Chuyện tiền Giải thưởng Hồ Chí Minh: Ngẫm chuyện “của cho không bằng cách cho”
Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ: Đỉnh cao khoa học Việt Nam Mức thưởng kỷ lục cho Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước |
Cách đây gần 5 tháng, buổi lễ vinh danh các tác giả được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật được tổ chức trang trọng với sự tham gia của lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước, thể hiện sự tôn vinh những văn nghệ sĩ đã dâng hiến trọn đời cho cách mạng, cho nền văn học nghệ thuật nước nhà, thấu hiểu sự sáng tạo đặc biệt, sự đóng góp vô giá và ảnh hưởng rộng lớn của các văn nghệ sĩ cho cách mạng và cho dân tộc.
Những tưởng câu chuyện “có tiền không tiêu được” chỉ xảy đến trong địa hạt kinh tế nhưng hoá ra lại cũng xuất hiện ngay cả ở lĩnh vực văn học nghệ thuật. Theo đó, nhiều văn nghệ sĩ được trao tặng các giải thưởng cao quý nêu trên phản ánh vẫn chưa hề nhận được số tiền kèm theo các giải thưởng dù thời điểm nhận giải thưởng đã qua từ lâu.
Lễ trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật |
Theo quy định hiện hành, mức thưởng hiện nay của Giải thưởng Hồ Chí Minh là 270 lần, Giải thưởng Nhà nước là 170 lần lương cơ sở. Bên cạnh nguồn động viên tinh thần, khoản tiền được trao kèm giải thưởng cũng là nguồn động viên với các tác giả các văn nghệ sĩ cùng gia đình, nhất là nhiều người đã cao tuổi, sức khoẻ không còn được tốt.
Song sau khi được vinh danh, cực chẳng đã, nhiều tác giả đã phải viết thư hỏi bộ chủ quản là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cùng Bộ Tài chính nhưng câu trả lời của quý bộ không giải đáp được đúng cái cần hỏi. Trong khi đó công văn đi, công văn lại của hai bộ này vẫn cho rằng đã làm đúng quy định.
Đến độ ngày 12/10, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã phải triệu tập cuộc họp liên quan đến về kinh phí chi trả tiền khen thưởng cho các tác giả đạt Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2023. Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng đã thẳng thắn phát biểu trong việc này Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Tài chính phối hợp với nhau chưa tốt. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất dự toán kinh phí chưa kịp thời, Bộ Tài chính không xử lý sớm.
"Để xảy ra việc chậm trễ trong việc chi trả tiền khen thưởng như vừa qua, không chỉ làm cho các tác giả đạt giải phiền lòng mà Thủ tướng Chính phủ và bản thân tôi cũng rất buồn, bức xúc, dư luận không đồng tình", Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nói.
Ngay tại cuộc họp, Phó Thủ tướng đã phải “lệnh” Bộ Tài chính ngay trong trong ngày trình Chính phủ xem xét cho phép ứng kinh phí để chi trả cho các tác giả.
Một câu chuyện hoàn toàn thuộc thẩm quyền giải quyết của hai bộ, lại không phải lần đầu mà phải đặt lên bàn lãnh đạo Chính phủ để giải quyết cho thấy trách nhiệm của bộ chức năng rõ ràng nhiều vấn đề phải giải quyết cũng như nhiều câu hỏi được đặt ra.
Ngay tại cuộc họp, đại diện Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã nhận trách nhiệm về sự chậm trễ trong giải quyết tiền thưởng kèm danh hiệu của hai giải thưởng. Còn Bộ Tài chính thừa nhận "trước đây làm chưa chuẩn, nay chuẩn hóa lại".
Cổ nhân vẫn có câu “của cho không bằng cách cho”. “Của” không nhất thiết phải lớn, không nhất thiết phải to nhưng giá trị, ý nghĩa của nó sẽ được nhân lên, hình ảnh của nó sẽ được đẹp lên khi được trao đúng thời điểm, đúng không gian cần có. Đôi khi cách “cho” còn phải khiến cho người ta đắn đo, nghĩ suy khi cái quan trọng nhất: “của” cho đã có. Việc “lệch pha” giữa thời điểm trao danh hiệu và trao giải thưởng nêu trên đã làm cho câu chuyện ghi nhận, vinh danh vì thế mà chưa trọn vẹn ý nghĩa.
Thêm nữa là việc một câu hỏi có thể được nêu lên, phải chăng dấu vết của cơ chế xin-cho vẫn còn tồn tại trong tư duy hành động của một số cán bộ có trách nhiệm thừa hành. Và nếu quả còn như vậy thì đó là điều rất đáng băn khoăn, rất đáng lo ngại khi đây lại là hoạt động thi đua khen thưởng và tôn vinh quan trọng của Đảng, Nhà nước và câu chuyện chậm trễ về tiền nong là điều rất không nên có, rất không nên xảy ra.
Những người khó tính thì cho rằng việc để xảy ra chậm trễ nêu trên cho thấy một tư duy cứng nhắc trong thực thi công vụ có thể dẫn đến việc hành dân. Dân ở đây không ai xa lạ, không ai khác mà chính lại là văn nghệ sĩ, những tác giả đã toàn tâm toàn trí cống hiến cho cách mạng, cho đất nước không chút đắn đo so tính. Thậm chí, nhiều người đã vào sinh ra tử, chắt chiu những giọt lực tinh thần cao quý nhất của mình.
Một câu chuyện hoàn toàn không nên lặp lại và không nên để thành tiền lệ.