Cẩn trọng "tiền mất, tật mang" vì thực phẩm chức năng
“Chất lượng không như quảng cáo”
Sau khi tìm hiểu thông tin trên mạng, chị Trần Cẩm Vân, ở Thượng Đình, quận Thanh Xuân (Hà Nội) cho biết đã bỏ ra hơn 6 triệu đồng mua 10 hộp TPCN để bồi bổ cho mẹ phục hồi cơ thể sau lần ốm vừa rồi. Tuy nhiên, sau gần một tháng dùng hết 7-8 hộp TPCN mà cơ thể không có gì thay đổi, mẹ chị vẫn phải nằm một chỗ”. Đáng nói, trên tờ rơi quảng cáo, người bán hàng tư vấn cho chị, đây là loại TPCN rất hiệu quả cho người già phục hồi sau khi bị tai biến mạch máu não, chỉ cần sử dụng đều đặn trong khoảng nửa tháng là tình trạng sức khỏe của người bệnh có tiến triển tốt. “Thực tế thì chất lượng lại không như những gì mà người ta đã quảng cáo” – chị Vân ngán ngẩm.
Tương tự trường hợp của chị Vân, sau khi khỏi các triệu chứng F0 của bệnh Covid-19, chị Ngọc Thuỷ, ở Triều Khúc, quận Thanh Xuân (Hà Nội) nhận thấy cơ thể hay mệt, uể oải, thở dốc khi làm việc… Qua một vài tư vấn của “bác sỹ mạng” trên một trang mạng xã hội về loại TPCN phục hồi cơ thể, tăng đề kháng với liệu trình 3 tháng, trị giá 3,7 triệu đồng, chị Thuỷ quyết định trải nghiệm. Kết quả, chưa kịp trải nghiệm hết liệu trình 3 tháng, chị Thuỷ đã phải nhập viện trong tình trạng rối loạn nhịp tim, sức khoẻ yếu hơn trước.
Hay, rất nhiều người có quan niệm sai lầm rằng nếu nạp nhiều kẽm, vitamin D hoặc vitamin C, có thể giúp giảm tình trạng nghiêm trọng của Covid-19, nên nhiều người tự mua các loại thuốc bổ sung với hy vọng phòng ngừa Covid-19 nghiêm trọng và tử vong. Nhưng một nghiên cứu mới cho thấy, các chất bổ sung này không làm giảm tình trạng này và có thể dẫn đến tác dụng phụ nếu dùng quá liều lượng cho phép. Thay vào đó, một chế độ dinh dưỡng hợp lý sẽ nhanh chóng giúp cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng, phục hồi sức khỏe cho người bệnh.
Thực tế, đây chỉ là một trong số những nạn nhân bị đánh lừa bởi những thông tin quảng cáo sai sự thật của nhiều loại thực phẩm bổ sung, TPCN giữa tình hình dịch bệnh Covid-19 căng thẳng như hiện nay. Bởi chỉ cần vài thao tác tìm kiếm đơn giản trên mạng có thể tìm thấy hàng chục triệu kết quả từ rất nhiều các trang web, diễn đàn khác nhau, quảng cáo các loại sản phẩm như: viên nang, nước uống, bột, súp, siro, trà… dành cho đủ mọi đối tượng, độ tuổi và đủ loại tác dụng khác nhau. Mặc dù chỉ là TPCN, nhưng các sản phẩm này được không ít nhà sản xuất, phân phối đua nhau quảng cáo trên mạng, trên báo chí, truyền hình và thổi phồng tác dụng lên quá mức, như là một loại “thần dược” có khả năng khắc chế, tăng cường đề kháng, thậm chí có tác dụng đối với các bệnh nan y.
