Chuyển đổi xanh: Doanh nghiệp lúng túng kêu gọi nguồn vốn đầu tư
Việt Nam đang dần chuyển hướng sang các mô hình sản xuất, tiêu dùng thân thiện hơn với môi trường, ít gây ô nhiễm. Điều này được thể hiện qua việc áp dụng các công nghệ sản xuất sạch hơn, tái chế, tái sử dụng nguyên liệu, giảm thiểu chất thải.
Ông Tạ Đình Thi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, cho rằng đa số doanh nghiệp đều nhận thức được vai trò của sản xuất bền vững đối với sự tồn tại, nâng cao năng lực cạnh tranh và sự phát triển lâu bền của chính mình, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn.
"Nhiều doanh nghiệp lúng túng trong việc tìm kiếm, huy động và sử dụng nguồn vốn đầu tư sản xuất xanh, nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo, mở rộng thị trường để tạo ra các sản phẩm có giá trị cao, thân thiện với môi trường", ông Tạ Đình Thi cho biết.
Các diễn giả chia sẻ trong một phiên thảo luận tại sự kiện. Ảnh: Tuấn Anh |
Tương tự, theo ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch Thường trực, kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội (HANOISME), có thể thấy sau khi Việt Nam cam kết giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, chúng ta đã và đang có những hành động thiết thực hướng đến một nền sản xuất bền vững.
“Rõ ràng, muốn hay không muốn các doanh nghiệp phải thay đổi tư duy đưa yếu tố xanh vào trong sản xuất để bắt kịp xu hướng toàn cầu hiện nay, đặc biệt là với những doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa. Nhưng thực tế cho thấy, thay đổi tư duy chỉ là điều kiện cần, quan trọng là có tiền để đầu tư vào dây chuyền sản xuất làm ra các sản phẩm xanh có rất nhiều khó khăn với doanh nghiệp”, ông Quốc Anh nhận định.
Với ngành dệt may, ông Trương Văn Cẩm - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) chia sẻ, dệt may là ngành chịu ảnh hưởng lớn bởi những yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn xanh, bền vững từ các thị trường xuất khẩu lớn như Mỹ, EU. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng có điều kiện về vốn để triển khai bằng mọi giá. Hiện Việt Nam vẫn chưa tự chủ nguyên phụ liệu (trên 70% nguyên phụ liệu phải nhập về), trong khi nguyên phụ liệu cần phải được tra soát nguồn gốc thật kỹ, nếu không sẽ ảnh hưởng lớn đến những lô hàng xuất khẩu.
Ông Cẩm cho biết, ngành dệt may hiện phải nhập khẩu trên 70% nguyên phụ liệu cho sản xuất. Vì vậy, làm thế nào để biết nguồn nguyên phụ liệu có đảm bảo xanh, sạch hay không là vấn đề hết sức quan trọng, đòi hỏi phải truy xuất nguồn gốc bông, sợi…
Ý thức được vấn đề phát triển sản xuất và tiêu dùng bền vững, nên ngay từ đầu năm 2018 Vitas đã thành lập Ủy ban phát triển bền vững với mô hình “3 chữ P” gồm: Phát triển có lãi; nguồn lực bền vững và bảo vệ môi trường. Vitas cũng đã hợp tác với các tổ chức quốc tế tập huấn nâng cao nhận thức cho người sử dụng lao động và cả người lao động về vấn đề phát triển bền vững.
Song ông Cẩm cũng khuyến cáo sản xuất xanh, tiêu dùng bền vững là xu hướng tất yếu. Nếu phù hợp với khả năng và nguồn lực của mình, các doanh nghiệp có thể triển khai làm sớm, từ đó tăng thêm cơ hội khai thác những thị trường đẳng cấp, khó tính, mở rộng thêm thị trường.
Lãnh đạo VITAS cho rằng cần một sự đồng bộ về chính sách từ các cơ quan quản lý nhà nước đến các địa phương, khu công nghiệp và doanh nghiệp thì mới triển khai tốt chuyển đổi xanh. Bên cạnh đó, ông Cẩm nhận định cần truyền thông tích cực hơn nữa tới người dân, để người tiêu dùng hiểu và nhận biết rõ sản phẩm xanh và hiểu được quy trình sản xuất và nguồn lực của doanh nghiệp bỏ ra không ít, cho nên giá thành hiện vẫn còn cao so với mặt bằng thu nhập chung.
Đua ra các giải pháp để hỗ trợ các doanh nghiệp trong cuộc cách mạng xanh, ông Mạc Quốc Anh cho rằng có thể xem xét hỗ trợ tài chính và chính sách, tạo điều kiện hợp tác và đối tác, đào tạo và tư vấn, thúc đẩy nghiên cứu và phát triển (R&D), xây dựng cơ chế thực thi và giám sát, tăng cường thị trường và tiêu thụ...
"Những chính sách và hỗ trợ này có thể giúp giảm bớt gánh nặng tài chính và cung cấp động lực cho các doanh nghiệp trong việc chuyển đổi sang sản xuất xanh, từ đó góp phần vào việc đạt được các mục tiêu về phát triển bền vững", ông Mạc Quốc Anh cho biết.
Theo đó, để thúc đẩy hơn nữa sản xuất, tiêu dùng bền vững tại Việt Nam, cần nhận diện đầy đủ các thách thức, xu hướng mới trong sản xuất, đồng thời đưa ra các giải pháp có tính chiến lược, kịp thời. Từ đó, khuyến khích các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân áp dụng khoa học, công nghệ và thay đổi phương thức quản lý nhằm hướng đến sản xuất sạch hơn mà còn định hướng và thay đổi hành vi tiêu dùng hướng đến tiêu dùng bền vững tại Việt Nam và đề xuất những chính sách, giải pháp mới mang tính đột phá, khả thi để Việt Nam có thể nhanh chóng chuyển dịch sang mô hình sản xuất, tiêu dùng thân thiện với môi trường.