Đẩy mạnh xã hội hóa công tác đào tạo nghề
Ảnh: Minh họa
Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, đến năm 2020, chất lượng đào tạo một số nghề ở Việt Nam sẽ đạt trình độ các nước phát triển trong khu vực ASEAN và trên thế giới, bảo đảm quy mô, số lượng, cơ cấu trình độ đào tạo phù hợp với nhu cầu thị trường lao động. Xã hội hóa dạy nghề chính là phương thức trọng tâm giúp nước ta thực hiện mục tiêu này, trong đó, đa dạng hóa các loại hình cơ sở dạy nghề, các hình thức dạy nghề là bước đi cần thiết.
Hiện nay, cả nước có 1.342 cơ sở dạy nghề với 162 trường cao đẳng nghề, 305 trường trung cấp nghề và 875 trung tâm dạy nghề. Ngoài ra còn có hơn 1.000 cơ sở khác là trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp có tham gia dạy nghề. Tuy nhiên, số cơ sở dạy nghề thuộc doanh nghiệp lại chỉ chiếm 19,4%, cơ sở dạy nghề tư thục tăng chậm, chỉ 1%/năm. Điều này cho thấy cơ chế chính sách xã hội hóa trong giai đoạn trước chưa thu hút tốt các cá nhân, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế và các doanh nghiệp đầu tư cho dạy nghề.
Để tạo động lực thúc đẩy doanh nghiệp tham gia, gắn bó lâu dài với hoạt động đào tạo nghề, bên cạnh những ưu đãi về thuế suất theo Luật thuế thu nhập doanh nghiệp, Dự thảo Luật Dạy nghề đã đưa ra ý kiến tăng mức ưu đãi thuế cho doanh nghiệp tham gia công tác đào tạo nghề. Cụ thể, doanh nghiệp sẽ được miễn trừ thuế đối với những khoản chi liên quan đến hoạt động dạy nghề.
Với dự thảo lần này, cơ sở dạy nghề công lập và tư thục đều bình đẳng trong việc hưởng các chính sách của Nhà nước như: Tham gia đấu thầu đặt hàng dạy nghề của Nhà nước; được vay vốn ưu đãi từ các chương trình, dự án trong nước và nước ngoài; tham gia chương trình bồi dưỡng nhà giáo, cán bộ quản lý dạy nghề trong nước và nước ngoài bằng kinh phí từ ngân sách nhà nước. Phần lớn các cơ sở dạy nghề hiện nay đều có quy mô vừa và nhỏ, thiếu thốn về mặt vật chất, nguồn lực hạn chế nên rất khó khăn trong việc đào tạo các ngành nghề kỹ thuật cao cần vốn đầu tư lớn. Bởi vậy, sự hỗ trợ từ phía Nhà nước là điều rất cần thiết.
Bên cạnh đó, các đại biểu Quốc hội đã nhất trí về việc doanh nghiệp và trường đào tạo nghề sẽ liên kết theo hướng tự chủ động trong xây dựng, thẩm định mục tiêu, chương trình, tổ chức thực tập, nghiên cứu thực tế sản xuất…. Điều này đảm bảo sự liên hoàn giữa đào tạo ban đầu và bồi dưỡng kỹ năng nghề cho người lao động trong quá trình làm việc, đáp ứng yêu cầu của phát triển sản xuất, kinh doanh. Ngoài ra, việc đào tạo theo đúng nhu cầu của doanh nghiệp sẽ tránh được tình trạng dư thừa nhân lực không đáng có.
Dự thảo luật cũng tạo điều kiện để các cá nhân và tổ chức xã hội Việt Nam, nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài thành lập cơ sở dạy nghề và tham gia hoạt động dạy nghề. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ hỗ trợ về mặt pháp lý cho các trường cao đẳng nghề có vốn đầu tư nước ngoài trong việc thành lập, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất… Việc khuyến khích doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài đầu tư vào thị trường dạy nghề Việt Nam sẽ giúp tận dụng được các ưu thế công nghệ, kinh nghiệm đào tạo nhân lực chất lượng cao của các đối tác nước ngoài. Đó là một trong những con đường ngắn nhất giúp người học tiếp cận với kỹ thuật hiện đại và đạt được trình độ lao động theo chuẩn quốc tế, từ đó mở rộng thị trường cho lao động Việt Nam./.
Thu Hà