Chuyển đổi số - cơ hội chuyển mình của doanh nghiệp Việt
Đón bắt cơ hội số
DN lớn trong lĩnh vực nông nghiệp, Tập đoàn Lộc Trời đang có 3.600 nhân sự, hơn 2.000 đại lý trên toàn quốc cùng kết nối hợp tác với 1 triệu hộ nông dân nhằm cung ứng giống cây trồng, xuất khẩu… trên diện tích đất hơn 1 triệu ha. Để có thể vận hành trơn tru các hoạt động của mình, trong những năm qua, DN này đã xác định chuyển đổi số là yêu cầu bắt buộc.
Doanh nghiệp trải nghiệm sản phẩm chuyển đổi số của Tập đoàn FPT. Ảnh: Ngọc Thành |
Toàn bộ các hoạt động sản xuất nông nghiệp trên quy mô lớn như sản xuất, quản lý sâu bệnh, giám sát năng suất… đều được Lộc Trời quản lý trên nền tảng số của mình. Có thể kể đến như bàn đồ số để người nông dân nắm bắt rõ hiện trạng cánh đồng của mình, thiết bị bay không người lái trong canh tác, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) nhằm dự báo tình hình sâu bệnh, dịch hại, cũng như tăng năng suất cho diện tích nông nghiệp.
Trên đây là một ví dụ tiêu biểu về thành công của một DN khi sẵn sàng tự thay đổi mình nhằm đón bắt các cơ hội lớn từ chuyển đổi số. Theo tính toán từ các chuyên gia, chuyển đổi số có thể giúp DN tăng trung bình 55% tổng lợi nhuận, tăng năng suất lao động lên từ 30 - 40% và tiết kiệm 50% chi phí quản lý và nhân sự.
Với những gì chuyển đổi số mang lại, rõ ràng đây là bước chuyển mình bắt buộc đối với cộng đồng DN Việt, đặc biệt là khối DN nhỏ và vừa (SME). Với việc đang chiếm tới 98% tổng số DN đang hoạt động, sử dụng 70% lực lượng lao động và đóng góp khoảng 50% GDP, việc chuyển đổi số thành công cho khối này được dự báo sẽ giúp GDP tăng thêm khoảng 30 tỷ USD.
Mặc dù vậy, một cuộc khảo sát của Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (Vinasa) lại đưa ra những con số rất đáng báo động. Trong số lãnh đạo của các DN SME được hỏi, có tới 72% không biết phải bắt đầu chuyển đổi số từ bộ phận nào trong đơn vị mình, 92% không biết phải chuyển đổi số thế nào cho phù hợp và 69% không biết có mong muốn thuê ngoài để chuyển đổi nhưng không biết đối tác nào để triển khai. Do đó, theo ước tính, tới hiện tại chỉ mới xấp xỉ 20% DN chuyển đổi số thành công trong tổng số toàn bộ các đơn vị SME tham gia chuyển đổi số.
Theo Phó Viện trưởng Viện Phát triển DN (VCCI) Lê Thị Thu Thủy, trên thực tế, có nhiều DN SME nhận thức được chuyển đổi số sẽ giúp họ có được mô hình hoạt động kinh doanh hiệu quả hơn nhưng khi thực hiện lại không biết bắt đầu từ đâu. Thậm chí có nhiều DN còn tỏ ra chưa quan tâm hoặc chưa chú trọng đến chuyển đổi số khi cho rằng DN nhỏ ít chịu tác động từ quá trình thay đổi này.
với DN SME, rào cản cho chuyển đổi số không chỉ nằm ở các yếu tố như quyết tâm của lãnh đạo, lộ trình phù hợp mà quan trọng nhất là nằm tại chi phí. Hiện chi phí ứng dụng các giải pháp công nghệ số, đặc biệt là các dịch vụ của nước ngoài đang ở mức quá cao so với tiềm lực tài chính của DN SME.
Bên cạnh đó, các yếu tố về bảo mật như rò rỉ dữ liệu, lộ lọt thông tin cũng khiến nhiều DN chưa sẵn sàng ứng dụng công nghệ mới vào hoạt động kinh doanh của mình, bà Lê Thị Thu Thủy chia sẻ.
Sử dụng nền tảng số Make in Viet Nam
giải những bài toán như lộ trình phù hợp, công nghệ và đặc biệt là kinh phí, những yếu tố rào cản để DN SME tiếp cận với chuyển đổi số, ngay từ năm 2021, Bộ TT&TT và một số DN công nghệ hàng đầu trong nước đã triển khai Chương trình hỗ trợ DN nhỏ và vừa chuyển đổi số (SMEdx). Đây được xem là hoạt động quan trọng và cần thiết để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong DN SME thông qua ứng dụng các nền tảng số Make in Viet Nam.
Tính đến hiện tại, đã có hơn 318.000 DN SME được hỗ trợ chuyển đổi số thông qua Chương trình SMEdx. Đáng chú ý, con số trên đã tăng tới 760% so với 37.000 DN được tiếp cận Chương trình trong cả năm 2021. Theo kế hoạch, dự kiến đến hết năm 2022, sẽ có khoảng 360.000 DN SME được tiếp cận và tham gia Chương trình SMEdx.
Với việc sử dụng các nền tảng số qua SMEdx, DN được chuyển giao quy trình chuẩn, cho phép vừa ứng dụng công nghệ, vừa thay đổi, tái cấu trúc để nâng cao hiệu quả hoạt động. Các nền tảng số được tích hợp thành hệ sinh thái số đầy đủ, DN SME không cần đầu tư nhiều thiết bị, hạ tầng; thời gian triển khai nhanh, chỉ từ vài giờ đến 1 ngày là có thể áp dụng.
Về các nền tảng số Make in Viet Nam cũng đạt được nhiều bước tiến quan trọng. Cụ thể, đã hình thành được hệ sinh thái nền tảng số quốc gia với 35 nền tảng, trong đó có 23 nền tảng được triển khai thực tế. Những nền tảng này về cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu của chuyển đổi số, tạo ra hạ tầng mềm nhằm phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số quốc gia trong từng ngành, lĩnh vực, địa bàn.
Bên cạnh đó là 182 nền tảng số từ 22 DN công nghệ đã được đăng ký nhằm hỗ trợ toàn diện quá trình chuyển đổi số.
Cũng trong năm 2022, Bộ TT&TT đã ra mắt Bộ công cụ đánh giá mức độ chuyển đổi số của DN (DBI), trong đó SME là nhóm DN được đánh giá chính. Nói về việc hỗ trợ DN SME chuyển đổi số, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng khẳng định đây sẽ là hoạt động tiếp tục được Bộ cùng 63 địa phương tiếp tục đẩy mạnh trong năm 2022.
Bên cạnh tăng cường các nền tảng số Make in Viet Nam, sẽ hình thành mạng lưới tư vấn kinh tế số và tổ chức mạng lưới tổ công nghệ số cộng đồng đến cấp xã để hỗ trợ triệt để chuyển đổi số cho các DN SME, đặc biệt là các hộ sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ.
"Các nền tảng số Make in Viet Nam là giải pháp đột phá để DN chuyển đổi số qua đó phổ biến công nghệ số vào mọi hoạt động sản xuất kinh doanh. Chuyển đổi số thành công là DN có doanh thu, lợi nhuận tốt, đây không phải là thêm một nhiệm vụ mà là một cách làm mới." - Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng |