Chế tài xử phạt chưa nghiêm, thao túng chứng khoán vẫn tiếp diễn
Ủy ban Chứng khoán sẽ theo dõi sát thị trường để có giải pháp phù hợp Chứng khoán: Áp lực chốt lời từ nhóm cổ phiếu bất động sản |
Mức xử phạt chưa đủ tính răn đe là một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng nhờn luật.
Gia đình rủ nhau "bán chui" cổ phiếu
Mức độ xử lí vi phạm thao túng chứng khoán hiện nay vẫn chưa đủ tính răn đe. |
Căn cứ kết quả giám sát, kiểm tra của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) và kết quả xác minh của cơ quan công an, mới đây, UBCKNN ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Đoàn Bá Hồng (phường Lê Thanh Nghị, TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương).
Cụ thể, ông Đoàn Bá Hồng bị phạt tiền 550 triệu đồng do có hành vi giao dịch thao túng thị trường chứng khoán. Đối tượng đã sử dụng 24 tài khoản để giao dịch tạo cung, cầu giả tạo, thao túng cổ phiếu Công ty CP Xây dựng 1369 (mã chứng khoán C69).
Tuy nhiên, theo kết quả xác minh của cơ quan công an, chưa đủ căn cứ để xác định ông Đoàn Bá Hồng vi phạm quy định tại Điều 211 Bộ luật Hình sự. Kết quả kiểm tra, kết quả tính toán số lợi bất hợp pháp từ việc thực hiện hành vi vi phạm của ông Đoàn Bá Hồng cho thấy không có số lợi bất hợp pháp.
Trong một vụ việc khác vừa được công bố, vào ngày 30.11.2022, ông Đỗ Quý Hải - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Đầu tư Hải Phát (Hải Phát Invest, mã chứng khoán HPX) - đã bán 6,279 triệu cổ phiếu HPX nhưng không báo cáo trước khi thực hiện giao dịch. Với hành vi trên, ông Hải bị phạt hành chính với số tiền gần 1,255 tỉ đồng, đình chỉ giao dịch trong thời gian 4 tháng.
Cùng ngày ông Hải "bán chui" cổ phiếu, vợ và em trai cũng có hành vi tương tự. Hai đối tượng này đã bị UBCKNN xử phạt hơn 700 triệu đồng.
Tại phiên giao dịch này, cổ phiếu HPX chứng kiến khối lượng khớp lệnh kỉ lục lên đến 165 triệu đơn vị, tương ứng gần 1.400 tỉ đồng. Gần 50% cổ phiếu HPX được sang tay. Đến nay, thị giá HPX chỉ còn chưa đến một nửa (4.250 đồng/cổ phiếu) so với thời điểm nêu trên.
Có thể thấy, sau hàng loạt vụ việc thao túng chứng khoán đình đám bị phanh phui vào năm trước như Trịnh Văn Quyết, Đỗ Thành Nhân, Đỗ Đức Nam... hiện tượng này vẫn tiếp diễn. Điều đó không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến nhà đầu tư mà còn cả niềm tin vào thị trường chứng khoán.
Mức xử phạt cần thêm đột phá
Bà Tạ Thanh Bình - Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, UBCKNN - cho biết, Uỷ ban đang đặt nhiệm vụ trọng tâm nghiên cứu đưa vào Luật Chứng khoán về việc nâng cao chế tài xử phạt.
"Mặc dù Luật Chứng khoán 2019 đã quy định mức xử phạt rất cao so với mặt bằng chung là tối đa 3 tỉ đồng đối với tổ chức và 1,5 tỉ đồng đối với cá nhân vi phạm, nhưng với diễn biến thị trường vừa qua, mức phạt này chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Do đó cần có những quy định nâng cao và mang tính chất đột phá hơn nữa. Chúng tôi kì vọng khôi phục được niềm tin và đảm bảo sự phát triển lành mạnh, minh bạch và bền vững của thị trường chứng khoán" - bà Bình nói.
Đồng quan điểm, luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty luật SBLaw - đánh giá, dù quy định xử phạt hành chính đã ở mức kịch khung, song mức độ xử lí vi phạm hiện vẫn chưa đủ tính răn đe.
Luật sư nhấn mạnh: "Đây là một mức phạt rất thấp nếu so sánh với thiệt hại mà hành vi đó gây ra cũng như lợi ích mà người thực hiện hành vi nhận được. Điều này dẫn đến những hành vi vi phạm liên tục lặp lại, gây thao túng và lũng đoạn thị trường".
Không những thế, hiện nay chưa có các quy định, hướng dẫn làm cơ sở pháp lí trong việc xác định thiệt hại cho các khách hàng tham gia mua bán các mã chứng khoán trong giai đoạn bị thao túng để có căn cứ xác định thiệt hại.