Công trình xanh giúp giảm tác động của biến đổi khí hậu
Là một trong những công trình xây dựng đạt chứng nhận Công trình xây dựng sử dụng Năng lượng Xanh 5 sao năm 2019, trụ sở tòa nhà Bộ Nội Vụ có địa chỉ tại số 8 đường Tôn Thất Thuyết, Q. Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội có tổng diện tích sàn xây dựng là 30.628m2. Đây là một ví dụ điển hình về tòa nhà xanh, tiêu tốn ít năng lượng và thiết kế với không gian xanh, tận dụng được tối đa ánh sáng, gió tự nhiên cho tòa nhà, từ đó giảm lượng điện phục vụ cho công tác chiếu sáng và hệ thống điều hòa trong tòa nhà nhờ đó góp phần vào giảm phát thải CO2 thông qua giảm sử dụng điện năng trong chiếu sáng và điều hòa.
Sảnh chính của tòa nhà chủ yếu lấy ánh sáng tự nhiên và sử dụng đèn LED tiết kiệm năng lượng |
Năm 2019, Sở Công Thương đã hỗ trợ trụ sở Bộ Nội vụ đánh giá hiệu quả năng lượng trong công trình; xây dựng chỉ số hiệu quả năng lượng; đo kiểm các thông số của hệ thống kính tòa nhà (hệ số hấp thụ nhiệt SHGC; hệ số xuyên sáng VLT,…); lập hồ sơ tham gia đánh giá, công nhận danh hiệu sử dụng Năng lượng xanh theo tiêu chí của TP. Hà Nội.
Theo đó, tòa nhà làm việc gồm 17 tầng liền khối, 2 tầng hội trường đa năng với các thiết bị hiện đại như hệ thống điều hòa trung tâm giải nhiệt nước của hãng Trane được vận hành tự động, các bơm nước lạnh sử dụng biến tần điều khiển, hệ thống đèn chiếu sáng Led tiết kiệm năng lượng. Danh sách thiết bị được dán nhãn năng lượng xác nhận và nhãn năng lượng so sánh: điều hòa hai cục, quạt cây, đèn Led, tivi, máy in,…
Tòa nhà Bộ Nội vụ được thiết kế và xây dựng với lớp tường bao quanh là hệ vách kính 3 lớp cách âm cách nhiệt cùng với phần tường bao quanh được phủ 1 lớp gạch gốm. Phần lõi cứng và phần bên ngoài sử dụng bê tông cốt thép có độ nén cao và nhiệt thấp giúp giảm thiểu lượng CO2. Bên ngoài còn được phủ 1 lớp gạch gốm giúp cách nhiệt một cách hiệu quả.
Phần tường sử dụng kính tiết kiệm năng lượng 3 lớp có hệ số bức xạ thấp, mạ bạc kép đa lớp, chịu lực tốt có chức năng phản xạ cao đối với tia hồng ngoại, cản nhiệt cao, tỷ lệ thấu sáng cao, tỷ lệ phản xạ thấp, bảo vệ môi trường tiết kiệm năng lượng.
Bên trong tòa nhà còn sử dụng thạch cao, gạch không nung cho một số tường và vách ngăn. Mái nhà bằng bê tông cốt thép, phía trên mái sử dụng lớp gạch chống nóng giúp cho mái tòa nhà tránh được tác động trực tiếp của bức xạ mặt trời.
Tòa nhà có sảnh chính rộng rãi, cao thoáng tận dụng thông gió tự nhiên rất tốt. Một số vị trí kính bao quanh có thể mở được. Tỷ lệ thông gió tự nhiên tại công trình chiếm khoảng 6% diện tích sàn sử dụng của phòng tiếp giáp với không gian bên ngoài. Lưu lượng gió tự nhiên được trao đổi vào trong công trình là rất tốt, tại hành lang các tầng không khí được lưu thông tốt. Ngoài ra công trình còn được trồng rất nhiều cây xanh xung quanh vừa có thể hấp thụ CO2, vừa lưu thông một lượng lớn không khí tươi trong công trình.
Ông Nguyễn Thanh Hải - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội - nhấn mạnh: “Để nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong các tòa nhà, năm 2019 tiêu chí của Giải thưởng Năng Lượng xanh của Hà Nội đã bổ sung thêm nhóm đối tượng cơ sở sử dụng nhiều năng lượng trong sản xuất công nghiệp có mức tiêu thụ năng lượng 300 TOE (hoặc tương đương với 2.000.000 kWh điện/năm) đến dưới 1.000 TOE (hoặc tương đương dưới 6.500.000 kWh/năm). Đây là đối tượng là số lượng doanh nghiệp chiếm phần lớn trên địa bàn thành phố”.
“Lễ tôn vinh, trao danh hiệu cơ sở, công trình xây dựng sử dụng năng lượng xanh năm 2019 cũng sẽ góp phần phổ biến, nhân rộng các giải pháp tiết kiệm năng lượng tiêu biểu để các cơ sở có mô hình tương tự áp dụng, giúp thúc đẩy công tác quản lý, sử dụng năng lượng hiệu quả, nâng cao hiệu suất sử dụng năng lượng của thành phố cũng như góp phần vào công cuộc ứng phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam; thể hiện quyết tâm của thành phố “Cùng kiến tạo, cùng hành động, cùng phát triển” với các doanh nghiệp trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế thế hệ mới”, ông Nguyễn Thanh Hải, chia sẻ.