Chuyên gia kêu gọi Indonesia áp dụng mô hình thủy sản của Việt Nam
Việt Nam và Indonesia phấn đấu kim ngạch thương mại song phương đạt 15 tỷ USD trước năm 2028 Indonesia đặt mục tiêu xuất khẩu khí đốt sang Việt Nam vào năm 2026 |
Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, ngày 21/2, Chủ tịch Hiệp hội các học giả về các vấn đề biển Indonesia (Iskindo) Riza Damanik bày tỏ hy vọng ngành thủy sản và hàng hải của Indonesia có thể phát triển giống như ở Việt Nam, Thái Lan và Trung Quốc, trong đó ưu tiên phát triển ngành thủy sản và thúc đẩy kinh doanh nghề cá chuyên nghiệp cho ngư dân.
Hải sản tại chợ cá Nghi Thủy, thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An. (Ảnh: Nguyễn Văn Nhật/TTXVN) |
Ông Riza cho biết có rất nhiều hình mẫu phát triển để Indonesia có thể nhìn nhận và lựa chọn con đường phát triển tối ưu nhất.
Thực tế, Indonesia cũng đã đúc rút được nhiều kinh nghiệm từ các mô hình phát triển thủy sản từ các nước trong khu vực để xây dựng mô hình có giá trị.
Ông Riza nhấn mạnh chính phủ các nước Việt Nam, Thái Lan và Trung Quốc đã tạo các cơ chế chính sách để phát triển thương hiệu sản phẩm thủy sản, hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng ngành thủy sản, đảm bảo quyền lợi cho ngư dân...
Các quốc gia trong khu vực cũng nỗ lực duy trì sự bền vững của môi trường. Do đó, giá trị tiềm năng kinh tế của nghề cá đã có những bước nhảy vọt đáng kể lên 50% hoặc thậm chí 500%.
Indonesia là một trong những nướcxuất khẩu thủy sản nuôi trồng hàng đầu, nhưng việc nuôi cá ở nước này từ lâu đã phải trả giá bằng việc tàn phá rừng ngập mặn giàu carbon và các hệ sinh thái ven biển quan trọng khác.
Khi bắt đầu nhiệm kỳ thứ hai của mình, vào năm 2019, Tổng thống Joko Widodo đã yêu cầu Bộ Hàng hải và Thủy sản nâng cao năng suất nuôi trồng thủy sản của đất nước.
Các chuyên gia đã hoan nghênh việc chính phủ thúc đẩy ngành nuôi trồng thủy sản, nhưng nói rằng chương trình này phải đảm bảo quy hoạch môi trường bền vững, đặc biệt là về giải phóng mặt bằng và quản lý chất thải cho các trang trại./.