Cần xóa bỏ bất cập trong Luật Xây dựng
|
Thưa ông, theo đánh giá của nhiều DN ngành xây dựng, hiện nay còn nhiều quy định chồng chéo trong các bộ luật quản lý ngành xây dựng (XD) và bất động sản (BĐS), đặc biệt trong vấn đề thẩm định và thẩm tra. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?
Phải khẳng định rằng, trong khoảng 10-15 năm qua, ta xây dựng nhiều luật liên quan đến ngành XD và BĐS nhưng thực tế, luật nọ vẫn chồng luật kia. Đơn cử, ta đã có Luật XD, trong khi đó Luật Quy hoạch cũng nói đến XD, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS cũng có nhiều quy định về XD, gây nên sự chồng chéo và khiến DN bức xúc.
Ví dụ, DN thắc mắc là theo quy định trong Luật XD, việc thẩm định đang được quy định quá phức tạp, không đúng vai. Cụ thể, cơ quan quản lý nhà nước chỉ nên là nơi đưa ra các quy định chung về quản lý nhà nước, đồng thời thực hiện công tác thẩm tra. Còn việc thẩm định dự án, nhất là thẩm định thiết kế thì nên để các công ty tư vấn làm, nhà nước chỉ đứng ra chỉ định thôi.
Do nhà nước hiện nay cũng được giữ trò thẩm định cho nên sau khi một dự án được cấp phép, Bộ XD là một “mắt xích” thẩm định, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cũng thẩm định, cơ quan phòng cháy chữa cháy cũng thẩm định. DN muốn có giấy phép phải xin thẩm định ở 3 nơi, trải qua 3 bước khác nhau, rất vướng víu. Tiếp đó, đến khi có thiết kế cơ sở cũng lại tiếp tục 3 bước thẩm định đó, thời gian đôi khi mất cả năm trời, tốc độ triển khai dự án bị chậm lại, DN mất cơ hội. Cho nên chúng tôi cho rằng, chỉ nên còn 1 bước thẩm định, do công ty tư vấn làm. Cơ quan nhà nước chỉ làm một bước là thẩm tra đầu tiên thôi, nghĩa là dự án đó có ích nước lợi nhà không? Nền kinh tế có chấp nhận không? Nguồn vốn ra sao? Còn tất cả các khâu thẩm định phía sau sẽ do cơ quan tư vấn làm để khỏi ách tắc.
Theo phản ánh của các DN, cá nhân, hiện các quy định của Luật XD chưa thực sự tạo sức hút đối với nguồn vốn tư nhân đầu tư vào lĩnh vực XD và BĐS, ông đánh giá vấn đề này như thế nào?
Đó cũng là một vướng mắc của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật XD. Bởi hiện DN ngoài quốc doanh đang vươn lên mạnh mẽ trong ngành XD, nguồn vốn đổ về nhiều từ lượng kiều hối, DN tư nhân như Vincom, FLC,… Tuy nhiên, Điều 136 vẫn quy định đơn giá định mức nhà nước do Bộ XD ban hành. Luật XD 2005 chúng ta đã mở ra, nhưng đến Luật 2013 lại đưa đơn giá định mức vào. Trong dự thảo Luật sửa đổi, Bộ vẫn để “nước đôi” là tham khảo áp dụng. Nhưng DN chúng tôi nói với nhau rằng, để như vậy sẽ rất phức tạp vì cơ quan thuế vẫn có cơ sở yêu cầu quyết toán theo đơn giá định mức.
Chưa kể, hiện nay còn sự bất bình đẳng trong thực hiện hợp đồng XD giữa chủ đầu tư và nhà thầu. Cụ thể, nhà thầu muốn dự thầu phải nộp bảo lãnh dự thầu. Đến lúc ký hợp đồng nộp bảo lãnh tạm ứng . Đến khi thực hiện hợp đồng nộp bảo lãnh thực hiện hợp đồng. Nhưng ở chiều ngược lại, chủ đầu tư lại không phải nộp bảo lãnh thanh toán. Điều này dẫn đến 100% các nhà thầu đều có nợ đọng trong XD cơ bản. Và chuyện có thể đòi được hay không là cả một bài toán phức tạp. Có thể nói là tùy thuộc chủ đầu tư, còn đi kiện tòa dân sự thì không bao giờ giải quyết được vì không có luật nào quy định về bảo lãnh thanh toán cả. Do đó, chúng tôi kiến nghị Luật XD phải có quy định chủ đầu tư bảo lãnh thanh toán, ít ra phải là 30% cuối cùng, vì đây là giai đoạn rủi ro rơi vào nhà thầu.
Từ thực tế, ông có thể cho biết thêm những khó khăn của các DN, nhà đầu tư trong lĩnh vực XD hiện nay?
Việc cấp phép và thanh tra hiện nay cũng là việc gây bức xúc, cấp phép không quy định rõ ràng gây rắc rối cho nhà đầu tư. Ví dụ TP. Hồ Chí Minh có quy định là nếu đã có quy hoạch 1/500 chi tiết thì không phải xin phép cấp phép. Tôi cho rằng đó là điều văn minh. Tuy nhiên, nhiều nơi lại không làm được như vậy.
Giấy phép XD đứng ra cần ngắn gọn, dễ thực hiện, nhưng thực tế giấy phép của ta hiện nay dài đến 5 - 6 trang nhưng lại rất nhiều tiểu tiết. Thậm chí, chỉ sửa cái toilet từ chỗ này sang chỗ kia thôi là lại phải xin phép, phải điều chỉnh giấy phép.
Chưa kể, hiện nay hệ thống thanh tra chưa có hệ thống quản lý từ trên xuống dưới, gây nên rắc rối là DN nào cũng phải chịu thanh tra, từ thanh tra XD đến thanh tra thuế,… Cho nên có DN từ đầu năm đến nay đã tiếp 5- 6 đoàn thanh tra, dù Thủ tướng đã yêu cầu chỉ có 1 đoàn thanh tra. Cần phải xem xét, hệ thống và công tác thanh tra để không ảnh hưởng đến tình hình sản xuất kinh doanh của DN.
Xin cảm ơn ông!
GP.Invest là một trong những thương hiệu BĐS uy tín trên thị trường với tổng tài sản lên tới trên 2.000 tỷ đồng. Các dự án của công ty như GPI Building; Nam Đô Complex; Tràng An Complex; …đều được hoàn thành trước tiến độ với chất lượng được đảm bảo. Trong đó, dự án Tràng An Complex đã được vinh danh trong top 15 dự án BĐS hấp dẫn nhất Việt Nam năm 2016 do độc giả Báo Đầu tư bình chọn. |