Chứng khoán tuần qua 11/12 - 15/12: Diễn biến tiêu cực, khối ngoại tiếp tục bán ròng 13 phiên liên tiếp
Chứng khoán tuần qua 4/12 - 8/12/2023: Thị trường đang trong nhịp hồi phục sau khi giảm sâu Giá vàng chiều nay 15/12/2023: Vàng bất ngờ giảm nhẹ Tỷ giá USD chiều nay 30/11: USD đồng loạt tăng giá |
Chứng khoán tuần qua diễn biến tiêu cực
Chứng khoán tuần qua 11/12 - 15/12, có diễn biến kém tích cực dưới áp lực bán ròng mạnh liên tiếp của khối ngoại với động thái giao dịch được cho là từ các nhà đầu tư Thái Lan khi Thái Lan sẽ áp thuế thu nhập cá nhân với khoản đầu tư nước ngoài, áp dụng vào đầu năm 2024.
Theo Công ty Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội thị trường chứng khoán, VN - Index sau 02 phiên đầu tuần tăng điểm nhẹ ở vùng 1.130 điểm tương ứng vùng giá cao nhất tháng 11/2023 đã có 03 phiên liên tiếp chịu áp lực bán khá mạnh. Kết thúc tuần VN-Index ở mức 1.102,30 điểm giảm 1,97% so với tuần trước, HNX-Index có diễn biến tương tự, kết tuần HNX-Index giảm 1,81% so với tuần trước về mức 227,02 điểm.
Trong tuần thanh khoản trên HOSE đạt 77.512,71 tỷ đồng, giảm 25,8% so với tuần trước, khối lượng giao dịch giảm 27,6%. Thể hiện thị trường phân hóa, nhiều mã vẫn tích lũy, hồi phục tốt trước áp lực bán. Thanh khoản HNX giảm 32,0% so với tuần trước với 8.766,53 tỷ đồng được giao dịch.
Nhóm cố phiếu vốn hóa lớn trong VN30 sau tuần phục hồi tốt đa số chịu áp lực điều chỉnh mạnh trở lại dưới áp lực bán của khối ngoại, thanh khoản trên mức trung bình như MSN (-4,83%), BCM (-4,62%), VPB (-4,59%), MWG (-4,34%), SAB (-4,27%), STB (-3,90%)... ngoài các mã vẫn duy trì xu hướng tích cực với FPT (+2,12%), VIC (+1,75%), ACB (+1,56%), HDB (+1,11%).
Các cổ phiếu nhóm cổ phiếu bất động sản có diễn biến kém tích cực hơn, đa số chịu áp lực điều chỉnh mạnh, thanh khoản ở mức trung bình với PDR (-8,36%), L14 (-6,07%), DIG (-5,79%), QCG (-5,65%), NHA (-5,62%).
Các cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp cũng có diễn biến tương tự, đa số chịu áp lực bán khá mạnh, thanh khoản trên mức trung bình như DTD (-6,11%), KBC (-5,68%), VGC (-5,20%), TIP (-4,72%), BCM (-4,62%).
Trong khi đó các cổ phiếu dịch vụ tài chính, chứng khoán lại có diễn biến phân hóa tích cực hơn với MBS (+2,73%), HCM (+1,61%), FTS (+0,71%)... ngoài các mã chịu áp lực điều chỉnh, thanh khoản trên mức trung bình như VIX (-4,07%), VFS (-3,72%), PSI (-3,30%), VCI (-3,11%).
Nhà đầu tư nước ngoài gia tăng giao dịch tiếp tục bán ròng đột biến trong tuần với giá trị 3.461,28 tỷ đồng trên HOSE, tập trung bán ròng mạnh nhóm ngân hàng, thép, bất động sản; mua ròng trên HNX với giá trị 154,77 tỷ đồng.
Chứng khoán tuần qua, thị trường diễn biến tiêu cực, khối ngoại tiếp tục bán ròng 13 phiên liên tiếp |
Chính sách tuần qua, Fed giữ nguyên lãi suất
Trong tuần thị trường đón nhận nhiều thông tin như, tổ chức Xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings đã nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam lên mức BB+, với triển vọng “Ổn định”.
Theo Fitch Ratings, việc nâng hạng phản ánh triển vọng tăng trưởng trung hạn thuận lợi của Việt Nam, được củng cố bởi dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mạnh mẽ. Trong trung hạn, theo Fitch Ratings, tăng trưởng GDP năm 2023 của Việt Nam ước tính đạt khoảng 4,8%, thấp hơn khá nhiều so với con số 8% của năm 2022. Tuy nhiên, sang đến năm 2024 GDP Việt Nam sẽ tăng trưởng được 6,3% và 6,5% trong năm 2025.
Ngân hàng Phát triển Châu Á vừa công bố báo cáo Triển vọng châu Á. Theo đó, ước tăng trưởng của Việt Nam năm 2023 giảm xuống mức 5,2% so với dự báo hồi tháng 9 là 5,8%. Nguyên nhân là do nhu cầu bên ngoài yếu cản trở sự phục hồi của nền kinh tế. Dự báo, Việt Nam sẽ tăng trưởng tốt hơn vào năm 2024, đạt tương đương mức Quốc hội giao cho Chính phủ là 6%.
Fed quyết định giữ nguyên lãi suất (5,25% - 5,5%) sau cuộc họp chính sách, đồng thời lần đầu tiên kể từ tháng 3/2021, các nhà hoạch định chính sách đưa ra dự báo sẽ không tăng thêm lãi suất và dự kiến ít nhất sẽ có 3 lần cắt giảm lãi suất vào năm 2024.
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) đều quyết định tiếp tục giữ nguyên lãi suất. Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) cho biết thương mại toàn cầu trong năm nay ước tính sụt giảm 5% so với năm ngoái, đồng thời dự báo triển vọng ảm đạm vào năm 2024.
Bộ Lao động Mỹ công bố báo cáo chỉ số giá tiêu dùng, CPI tháng 11 của Mỹ đã tăng 0,1% và tăng 3,1% so với cùng kỳ năm ngoái. CPI lõi, loại trừ giá thực phẩm và năng lượng dễ biến động, đã tăng 0,3% trong tháng 11 và 4% so với tháng 11/2022.
Theo báo cáo, thương mại hàng hóa bị ảnh hưởng nặng nề nhất với mức giảm dự kiến 8%, tương đương khoảng 2 nghìn tỉ đô la. Trong khi đó, thương mại dịch vụ dự kiến tăng khoảng 7%, tương đương 500 tỉ đô la. “Thương mại toàn cầu đã tăng trưởng âm kể từ giữa năm 2022, chủ yếu do thương mại hàng hóa sụt giảm đáng kể và tiếp tục giảm trong ba quí đầu năm 2023. Ngược lại, thương mại dịch vụ cho thấy khả năng chống chịu tốt hơn và vẫn tăng trưởng tích cực trong cùng thời kỳ”.
Dow Jones tăng lên mức kỷ lục mới trong ngày 13/12 khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) báo hiệu sẽ cắt giảm lãi suất vài lần trong năm 2024. Điều này làm hài lòng những nhà đầu tư vốn kỳ vọng ngân hàng trung ương cuối cùng sẽ công nhận xu hướng hạ nhiệt của lạm phát và bắt đầu nới lỏng chính sách vào năm sau.
Kết phiên 13/12, Dow Jones tăng 512,3 điểm (tương đương 1,4%) lên 37.090,24 điểm, vượt kỷ lục trước đó được thiết lập vào tháng 1/2022. Ở mức cao nhất trong phiên, Dow Jones chạm mức 37.094,85.