Đà tăng của giá ngô có thể sẽ bị hạn chế ở kháng cự 495
Như đã phân tích trước đó, xu hướng chung của thị trường ngô trong tuần này vẫn sẽ khá giằng co. Dù vậy, giá có khả năng hồi phục nhẹ trong hôm nay trước những lo ngại về nguồn cung Nam Mỹ.
Báo cáo Giao hàng Xuất khẩu (Export Inspections) tối qua cho thấy, khối lượng giao hàng ngô niên vụ 23/24 của Mỹ trong tuần kết thúc vào ngày 7/12 đã sụt giảm gần 40% so với báo cáo trước đó. Nguyên nhân là do tình hình xuất khẩu ngũ cốc của nước này đang bị trì hoãn bởi hạn hán ở kênh đào Panama. Đây vốn là tuyến đường quan trọng đối với nông dân Mỹ khi giúp rút ngắn thời gian vận chuyển cho khoảng 40% tổng lượng ngô xuất khẩu của nước này từ vùng Vịnh Hoa Kỳ đến các nhà nhập khẩu lớn ở Đông Á. Giới phân tích cho rằng các hạn chế do mực nước thấp gây ra có thể kéo dài tới tháng 4 và tháng 5 năm sau, khi mùa mưa bắt đầu. Hoạt động vận tải trong giai đoạn xuất khẩu nông sản cao điểm của Mỹ bị trì trễ sẽ khiến chi phí bị đẩy lên cao. Điều này sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến mức độ cạnh tranh của ngô Mỹ so với nguồn cung giá rẻ từ Brazil, và tạo áp lực tới giá CBOT.
Ngược lại, nông dân Brazil vẫn còn nhiều lo ngại về tình trạng khô hạn có thể làm giảm tiềm năng năng suất và sản lượng của các loại cây trồng. Imea cho biết, tính tới cuối tháng 11 tốc độ bán ngô vụ 2 của nước này mới chỉ đạt 15,59% sản lượng dự kiến, so với mức 40% trung bình lịch sử. Ngoài ra, Imea cũng dự báo sản lượng ngô vụ 2 của bang Mato Grosso sẽ giảm xuống 16,7% so với niên vụ trước. Sự kéo dài của vụ đậu tương đang đe dọa tới triển vọng dài hạn của vụ ngô thứ 2 của Brazil, đồng thời ảnh hưởng tới nguồn cung ngắn hạn khi nông dân thận trọng trong việc bán hàng. Đây sẽ là yếu tố hỗ trợ tới giá ngô trong phiên hôm nay.
Trong bối cảnh thị trường còn nhiều lo ngại về triển vọng nguồn cung ở Brazil, giá ngô có khả năng lấy lại được sắc xanh trong phiên hôm nay. Tuy nhiên, đà tăng có thể bị thu hẹp ở vùng 495 do tình hình xuất khẩu kém khả quan tại Mỹ.
Chúng tôi cho rằng, giá lúa mì có thể nhận được hỗ trợ kỹ thuật ở vùng giá 490 trong phiên hôm nay. Tuy vậy, đà hồi phục của lúa mì sẽ phần nào bị hạn chế do mặt hàng này đã mất đi động lực tăng từ yếu tố nhu cầu.
Sau nhịp tăng mạnh trong phiên đầu tuần, diễn biến giá đậu tương hợp đồng tháng 1 có xu hướng chững lại trong sáng nay. Với việc mùa vụ của Brazil vẫn chưa đón nhận nhiều tín hiệu tích cực, khả năng xảy ra sự gián đoạn của nguồn cung từ Mỹ đang là yếu tố giúp giá đậu tương duy trì ở mức cao.
Tại Brazil, hãng tư vấn AgRural cho biết tiến độ trồng đậu tương niên vụ 23/24 hiện đạt 91% kế hoạch, tăng 6 điểm phần trăm so với một tuần trước, nhưng vẫn chậm hơn mức 95% cùng kỳ năm ngoái. Tình hình thời tiết ở bang sản xuất lớn nhất là Mato Grosso vẫn rất đáng lo ngại, khi lượng mưa gần đây thấp hơn mức trung bình với nhiệt độ rất cao, đe dọa đến khả năng nảy mầm cũng như quá trình phát triển ban đầu. Dự báo thời tiết cũng cho thấy sẽ không có quá nhiều mưa ở nửa phía bắc của Brazil trong thời gian tới. Điều này dự kiến sẽ khiến hoạt động gieo trồng bị trì hoãn hơn nữa.
Trong bối cảnh nguồn cung đậu tương từ Brazil trở nên không chắc chắn trong năm tới, các nhà nhập khẩu đang tăng cường mua hàng từ Mỹ. Trong báo cáo Bán hàng Hàng ngày (Daily Export Sales) tối qua, USDA cho biết Mỹ đã bán được đơn hàng 132.000 tấn đậu tương giao trong niên vụ 23/24 cho một nước giấu tên. Tuy nhiên, khả năng giao hàng của Mỹ đang bị hạn chế, do hạn hán ở kênh đào Panama đang khiến giao thông qua tuyến đường này bị gián đoạn. Các tàu vận tải phải chờ tới 3 tuần để có thể di chuyển qua kênh Panama, và tình trạng này được dự báo sẽ kéo dài tới tháng 4 hoặc tháng 5 năm sau, khi mùa mưa bắt đầu. Thời gian chờ đối với các tàu chở ngũ cốc lớn đã tăng từ 5 - 7 ngày trong tháng 10 lên 20 ngày vào tháng 11. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến việc khối lượng giao hàng đậu tương hàng tuần của Mỹ liên tục giảm từ giữa tháng 11. Hanghoa247 nhận định rằng, tình trạng hạn hán ở khu vực châu Mỹ đang ảnh hưởng lớn tới hoạt động sản xuất cũng như xuất khẩu đậu tương ở châu lục này, và đây sẽ là yếu tố hỗ trợ giá đậu tương trong dài hạn.
Lo ngại về mùa vụ của Brazil cùng sự gián đoạn trong xuất khẩu của Mỹ sẽ là yếu tố giúp giá đậu tương giữ được sắc xanh trong phiên hôm nay. Hanghoa247 nhận định rằng giá đậu tương có thể diễn biến trong vùng 1333 - 1350.
Với đà tăng của giá đậu tương, giá khô đậu tương có thể tiếp tục hướng lên vùng 420 trong phần còn lại của phiên hôm nay. Đối với dầu đậu tương, nhiều dự đoán cho rằng giá khả năng sẽ tiến tới vùng 52,0.