Công trình xanh: Thiết kế kiến trúc là yếu tố cốt lõi
Ông René Martin Larsen
Ông René Martin Larsen, Trường đại học Bắc Đan Mạch - Giám đốc Dự án hợp tác giữa Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TP. Hồ Chí Minh (ECC HCMC), Công ty Kiến trúc KAAI và Trường đại học Bắc Đan Mạch về thành lập viện đào tạo năng lượng và kiến trúc xanh đã chia sẻ như vậy với phóng viên báo Kinh tế Việt Nam.
Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về vai trò của thiết kế kiến trúc với việc phát triển công trình xanh hiện nay?
Để phát triển một công trình xanh, thiết kế kiến trúc có vai trò hết sức quan trọng bởi nó là bước đầu tiên hình thành nên một công trình. Do đó, kinh nghiệm từ các quốc gia có kinh nghiệm về phát triển công trình xanh cho thấy, điều quan nhất là phải có những giải pháp đầu tư cho việc đào tạo để nâng cao nhận thức của đội ngũ kiến trúc sư.
Ông đánh giá như thế nào về đội ngũ kiến trúc sư cho công trình xanh ở Việt Nam hiện nay, thưa ông?
Tôi cho rằng, hiện nay lực lượng kiến trúc sư của Việt Nam đã có những nhận thức rõ ràng về vai trò của công trình xanh với môi trường và an ninh năng lượng cũng như vai trò của thiết kế kiến trúc với công trình xanh. Tuy nhiên, họ vẫn cần cần có thêm những kinh nghiệm, kỹ năng, kiến thức một cách hệ thống và chính quy để bổ sung cho những kiến thức của mình.
Đan Mạch được biết đến là một quốc gia có sự phát triển mạnh về công trình xanh. Vậy ông có thể chia sẻ những kinh nghiệm gì cho lực lượng kiến trúc sư để phát triển công trình xanh ở Việt Nam?
Để hỗ trợ cho Việt Nam, hiện nay, Trường đại học Bắc Đan Mạch và ECC HCMC đã phối hợp thành lập một Viện đào tạo về năng lượng và kiến trúc xanh. Viện đào tạo này sẽ có những khóa ngắn hạn và dài hạn dành cho các chương trình đào tạo kiến trúc sư thiết kế công trình xanh.
Ở viện đào tạo năng lượng này, Đan Mạch sẽ chia sẻ cho Việt Nam những kinh nghiệm để xây dựng một công trình xanh, từ việc chọn vị trí xây dựng ra sao, hướng công trình như thế nào để có thể hứng gió, tránh nắng được tốt nhất, từ đó giúp ngôi nhà tự làm mát hay tự làm ấm cho mình tùy từng điều kiện thời tiết đến việc xây dựng một công trình hoàn hảo từ cách chọn vị trí, vật liệu xây dựng, cách sử dụng các thiết bị TKNL như bơm nhiệt, pin năng lượng mặt trời… để tòa nhà có thể TKNL tối ưu nhất hoặc có thể tự sản sinh ra năng lượng phục vụ cho nhu cầu sử dụng của mình.
Tuy nhiên, do Việt Nam và Đan Mạch có điều kiện khí hậu, thời tiết khác nhau nên khi chuyển giao kinh nghiệm từ Đan Mạch sang Việt Nam, chúng tôi sẽ tuyển thêm các nghiên cứu sinh để làm việc tại cả Đan Mạch và Việt Nam nhằm vừa làm nhiệm vụ chuyển giao kinh nghiệm, vừa chia sẻ và lựa chọn những gì là phù hợp với điều kiện khí hậu của Việt Nam. Ngoài ra, thay về chỉ học về lý thuyết, các kiến trúc sư cũng sẽ được thực hành cách xây dựng một công trình xanh bằng cách quan sát trực tiếp tòa nhà tối ưu hóa năng lượng (Danish Active House) được chúng tôi xây dựng ngay tại viện đào tạo này.
Việc xây dựng công trình xanh vốn rất tốn kém. Ông có thể chia sẻ những kinh nghiệm nào của Đan Mạch để phát triển loại hình công trình rất có ý nghĩa này?
Theo kinh nghiệm của Đan Mạch, tòa nhà xanh có rất nhiều loại. Ví dụ như với công trình thụ động – loại công trình có thể TKNL chỉ từ cách chọn vị trí, hướng gió và hướng nắng thì hoàn toàn không tốn kém gì cả mà tất cả chỉ nằm trong tư duy và cách thiết kế của kiến trúc sư.
Riêng với loại hình tòa nhà tối ưu hóa hiệu quả năng lượng, tất nhiên, khi xây dựng sẽ tốn kém hơn do ta phải đầu tư cho thiết bị và công nghệ TKNL. Tuy nhiên, nếu xét về lâu dài, với việc giá năng lượng có xu hướng tăng lên như hiện nay thì công trình xanh hoàn toàn không quá tốn kém mà thực sự là giải pháp an toàn và tiết kiệm, vì trong quá trình vận hành, lượng năng lượng tòa nhà đó tiết kiệm được hoàn toàn có thể bù đắp chi phí bỏ ra ban đầu và thời gian sau đó, công trình đó sẽ sinh lợi nhiều hơn công trình truyền thống.
Xin cảm ơn ông!
Phương Lan thực hiện