hoạt động dạy thêm, học thêm trong và ngoài nhà trường phù hợp với yêu cầu thực tiễn và các quy định của pháp luật hiện hành (gọi tắt là Thông tư số 17).
Tuy nhiên, thông tư này đã ban hành hơn 10 năm nay (Thông tư số 17 được ban hành từ ngày 16/5/2012) mà đến nay trên thực tế đã có nhiều điểm lạc hậu như chính nhìn nhận của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng rất muốn sửa Thông tư này nhưng do có vấn đề “vênh” với một số luật được ban hành sau ngày Thông tư này có hiệu lực, cộng với việc nhiều nội dung của thông tư này bị hiểu sai càng khiến cho Bộ này thêm phần loay hoay.
Đáng chú ý, trước đây dạy thêm học thêm đã từng được coi là một ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Thế nhưng khi xây dựng Luật Đầu tư đã “loại biên” dạy thêm học thêm ra khỏi danh mục các ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Và rồi cũng vẫn ý kiến của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, trong quá trình sửa Luật Đầu tư, Bộ đã gửi Văn bản 1534 cho Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và Bộ Kế hoạch và Đầu tư, gửi Văn bản 2026 đến Thủ tướng Chính phủ năm 2020 đề nghị bổ sung việc dạy thêm, học thêm vào danh mục các ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, không rõ lý do vì sao trong năm 2020-2021, việc này chưa được chấp thuận.
Nhiều ý kiến cho rằng cần đưa việc dạy thêm, học thêm thành ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Ảnh minh họa |
Có lẽ trong những vấn đề liên quan đến giáo dục, được nhắc đến nhiều nhất đầu năm học, giữa năm học, cuối năm học và dai dẳng nhất, lắm ý kiến trái chiều nhất chính là vấn đề dạy thêm học thêm. Ý kiến cho rằng nên cấm cũng lắm mà những ý kiến cho rằng không nên cấm cũng đưa ra được cái lý của mình. Ý kiến cho rằng không nên cấm thường hay viện dẫn đến việc các bác sĩ được phép khám bệnh ngoài giờ thì hà cớ gì giáo viên lại không được phép dạy thêm.
Thêm nữa, nhu cầu học thêm là một thực tế và nhu cầu dạy thêm cũng thế. Một số ý kiến lại nhấn vào việc làm sao để hai nhu cầu này gặp nhau một cách “chính danh” là giải pháp mang tính lối thoát của ngành giáo dục.
Đồng thời, nhìn nhận việc dạy thêm học thêm như một dịch vụ của một ngành kinh doanh có điều kiện để có thể cho phép kiểm soát tốt hơn một vấn đề liên quan đến hàng triệu gia đình. Từ đó, góp phần chấn chỉnh một số công ty giáo dục lạm dụng những kẽ hở của quy định học thêm để trục lợi cũng như các đối tượng mua sách tham khảo về để tận dụng mạng xã hội dạy online.
Thực tế cho thấy, hoạt động dạy thêm nên được coi là dịch vụ giáo dục có lợi nhuận nếu có thu phí, mang lại lợi ích kinh tế định lượng được và thường theo mức phí thị trường hoặc cao hơn như dạy thêm ngoại ngữ, các môn học, dạy thêm nghề nghiệp hoặc các kiến thức, kỹ năng. Việc dạy thêm là khách quan do nhu cầu trang bị kiến thức, kỹ năng hoặc các mục đích khác. Dịch vụ này cũng đòi hỏi cơ sở vật chất như: Phòng học, tài liệu, giáo viên kể cả các nền tảng trực tuyến...
Để bảo đảm công bằng trong phân phối, hoạt động sáng tạo giá trị này cũng cần có đóng góp vào ngân sách dưới dạng phí, thuế hay các hình thức đóng góp khác theo quy luật bình quân hóa kinh doanh dịch vụ.
Tuy nhiên, dịch vụ giáo dục phải chịu sự điều chỉnh của cả Luật Giáo dục, Luật Thương mại, Luật Đầu tư và đòi hỏi người dạy cần có những tiêu chuẩn nhất định về nghề nghiệp, kỹ năng, trình độ và được sự công nhận của xã hội cũng như của cơ quan quản lý về chứng chỉ hành nghề.
Do đó, những tiêu chuẩn tối thiểu này là điều kiện cần có để hoạt động dạy thêm mang bản chất thương mại được vận hành theo chuẩn mực thị trường, phù hợp với nền thương mại có điều chỉnh của pháp luật và cũng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các đối tượng liên quan, cũng như lợi ích Nhà nước.