Chứng khoán tuần qua 19-23/2/2024: Giao dịch không mấy tích cực, khối ngoại vẫn bán ròng
Chứng khoán tuần qua
Chứng khoán tuần qua 19-23/2/2024, kết thúc tuần VN-Index tăng điểm nhẹ so với phiên cuối tuần trước, kết tuần ở mức 1.212 điểm, vượt lên vùng giá tâm lý 1.200 điểm. HNX-Index kết tuần ở mức 231,08 điểm giảm 0,84% so với tuần trước.
Thị trường chứng khoán, trong tuần tổng giá trị giao dịch trên HOSE đạt 118.101 tỷ đồng, tăng mạnh và trung bình khối lượng giao dịch gần 01 tỷ cổ phiếu/phiên. HNX-Index thanh khoản cũng tăng mạnh với 8.771,72 tỷ đồng được giao dịch.
Theo Công ty Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội, trong tuần ngân hàng là nhóm cổ phiếu có ảnh hưởng mạnh đến thị trường với mức độ phân hóa cao, thanh khoản đột biến thu hút dòng tiền ngắn hạn xoay vòng gia tăng giao dịch mạnh, nhiều mã kết tuần vẫn tăng giá mạnh, vượt vùng đỉnh cũ như BID (+7,11%), VAB (+6,25%), TCB (+4,16%)... trong khi đa số giảm điểm với LPB (-4,74%), HDB (-3,43%), OCB (-3,18%), EIB (-2,65%).
Nhóm cổ phiếu dịch vụ tài chính, chứng khoán chủ yếu biến động trong biên độ hẹp nhưng chịu áp lực bán mạnh trong phiên cuối tuần, kết tuần hầu hết giảm điểm với TVB (-7,44%), APG (5,78%), VND (-4,96%), AGR (-4,34%)... ngoài IVS (+10,68%), HBS (+3,85%).
Các cổ phiếu bất động sản cũng là nhóm có diễn biến kém tích cực nhất so với thị trường chung khi hầu hết giảm điểm, chịu áp lực bán mạnh ở phiên cuối tuần như TCH (-6,20%), DIG (-6,10%), PDR (-5,72%), ITC (-5,24%)... ngoài các mã đột biến tích cực CCL (+13,26%), VRE (+13,11%), PXL (+10,71%).
Trong khi đó các cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp, cao su mặc dù chiụ áp lực bán mạnh trong phiên cuối tuần nhưng kết thuc tuần nhiều mã vẫn tăng giá tốt, nổi bật với TIP (+6,83%), IDV (+6,70%), GVR (+3,38%)... ngoài LHG (-2,87%), DPR (-2,72%), KBC (-2,70%).
Chứng khoán tuần qua, thị trường kém tích cực. Ảnh: baochinhphu.vn |
Chính sách tuần qua
Thị trường chứng khoán tuần qua đón nhận nhiều thông tin như Ngân hàng Nhà nước tiếp tục duy trì các mức lãi suất điều hành như hiện nay, ít nhất trong nửa đầu năm 2024.
Hay theo như Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, Ngân hàng Nhà nước sẽ thực hiện kéo dài thời gian áp dụng Thông tư 02 về cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ. Điều này nhằm giúp tạo điều kiện cho kinh tế chung phục hồi khi nhiều đại diện ngân hàng dự báo các khách hàng vẫn tiếp tục gặp khó khăn trong năm 2024.
Sáng ngày 20/02, Ngân hàng Nhà nước công bố dữ liệu về kinh tế trong Hội nghị toàn ngành về đẩy mạnh tín dụng ngân hàng 2024. Theo đó, dữ liệu cho thấy dư nợ tín dụng toàn hệ thống cuối tháng 01/2024 giảm 0,6% so với ngày 31/12/2023.
Về thị trường thế giới, theo biên bản cuộc họp tháng 1 được công bố hôm 21/2/2024 của FED, các quan chức FED vẫn lo ngại lạm phát còn đang ở mức cao hơn mục tiêu 2%, mặc dù lãi suất đã tăng gần hai năm để hạ nhiệt áp lực giá cả. Các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ vẫn “chú ý cao độ” đến rủi ro lạm phát và cảnh giác với việc cắt giảm lãi suất quá nhanh.
Biên bản nhấn mạnh rằng vẫn còn quá sớm để cắt giảm lãi suất, hiện đang ở mức cao nhất trong vòng 23 năm là từ 5,25% đến 5,5%. Điều này đi ngược với kỳ vọng của thị trường về khả năng nới lỏng chính sách tiền tệ ngay sau tháng 3/2024.
Trong ngày 18/2, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã đưa ra quyết định sẽ giữ nguyên lãi suất đối với các khoản vay trung hạn. Khoảng 500 tỷ tệ, xấp xỉ 69,51 tỷ USD có kỳ hạn 1 năm sẽ giữ nguyên lãi suất ở mức 2,5%. Lí do được đưa ra là tác động của việc Mỹ chưa chắc chắn về thời điểm hạ lãi suất, khiến cho các chính sách tiền tệ của Trung Quốc bị hạn chế khả năng hành động.