Cần thêm những giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu
Thiệt hại nghiêm trọng mùa màng
Trên tạp chí Nature Food mới đây vừa công bố một nghiên cứu cho thấy, các hiện tượng nắng nóng và hạn hán có thể xảy ra đồng thời, thường xuyên hơn do BĐKH, kéo theo những hậu quả tiêu cực đối với nông nghiệp. Năng suất cây trồng thường giảm vào các vụ mùa có thời tiết nắng nóng, nhưng nắng nóng và hạn hán xảy ra đồng thời có thể gây ra ảnh hưởng lớn hơn thế.
Biến đổi khí hậu đã và đang là mối đe dọa lớn đến an ninh lương thực |
Tại Mỹ, tác động kép của nắng nóng và hạn hán khiến năng suất ngô, đậu tương có thể giảm thêm tới 20% ở nhiều vùng. Còn ở đông âu và đông nam châu Phi, làm giảm tới 40% năng suất… Tuy nhiên, những tác động kép của nắng nóng và hạn hán lại ít ảnh hưởng hơn đối với lúa mì hoặc lúa gạo.
Nghiên cứu cũng chỉ ra, nếu không cắt giảm lượng khí thải nhanh chóng, quyết liệt, các loại lương thực thực phẩm thiết yếu có thể ngày càng bị ảnh hưởng do hiện tượng khí hậu khắc nghiệt. Điều này làm tăng nguy cơ khiến giá lương thực cao hơn và giảm an ninh lương thực, ngay cả ở các nước phát triển.
Việt Nam là quốc gia chịu tác động lớn của BĐKH. Đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, bao gồm cả trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, đánh bắt và nuôi trồng thủy sản, quản lý nước… Tình trạng xâm nhập mặn ở khu vực ven biển sẽ làm thu hẹp diện tích đất nông nghiệp. Một phần diện tích đáng kể đất trồng trọt ở vùng Đồng bằng sông Hồng và Đồng bằng sông Cửu Long sẽ bị nhiễm mặn, vì 2 khu vực này thấp so với mực nước biển. Còn khi nhiệt độ tăng, hạn hán sẽ ảnh hưởng đến sự phân bố của cây trồng, đặc biệt làm giảm năng suất.
Việc mất đất canh tác trong nông nghiệp và năng suất cây trồng suy giảm sẽ đặt ra những thách thức: Đe dọa đời sống của nông dân, vấn đề xuất khẩu gạo và an ninh lương thực quốc gia đối với một quốc gia mà nông nghiệp đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc dân như Việt Nam (nông nghiệp chiếm 52,6% lực lượng lao động và 20% GDP của cả nước…).
Theo Tiến sĩ Tan Siang Hee - Giám đốc Điều hành của Hiệp hội CropLife châu Á - nông dân trên khắp Đông Nam Á đang phải đối mặt với ngày càng nhiều những thách thức nghiêm trọng. Những thách thức này đe dọa đến sinh kế của họ, khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng và tính bền vững của nguồn cung thực phẩm an toàn, bổ dưỡng mà tất cả chúng ta đều đang phụ thuộc.
Có giải pháp phù hợp
Corey Lesk - nhà nghiên cứu tại Khoa Địa cầu và Khoa học môi trường, Đài quan sát Địa cầu Lamont-Doherty - cho biết: Khi hành tinh tiếp tục nóng lên, nguồn nước và nhiệt độ có thể có mối liên hệ chặt chẽ hơn với nhau ở nhiều khu vực, khiến hạn hán ngày càng khốc liệt hơn và các đợt nắng nóng ngày càng khô hạn hơn. Thực vật sẽ ngày càng thiếu nước khi chúng cần nó nhất, và trong quá khứ, điều này đặc biệt gây hại cho mùa màng.
“Quan trọng nhất, nghiên cứu của chúng tôi phải là động lực để chúng ta tìm cách giúp cây trồng thích ứng, cũng như tìm giải pháp canh tác nhằm đối phó với các tác động cực đoan và tác động kép. Ví dụ, chúng ta cần các giống cây trồng mới có khả năng chịu nhiệt tốt, nhưng đồng thời cần có khả năng chịu hạn. Bởi đây là một vấn đề rất quan trọng đối với tất cả mọi người, nên chính phủ các nước và những công ty hạt giống lớn cần minh bạch về kế hoạch của họ trong việc giúp nông nghiệp thích ứng với khí hậu đang ngày một nóng lên”, nhà nghiên cứu Corey Lesk nhấn mạnh.
Việt Nam đã có những mô hình thích ứng thông minh, chủ động thích ứng với lũ, ngập, nước lợ, nước mặn được triển khai tại Đồng bằng sông Cửu Long. Hay việc phân vùng, chuyển đổi sản xuất ở Đồng bằng sông Cửu Long theo phương châm thuận thiên đã mang lại hiệu quả, được chứng minh qua đợt hạn mặn kỷ lục 2019-2020 vừa qua, qua đó chuyển hóa được thách thức thành cơ hội cho phát triển, giảm thiểu thiệt hại cho sản xuất, kinh doanh. Nếu tính thiệt hại về riêng diện tích lúa đợt hạn mặn vừa qua chỉ bằng khoảng 10% so với đợt hạn mặn nặng nề năm 2015-2016.
Tuy nhiên, tại Việt Nam nói riêng hay các nước khu vực Đông Nam Á nói chung, BĐKH đang đe doạ rõ ràng tới việc thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo và những mục tiêu phát triển bền vững, nếu không có một kế hoạch tổng thể để thích ứng với BĐKH với tầm nhìn dài hạn thì hệ quả là khôn lường.
Nhiều chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh BĐKH, xâm nhập mặn như hiện nay, ngoài giải quyết nước ngọt, cần xem trọng việc nghiên cứu nước mặn, lợ cũng là tài nguyên phát triển kinh tế biển, ven biển. |