Giá ngô giảm xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm 2021
Giá đậu tương có thể sẽ hồi phục trở lại trong phiên cuối tuần Giá ngô có thể được hỗ trợ do tâm lí lo ngại về vụ thứ 2 ở Brazil Lúa mì tăng vọt, chấm dứt chuỗi 5 phiên suy yếu liên tiếp |
Các mặt hàng nông sản diễn biến tương đối trái chiều trong phiên giao dịch đầu tuần. Xu hướng đi ngang bao trùm lên thị trường dậu tương và khô đậu, khiến giá đóng cửa với mức thay đổi không đáng kể so với phiên trước đó. Trong khi đó, giá hai mặt hàng ngũ cốc là ngô và lúa mì đồng loạt sụt giảm mạnh trong phiên vừa rồi.
Giá ngô ghi nhận phiên giảm thứ ba liên tiếp, xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm 2021. Các nguồn tin của Reuters cho biết Nhà Trắng đang trì hoãn việc cho phép bán hỗn hợp xăng có hàm lượng pha trộn ethanol cao hơn. Nguyên nhân là do ngành dầu mỏ Mỹ đã cảnh báo rằng động thái này có thể gây ra sự gián đoạn nguồn cung trong khu vực và làm giá tăng đột biến. Nguyên liệu chính để sản xuất ethanol là ngô, nên sự trì hoãn trên có thể khiến nhu cầu tiêu thụ nội địa của Mỹ sụt giảm, góp phần tạo sức ép lên giá.
Trong khi đó, giá lúa mì lao dốc gần 3% trước những số liệu kém khả quan trong báo cáo Export Inspections tối qua. Cụ thể, giao hàng lúa mì trong tuần kết thúc ngày 23/11 chỉ đạt 276,585 tấn, giảm so với tuần trước đó. Điều này cũng khiến tỷ lệ giao lúa mì từ đầu niên vụ thấp hơn đáng kể so với cùng kì năm ngoái, và gây ra một số lo ngại về hoạt động xuất khẩu của Mỹ.
Đối với đậu tương, bên bán và mua vẫn đang cân khá cân bằng do tác động trái chiều của các thông tin liên quan đến nguồn cung tại châu Mỹ. Tại Brazil, tiến độ trồng đậu tương niên vụ 23/24 hiện mới chỉ đạt 74% kế hoạch, tốc độ chậm nhất kể từ niên vụ 15/16. HEDGEpoint mới đây đã hạ dự báo sản lượng đậu tương niên vụ 2023/24 của Brazil xuống còn 160,1 triệu tấn, từ mức 162,3 triệu trong ước tính trước. Điều này càng củng cố những rủi ro liên quan đến nguồn cung thắt chặt hơn tại quốc gia xuất khẩu số 1 thế giới này, đồng thời tác động “bullish” đến giá đậu tương và khô đậu trong phiên hôm qua.
Ngược lại, việc khối lượng giao hàng đậu tương của Mỹ ghi nhận tuần thứ 3 liên tiếp sụt giảm đã phần nào phản ánh tình hình xuất khẩu của Mỹ đã có dấu hiệu chững lại trước bối cảnh quốc gia này đang trong giai đoạn bán hàng cao điểm. Đây là yếu tố đã gây sức ép và thúc đẩy lực bán đối với đậu tương trong phiên tối.