Cẩn trọng "tiền mất, tật mang" vì thực phẩm chức năng |
Làm giả tinh vi
Vừa qua, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 1, Cục QLTT tỉnh Tiền Giang đã hoàn chỉnh hồ sơ xử lý 01 mẫu thực phẩm có chất lượng không phù hợp với tiêu chuẩn đã công bố, thu phạt gần 15 triệu đồng; chuyển cơ quan Công an xử lý 01 mẫu thực phẩm giả về giá trị sử dụng, công dụng. Trước đó, ngày 15/12/2021, Đội QLTT số 1 phối hợp với Trung tâm Y tế TP. Mỹ Tho tiến hành kiểm tra 02 cơ sở kinh doanh thực phẩm trên địa bàn TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang. Đoàn kiểm tra lấy 03 mẫu thực phẩm bổ sung để gửi thử nghiệm chất lượng; kết quả, có 02 mẫu vi phạm (chiếm 66,7%).
Trong đó, có 01 mẫu giả về giá trị sử dụng, công dụng có dấu hiệu tội phạm theo Điều 193 Bộ Luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017 và Điều 62 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, được sửa đổi, bổ sung năm 2020. Do đó, ngày 13/01/2022 Đội QLTT số 1 đã hoàn chỉnh hồ sơ chuyển giao cơ quan Công an TP. Mỹ Tho để tiếp tục điều tra xử lý.
Còn lại 01 mẫu có chất lượng không phù hợp với tiêu chuẩn đã công bố, ngày 20/01/2022 Đội trưởng Đội QLTT số 1 ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với bà L.V.T.H là chủ cơ sở kinh doanh thực phẩm với số tiền 14.625.000 đồng, trị giá hàng hóa vi phạm 19.500.000 đồng. Đồng thời, buộc thu hồi, thay đổi mục đích sử dụng 60 thùng cháo tổ yến yến mạch đậu xanh theo quy định.
Cũng trong thời gian vừa qua, lực lượng chức năng đã liên tục phát hiện và thu giữ xử lý hàng loạt đơn vị sản xuất kinh doanh thực phẩm chức năng kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái, sản phẩm có nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng. Nhiều vụ phát hiện và thu giữ sản phẩm TPCN gần đây cho thấy, các đối tượng làm giả TPCN rất tinh vi, có đầu tư trang thiết bị, máy móc hiện đại để đóng gói, dán tem nhãn sản phẩm không khác gì hàng chính hãng. Bên cạnh đó, nhiều cơ chế chính sách để phát triển, quản lý mặt hàng TPCN còn khá lỏng lẻo, chưa phù hợp, thiếu tính khả thi khiến không ít doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh TPCN mất phương hướng, làm ăn thiếu hiệu quả.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng nêu trên là do nhiều cơ sở, cá nhân sản xuất, kinh doanh TPCN vì lợi nhuận mà bất chấp pháp luật, coi thường sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng, cố tình quảng cáo và tuồn ra thị trường những sản phẩm kém chất lượng, thậm chí là sản phẩm có hại, chứa chất cấm nguy hiểm tới sức khỏe con người. Bên cạnh đó, hiện nhiều đối tượng sử dụng mạng xã hội, thậm chí sử dụng cả một số nhân vật có ảnh hưởng tới công chúng để quảng cáo nhiều nội dung sai sự thật.
Theo các chuyên gia y tế, việc sử dụng các sản phẩm kém chất lượng sẽ tác động rất xấu tới sức khỏe người tiêu dùng cấp tính và lâu dài, với những biểu hiện tức thì và thậm chí là nguy cơ gây ung thư. Nhằm đảm bảo an toàn, hiệu quả và duy trì sức khỏe một cách dài lâu thì chúng ta cần thận trọng trong việc lựa chọn sản phẩm thực phẩm bổ sung, TPCN chỉ sử dụng sản phẩm có chất lượng tốt của các thương hiệu uy tín. Tránh ham rẻ, thiếu hiểu biết mà mua phải hàng giả, hàng nhái, không những không đem lại hiệu quả mà còn gây ra hậu quả khôn lường, ảnh hưởng đến sức khỏe.
Trên trang web Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cũng thường xuyên đăng những cảnh báo các trang thông tin sản phẩm vi phạm quảng cáo. Qua đó, khuyến cáo người dân không nên mua và sử dụng các sản phẩm TPCN quảng cáo có hình ảnh, danh nghĩa của cơ quan y tế, của các y, bác sĩ; không sử dụng các sản phẩm quảng cáo chữa dứt điểm bệnh.. |